.

Đời tàu... phận người - Kỳ 1: Đời tàu

Thứ Bảy, 04/01/2014, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Nghe tin Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiếm tạm ngừng 5 đôi tàu khách địa phương kinh doanh kém hiệu quả trong đó có 4 đôi tàu Đồng Hới- Huế, Đồng Hới- Vinh từ ngày 1-1-2014, điện thoại cho anh Nguyễn Thanh Khánh, Phó Trưởng ga Đồng Hới xem thực hư, được anh xác thực: “Quả đúng như thế. Một thông tin buồn cho những người dân bén duyên với tàu chợ”. Nguyễn Thanh Khánh nói thêm: “Đang kiến nghị với Tổng công ty Đường sắt và Bộ Giao thông vận tải… hy vọng và hy vọng!”. Một ngày cuối tháng 12, tôi cùng những đồng nghiệp tại Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Bình vác ba lô lên ga Đồng Hới, mua vé tàu chợ Đồng Hới-Huế chọn cho mình một góc ghế hoài niệm ngược xuôi dọc từng cung đường sắt.

 

Đoàn tàu DH41 chuẩn bị rời sân ga Đồng Hới.
Đoàn tàu DH41 chuẩn bị rời sân ga Đồng Hới.

Phó Trưởng ga Đồng Hới Nguyễn Thanh Khánh bảo rằng: “Hai đôi tàu Đồng Hới- Vinh mới thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Bình. Riêng hai đôi tàu Đồng Hới- Huế lại thuộc Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng  Trị- Thừa Thiên. Vì thế  để ga Đồng Hới gửi gắm các bạn với Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Trị- Thừa Thiên cho chắc ăn”.

Nhà ga Đồng Hới thông báo lịch tàu DH41 rời ga lúc 13 giờ 15 phút nhưng đến 13 giờ 20 phút, DH41 mới “chịu” chuyển bánh, chầm chậm qua gầm cầu vượt hướng vô nam.

Đón chúng tôi trên toa hành khách là Trưởng tàu Trần Đình Cường với nụ cười chân tình: “Các bạn cần hỏi chi về tàu chợ, cứ hỏi. Mình biết chừng nào, sẵn sàng giúp ngay. Xem như... đều là người nhà”. Câu hỏi đầu tiên: “Cán bộ, nhân viên trên tàu đón nhận thông tin đôi tàu địa phương sẽ tạm dừng, cảm giác mọi người như thế nào?”. Trả lời: “Buồn... xen lẫn nuối tiếc. Mà khoan quan trọng hóa vấn đề lên, tàu vẫn đang chạy, dòng người vẫn lên xuống hàng ngày đó chứ!”. Câu hỏi thứ hai: “Vì sao gọi là tàu chợ?”. Trả lời: “Chịu! từ khi có những chuyến tàu địa phương, người đi mau mắn gọi bằng cái tên dân dã, đời thường- tàu chợ. Chắc mọi người lên xuống tàu giống như đi chợ nên mới có cái tên này chăng?”. Câu hỏi thứ ba: “Đời tàu chợ nghiệm như đời người, phải không anh?”.

Tiếng Trưởng tàu tựa như một cái giật thột mình khi đoàn tàu phanh gấp lúc vào cua: “Tàu chợ là tàu của dân nghèo mà. Ai gắn cuộc đời mình với vui buồn, thăng trầm của tàu chợ mới thấy hết giá trị nhân văn ẩn sâu sau những xô bồ, hối hả diễn ra trước mắt”.

Có lẽ... lời Trưởng tàu Trần Đình Cường đã nói thay tâm sự của từng cảnh đời hiện diện trên con tàu chợ hơn 38 năm nay cứ mộc mạc, cũ kỹ... ít chịu sự biến thiên, thăng trầm của cuộc sống hiện đại. Ba mươi tám năm trước, sau ngày đất nước thống nhất, chính con tàu này, chính chiếc đầu máy này đã đi dọc dải đất hẹp Bình Trị Thiên, băng qua đôi bờ sông Bến Hải, dòng sống giới tuyến một thời chia cắt hai miền Nam- Bắc. Ba mươi tám năm sau, đoàn tàu lửa vẫn lặc lè, xếp vào hàng “chiếu dưới” so với các “đàn anh” TN, SE, thấy mặt là tránh. Tránh từ ga lớn đến ga xép, tránh năm phút... mười phút... thậm chí vào thời gian cao điểm như lễ, tết, tránh đến vài tiếng đồng hồ.

Chạy chậm, mật độ ga dày đặc, quãng đường từ Đồng Hới đến Huế chừng 180km có đến 18 ga và 2 trạm: Đồng Hới, Lệ Kỳ, Long Đại, Mỹ Đức, Phú Hòa, Mỹ Trạch, Thượng Lâm (tỉnh Quảng Bình), Sa Lung, Vĩnh Thủy, Tiên An, Hà Thanh, Đông, Hà, Quảng Trị, Diên Sanh, Mỹ Chánh (tỉnh Quảng Trị), Phò Trạch, Hiền Sỹ, Văn Xá, An Hòa, Huế (tỉnh Thừa Thiên- Huế). Nơi nào tàu chợ cũng dừng... cho khách nghèo lên, xuống.

Tựu trung lại một câu khẳng định được rút ra gần bốn chục năm tồn tại kiếp tàu chợ: dù chậm chạp, dù “nhà quê”, nhưng đó là phương tiện, cứu cánh của dân nghèo ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế và học sinh, sinh viên ở các vùng quê heo hút thuộc ba tỉnh này. Từ mỗi sân ga, biết bao con người chờ đợi tiếng máy tàu xình xịch... xình xịch ẩn mang một điệp khúc muôn đời: mi cực... tau cực... mi cực... tau cực...! Rồi hình bóng những toa tàu cũ mốc mờ dần trong bóng đêm nhạt nhòa.

Hành khách lên tàu tại ga Long Đại.
Hành khách lên tàu tại ga Long Đại.

Tàu chạy đến ga Phú Hòa thì dừng lại... tránh! Tiếp tục ỳ ạch qua Thượng Lâm, điểm ga cuối cùng trên đất Quảng Bình. Một hồi còi tàu ngân dài trong thinh không như chào từ biệt Quảng Bình trước khi chạm bánh trên đường ray thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. Trạm Vĩnh Thủy nằm phía trên thị trấn Hồ Xá, trung tâm kinh tế- chính trị huyện Vĩnh Linh. Dù chỉ là một trạm xép nhỏ trơ vơ giữa mênh mông rừng hoang và cao su bạt ngàn... nhưng lạ, ở trạm xép này lượng người lên xuống rất đông.

Ông cụ Lê Ngọc Mại, 75 tuổi, gốc gác Vĩnh Thủy nhưng nhà cửa, con cái hiện tại ở thành phố Đông Hà đón tàu nơi trạm xép. Chọn cho mình một chỗ ngồi khá ấm cúng, tự thưởng cho mình một ly cà phê đen, điếu thuốc lá Zét nặng đô, cụ Mại khề khà nói với tôi: “Một năm, vợ chồng có đến mấy chục lần về thăm quê cha đất tổ. Đi tàu từ Vĩnh Thủy vô Đông Hà chỉ mất có hai chục nghìn đồng, lại khỏi phiền con cháu đưa đón. Đi ô tô thì tiền vé gấp đôi, lại nhờ người chở từ nhà về tận quốc lộ 1A mới đón xe khách được”. Tôi hỏi cụ nếu vắng bóng tàu chợ, cụ có buồn không? Cụ Mại xẳng xái: “Răng không! Nhà nước nói vi mô, vĩ mô chi, dân bề tui hiểu không hết, nhưng không có những chuyến tàu chợ cho dân nghèo đi, dân tui buồn”.

Giám đốc Xí nghiệp vận tải đường sắt Quảng Trị- Thừa Thiên Mai Văn Tân cung cấp cho chúng tôi những con số “giật mình”: từ khi đưa vào vận hành dưới thời bao cấp cho đến tận bây giờ, những đôi tàu địa phương DH41/42 chưa bao giờ chấm dứt điệp khúc lỗ, DH41/42 mỗi năm lỗ cả 100 tỷ đồng. Mỗi chuyến quay vòng Huế- Đồng Hới, Đồng Hới Huế doanh thu chỉ đạt bình quân từ 14 đến 15 triệu đồng, bằng 25% đến 30% chi phí bỏ ra. Kinh doanh trong điều kiện đặc thù, cự ly vận tải ngắn, sản lượng vận tải thấp, bị cạnh tranh bởi các phương tiện khác... cho nên dù áp dụng nhiều biện pháp như cải tiến thời gian chạy tàu, tăng giá vé, áp dụng thêm nhiều loại hình dịch vụ... vẫn không thể tránh được tình trạng lỗ nặng.

Lương của cán bộ, nhân viên ngành đường sắt bình quân 4 triệu đồng/tháng. Quá thấp! Nếu tính theo ngày công mà họ bỏ ra, thiệt thòi nhiều so với người lao động trong các loại hình vận tải khác. Trong lúc đó, ngành đường sắt lại đóng góp nhiều cho phúc lợi xã hội, an sinh xã hội như: giảm giá vé 10% cho học sinh sinh viên; 20% cho người cao tuổi; cung cấp phương tiện giao thông hữu hiệu, tiện ích cho người nghèo, đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa; nơi hẻo lánh không có các loại hình vận tải khác... Nếu ngừng tàu chợ, sẽ có rất nhiều người thiệt thòi. Từ dân nghèo, học sinh sinh viên đến cán bộ, nhân viên đường sắt, những người xem tàu chợ như một phần máu thịt của mình. Một điều ước bình dị của rất nhiều người- không nên dừng tàu chợ, không dùng tàu chợ vào mục đích kinh doanh mà tương lai để đời tàu chợ trở thành phương tiện vận tải công ích, phi lợi nhuận.

Khách đi tàu mỗi người chìm sâu vào mỗi dòng suy nghĩ... chuyến tàu DH41 cứ phận mình mà thực thi, mi cực... tau cực... mi cực... tau cực!. Chạm đất Huế, mưa phùn bay lất phất ngoài cửa sổ. Đêm xuống thật nhanh... hơi lạnh vì thế cũng tăng thêm đôi phần. Khi hành khách bắt đầu lục đục chuẩn bị sắp xếp tư trang, hành lý... là lúc con tàu chầm chậm tiến vào ga Huế. Đồng hồ trên tay tôi điểm đúng 18 giờ 35 phút.

Trên sân ga Huế mịt mờ mưa... chúng tôi lần lượt bắt tay Trưởng tàu Trần Đình Cường cùng các cán bộ, nhân viên của anh. Hẹn nhau một vòng quay trở ra: Huế- Đồng Hới.

Thanh Long

Kỳ 2: Phận người