.

Một phần tư thế kỷ tái lập tỉnh: Rộn rã bài ca dựng xây...

Thứ Sáu, 31/01/2014, 22:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Thoáng chốc đã một phần tư thế kỷ tên gọi Quảng Bình được trở lại trong các văn bản hành chính, trở lại với vùng đất có lịch sử hơn bốn trăm năm có lẻ... Còn trước đó là vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Trị Thiên và lùi xa hơn nữa là chiến trường ác liệt trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.  Có thấu hiểu cái xuất phát điểm khốn khó của vùng đất này thì mới hình dung được những nỗ lực lớn lao của tám mươi sáu vạn người dân Quảng Bình cùng với ý chí và truyền thống của một vùng đất, không bao giờ khuất phục dù là kẻ thù hung bạo hay thiên nhiên hà khắc...

 

Bay lên từ Đồng Hới.
Bay lên từ Đồng Hới.

Có lẽ một trong những sự kiện quan trọng nhất trong chặng đường phát triển của vùng đất này là Quảng Bình trở lại địa giới cũ vào tháng 7-1989. Thoáng chốc đã 25 năm Quảng Bình trở lại với tên gọi mến thương có gần 410 năm lịch sử. Và, chúng ta cùng điểm lại một chặng đường dựng xây sôi động trên mảnh đất này.

Một ngôi nhà, một con đường rồi một khu phố là ước ao ngàn đời của người dân "tỉnh lẻ", nhất là khi vừa "ra riêng" trong nghèo khó. Bởi vậy xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển là vấn đề tiên quyết khi Quảng Bình trở lại địa giới cũ. Ý tưởng đó đã được sự cộng hưởng của cơ chế, sức dân nên đã tạo bước tiến lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng làm nền móng cho phát triển toàn diện. Từ một địa phương bị chiến tranh tàn phá huỷ diệt, cơ sở hạ tầng là con số bé nhỏ, sau 25 năm tái lập tỉnh chúng ta đã tạo nên diện mạo mới bao gồm kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, phục vụ hoạt động văn hoá- xã hội, kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn...

Đầu những năm 90 cả tỉnh hầu như chưa có một con đường nhựa nào thật hoàn chỉnh. Những trục đường lớn như quốc lộ 1, quốc lộ 15 vẫn đang là những con đường cấp phối biên hoà, mịt mù bụi đỏ. Những dòng sông Gianh, Kiến Giang, Nhật Lệ... đã chia cắt địa bàn tỉnh ta thành nhiều vùng cách biệt. Nhiều vùng quê xa vời vợi bởi chưa có đường đi tới. Ngày mới chia tỉnh, đi công tác Minh Hoá, đi công tác Cha Lo còn nhọc nhằn, xa ngái hơn cả ra thủ đô. Nói đến bản Lòm, bản Mò O- Ồ Ồ đã nghe xa thẳm. Nay, sau mấy chục năm dựng xây, chúng ta đã làm thay đổi toàn diện hệ thống giao thông về chất lượng và mật độ đường. Các tuyến giao thông quan trọng trong tỉnh đã được nâng cấp một cách căn bản.

Ngoài các tuyến giao thông chính là Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12A, tuyến đường sắt bắc- nam, hệ thống đường liên thôn, liên xã, tỉnh lộ cũng đã được nâng cấp, nhựa hoá về cơ bản tạo thành một hệ thống giao thông thuận lợi và thông suốt trên địa bàn toàn tỉnh; là một trong những địa phương có mật độ đường bộ cao trong toàn quốc. Có lẽ ngày thống nhất đất nước, vùng giữa Lệ Thuỷ ai dám mơ có những chiếc cầu trên dòng Kiến Giang. Mấy năm trước đây người dân vùng nam Quảng Trạch và các xã bên kia sông Gianh của Tuyên Hoá đâu có nghĩ đến vượt sông Gianh mà không phải lụy đò. Và người dân Bảo Ninh bên kia dòng Nhật Lệ  đâu có dám nghĩ chỉ mỗi chiếc cầu bắc qua dòng sông đã xoá đi sự thua thiệt phía những cồn cát trắng.

Không chỉ tạo thông suốt trên địa bàn tỉnh nhà, một cảng Hòn La như cánh cửa mở ra biển lớn. Một cửa khẩu quốc tế Cha Lo xuyên về phía tây, bắt tay với các nước bạn Lào, Thái Lan. Sự thông thương này có thể tạo cho du khách sáng đón bình minh trên biển Nhật Lệ, trưa ngắm thuyền bè xuôi ngược  dòng Mê Công, tối ăn cơm trên đất Thái... Một sân bay Đồng Hới được xây dựng lại để người Quảng Bình "bay lên" từ thành phố Hoa Hồng, làm cho Quảng Bình không còn là "vùng sâu, vùng xa" trong ý nghĩ của  bạn bè và những nhà đầu tư. Một ngày gần đây, sân bay Đồng Hới sẽ là cảng hàng không quốc tế, có những chuyến bay thẳng tới Đài Loan.

Cùng với giao thông, hệ thống công trình thuỷ lợi từ hồ, đập đến kênh mương được đầu tư nâng cấp, đáp ứng về cơ bản yêu cầu sản xuất nông nghiệp, cắt những cơn hạn cháy đồng, hạn chế úng ngập... Đến nay tỷ lệ diện tích chủ động tưới tiêu đạt trên 95%, một tỷ lệ rất cao trên toàn quốc. Có thể ví von rằng cây lúa trên vùng đất lửa năm nào được "bảo hiểm" bằng hồ, đập, đê điều...

Những cơ sở kinh tế lớn như Khu công nghiệp Tây bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới, Khu kinh tế Cha Lo, Khu Kinh tế Hòn La, Nhà máy xi măng Sông Gianh, Nhà máy xi măng Văn Hoá... đã được đầu tư xây dựng và đang phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Và bên kia bán đảo Bảo Ninh không chỉ cát trắng, biển xanh mà có cả một Resort năm sao đón khách du lịch quốc tế... 

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã và đang làm điểm tựa để tạo nên những con số ấn tượng trong phát triển kinh tế- xã hội. Chúng ta đã duy trì nền kinh tế có mức tăng trưởng với tốc độ cao. Giai đoạn 1991-2005 tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%/ năm và giai đoạn 2006-2010 là trên 10%/ năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Trong những năm khó khăn do suy giảm kinh tế, tỉnh ta vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 7%, riêng năm 2013 là 7,1%.

Một góc thành phố Đồng Hới.
Một góc thành phố Đồng Hới.

Từ một nền kinh tế mà vai trò của sản xuất nông, lâm, thủy sản là chủ yếu, chúng ta đã tạo bước chuyển tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 47,7% trong những năm đầu 90 thì năm 2013 chỉ còn lại trên dưới 20% và công nghiệp- xây dựng- dịch vụ đã có tỷ lệ áp đảo với 80% trong cơ cấu nền kinh tế. Đây sự chuyển dịch đúng hướng, nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Điều có ý nghĩa hơn nữa, là chúng ta đã bắt đầu làm "lộ thiên" những tiềm năng thế mạnh của tỉnh mà lâu nay chưa có được cách làm hiệu quả nên chưa khai thác được bao nhiêu, chưa tương xứng với những gì thiên nhiên đã ban tặng. Chúng ta mừng vì có một thành phố đổi thay từng ngày, nhưng đáng mừng hơn khi Đồng Hới đang được điều chỉnh hướng ra biển để phát triển thành một trung tâm du lịch có tầm vóc của miền Trung, làm nhiệm vụ kết nối các trung tâm du lịch trong tỉnh như Phong Nha- Kẻ Bàng, Vũng Chùa- Đảo Yến, suối Bang...            

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đang thể hiện "đẳng cấp" của mình trong lòng du khách. Với những cách làm mới, lượng du khách đến với di sản, đến với Quảng Bình đang tăng nhanh. Con số 1,2 triệu du khách trong năm 2013 có thể chưa lớn nhưng là con số mở đầu cho một chặng đường mới của du lịch Quảng Bình.

Tiềm năng biển đang được biến thành sức mạnh vật chất cụ thể. 50 ngàn tấn thuỷ sản trong năm 2013 là con số minh chứng cho điều đó. Những làng biển đã mạnh giàu lên trông thấy, những đội tàu hùng mạnh đã vươn ra làm chủ biển khơi... Những ngọn núi đá vôi "trơ gan cùng tuế nguyệt" đã sản sinh ra thương hiệu xi măng con ngựa bay kiêu hãnh, góp phần quan trọng vào tăng trưởng công nghiệp hàng năm.

Những vùng đất trống, đồi núi trọc đã xanh lại cây rừng cùng những cây công nghiệp như cây thông, keo, cao su... Những mô hình nông dân làm giàu ngày càng nhiều lên và loại hình sản xuất, chăn nuôi, trang trại cũng đa dạng hơn, phong phú hơn. Những vùng "đất chết" dưới bàn tay sáng tạo, cần cù của người lao động đã "sống lại", "đẻ" ra tiền... Những triền cát trắng tưởng chỉ điểm tô cho biển thêm xanh và khoắc khoải những cây phi lao còi cọc bởi gió và nắng, nay đã dọc ngang những hồ ao nuôi tôm xuất khẩu... Một anh Võ Đại Nghĩa ở Hồng Thuỷ (Lệ Thuỷ) đã biến điều không thể thành có thể, bắt con cá đối mục đẻ ngay trong ao nuôi của mình. Có một tổ hợp nuôi tôm hồ "3 cấp" ở Bố Trạch, là công nghệ mới du nhập từ Thái Lan sang, để có năng suất nuôi tôm gấp nhiều lần nuôi bình thường, đã và đang biến cát thành vàng! Và hàng ngàn điển hình nông dân khác từ đồng bằng lên vùng núi, biết biến tiềm năng trên mảnh đất đang sống thành tiềm lực vật chất cụ thể để đổi đời...

Thời gian cùng với sự lao động sáng tạo của 86 vạn người dân trong tỉnh đã biến những điều mong ước thành hiện thực, nối dài truyền thống của một vùng đất không bao giờ khuất phục dù là kẻ thù bạo tàn hay thiên nhiên hà khắc!.

Văn Hoàng