.

Đời tàu...phận người - Kỳ 2: Phận người

Thứ Hai, 06/01/2014, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Toa tàu nơi chúng tôi ngồi theo quy định có sức chứa 64 người, lúc cao điểm đông khách có thể bố trí thêm 16 ghế phụ. Nhưng trong suốt hành trình của DH41 từ Đồng Hới đến Huế chỉ độ chục người lên rồi xuống khiến cho toa khách trống trải buồn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tàu chợ bị lỗ nặng. Khách trong toa mỗi người một số phận, một cảnh đời để vừa hay hình thành nên góc đời thu nhỏ: mươi sinh viên lên từ ga Đồng Hới, Long Đại, Mỹ Trạch; những người đàn bà buôn chuyến Mỹ Đức- Huế; đôi vợ chồng trẻ đưa con ở Quảng Bình vào thăm quê nội Quảng Trị; những gương mặt già nua, khắc khổ của các bệnh nhân nghèo theo tàu chợ vào Bệnh viện Trung ương Huế...

>> Kỳ 1: Đời tàu

Khi tàu đến ga xép Lệ Kỳ, theo đề nghị của chúng tôi, Trưởng tàu Trần Đình Cường bố trí cho hai người lên phía trước đầu máy để ghi hình. Đây thực sự là một "ưu tiên đặc biệt" vì theo quy định nghiêm ngặt của ngành Đường sắt, những ai không phận sự cấm lên trên đầu máy.

Lái chính của DH41 hôm nay là ông Phùng Minh Nhật, quê tận Đà Nẵng, người có thâm niên 27 năm trong nghề lái tàu. "Phận lái tàu... bạc lắm!"- Ông Nhật bảo- "Nhưng đã vận vào ai thì khó mà bỏ được. Thế là cùng đồng hành với con tàu nghèo này cho đến khi về hưu".

Gần một nửa cuộc đời gắn bó với từng cung đường sắt, ông Nhật đùa rằng, nhắm mắt lại cũng có thể hình dung con tàu sắp đến một đoạn đường ngang dân sinh nào đó, đường ngang nào có gác chắn, đường ngang nào không; hay là tàu chuẩn bị vào ga nào; qua cầu sắt của con sông nào... "Đường sắt Việt Nam rất đáng sợ! nhiều đường ngang quá, trâu bò người dân hay thả rong hai bên đường ray, thế nên đầu óc lúc nào cũng căng ra như sợi dây đàn".

Lái chính Phùng Minh Nhật và bữa cơm muộn ngay tại buồng lái.
Lái chính Phùng Minh Nhật và bữa cơm muộn ngay tại buồng lái.

Ngồi cùng ông và lái phụ, anh Nguyễn Thanh Toản, quê xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) trên buồng lái, lắng nghe những câu chuyện vui buồn của nghề lái tàu. Ừ, mà dù bạc... nhưng rất thú vị nên có mấy ai khi gắn bó với nghề lại bỏ nghề. Phía trước mặt, hai đường ray xe lửa cứ đều đều, song song... chạy mãi đến vô cùng. Hai bên khung cửa sổ, quê hương, đất nước trải rộng ra với nhiều cung bậc cảm xúc. Có lúc tàu xuyên trong rừng hoang... xuyên giữa bạt ngàn cao su... có lúc đường ray chia làm đôi những cánh đồng  dài tít tắp... lại nữa, tàu đi qua núi, qua sông, qua bao làng quê, phố thị... Ông Nhật xuýt xoa rằng, mấy chục năm chạy tàu, hạnh phúc khi được chứng kiến, trải nghiệm những đổi thay của quê hương, đất nước.

16 giờ 20 phút, tàu ghé ga Đông Hà, nhường đường cho chuyến SE2 Sài Gòn- Hà Nội. 16 giờ 40 phút, trước khi khởi động máy tàu, cả lái chính lẫn lái phụ kịp kiếm cho mình hộp cơm buổi chiều. Ông Nhật vừa nhai cơm, vừa tập trung ánh mắt dọc theo tuyến đường ray, ông bảo: "Bữa cơm trên tàu thất thường lắm, lúc đói, lúc no... tùy theo hàng cơm cháo. Có những lúc chẳng còn cái gì mà cho vào bụng, thế là đành chờ tới ga cuối cùng". "Nếu có một điều ước, bác sẽ ước gì?". "Đơn giản thôi, nghĩ ngơi ở nhà tầm hai đến ba ngày, giúp vợ sửa sang lại nhà cửa, ăn với vợ con một bữa cơm, xem con cái công tác thư thế nào? Rồi được vui bên các cháu nội, ngoại". Đơn giản... biết vậy, nhưng gần ba chục năm rong ruổi cùng đời tàu chợ, chưa một lần ông Nhật thực hiện được. Tôi tạm biệt ông lái tàu già Phạm Minh Nhật khi tàu chợ dừng tại ga Quảng Trị.

"Kính chào quý khách! Đoàn tàu DH41 Đồng Hới đi Huế sắp sửa đến ga Diên Sanh. Quý khách nào có vé xuống ga Diên Sanh chuẩn bị tư trang hành lý để xuống tàu...". Tôi ấn tượng với giọng Huế ngọt ngào của cô phát thanh viên từ lúc lên tàu ở ga Đồng Hới, nhưng vì phải chạy ngược xuôi nên chưa có dịp tiếp cận. Hỏi ra mới hay, chị ngồi chỉ cách tôi một dãy ghế trống không người. Tên của chị là Đào Thị Mẫn, sinh năm 1973, có thâm niên công tác trong ngành Đường sắt 18 năm. Chồng chị, anh Trần Hữu  Phu, tuổi nghề hơn vợ một năm.

Tôi có thể ví vợ chồng chị tựa như Ngưu Lang- Chức Nữ vậy. Cùng vị trí nhân viên phục vụ trên tàu chợ, chị đi DH41, anh ở DH42, có nghĩa ngày chị theo tàu là ngày anh ở nhà và ngược lại. Họ chỉ gặp nhau, cùng chăm sóc cô con gái 12 tuổi sau 8 giờ tối.

Hai sinh viên Đỗ Thị Thành, Ngô  Mỹ Hòa  cùng trên chuyến tàu chợ vào Huế.
Hai sinh viên Đỗ Thị Thành, Ngô Mỹ Hòa cùng trên chuyến tàu chợ vào Huế.

Giọng Huế dịu, nghe như ru, gương mặt thanh thoát, nhẹ nhàng, chị Mẫn chưa bao giờ bị khách đi tàu phàn nàn, tiếng bấc, tiếng chì dù đó là ông khách khó tính vào hàng bậc nhất Việt Nam. "Kỷ niệm của chị về tàu chợ à? Nhiều lắm! Nhưng đáng nhớ nhất khi có một hành khách khen chị, khen tàu chợ bằng thơ. Bác này thường hay đi tàu chợ mà, viết thơ xong, bác ấy để vào trong hòm thư góp ý trên tàu. Bây giờ chị còn đương cất đây, như một kỷ vật ngọt ngào...

Mà nếu tàu chợ giải thể, chị còn cái mà nhớ, mà thương". Chị Mẫn nhẹ đọc bài thơ ông khách tặng mình: "Chào cô kiểm soát vé tàu/ Tôi là hành khách lần đầu gặp cô/ Hành khách ai cũng trầm trồ/ Khen rằng thái độ của cô chan hòa/ Đẹp người đẹp cả nết na/ Nói năng với khách như là người thân/ Xa cô hành khách xa gần/ Nhớ cô như nhớ người thân trong nhà/ Mấy lời xin viết nôm na/ Có gì sai sót hãy tha thứ dùm".

Tàu chạm đất Huế..., nhiều hành khách rục rã trong giấc ngủ chập chờn theo tiếng ru "cực cực". Kế bên tôi có hai cô bé, mới nhìn qua cũng đoán được rằng các em đều là sinh viên. Đỗ Thị Thành, quê xã Mai Thủy, sinh viên Trường đại học Phú Xuân; Ngô Mỹ Hòa, ở xã Vạn Ninh, đang theo học Trường cao đẳng công nghiệp Huế. Thành lên tàu tại ga Mỹ Trạch, mua vé hết 39.000 đồng. Em bảo nếu đi xe ô tô phải về ngã ba Cam Liên nơi quốc lộ 1A chừng 7km, sau đó mua vé hết 70.000 đồng. "Sinh viên nghèo như chúng em, đi tàu chợ tiện hơn, mang theo bao nhiêu là thứ". Thành và Hòa chỉ cho chúng tôi thấy những hành lý lỉnh kỉnh của các em: gạo, đồ gia dụng, chăn ấm, áo quần... "Đi ô tô... có ai cho chúng em mang vác như ri, nếu không chịu trả tiền"- Ngô Mỹ Hòa góp chuyện.

Cùng lên tàu tại ga Mỹ Đức như em Ngô Mỹ Hòa, chị Hoàng Thị Hương, 50 tuổi, người Huế chính gốc. Chị Hương lấy chồng Quảng Bình, người Sơn Thủy từ 30 năm trước, vợ chồng có với nhau đến sáu người con. Chị Hương so sánh mình như đời tàu chợ... đất mô cũng lành cả, đặc biệt là đất nghèo ba tỉnh Bình Trị Thiên. Nếu tàu chợ ngừng chạy, chị biết mần răng đây? Hai vợ chồng cộng thêm sáu đứa con, một tháng vài bận vô ngoại, còn hàng hóa, quà cáp. Đi ô tô tốn bộn tiền, lại không an toàn... đi tàu rất thoải mái, ấm cúng.

Hành trình của DH41 một vòng tròn Huế- Quảng Bình, Quảng Bình- Huế, nơi chúng tôi chiêm nghiệm ngoài Trưởng tàu Trần Đình Cường còn có 13 cán bộ, nhân viên cùng hành khách lên xuống, đến rồi đi... Chừng ấy người, chừng ấy số phận, chừng ấy duyên và nợ. Tàu chợ vẫn "khúc khắc... khúc khắc" chậm rãi. Riêng duyên, còn nợ vẫn cứ tiếp tục neo lại.

Thanh Long

Kỳ 3: Duyên nợ đời tàu...