.

Ai lên Minh Hóa xuân này

Thứ Sáu, 24/01/2014, 07:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Lâu lắm… có lẽ gần trọn năm tôi tạm biệt Minh Hóa về xuôi, trở lại phụ trách huyện Quảng Ninh. Công việc làm báo ở địa bàn cứ cuốn lấy mình, thỉnh thoảng những người bạn, người anh ở Quy Đạt gọi điện thoại về ngầm ý trách "Quên phố núi rồi à? Rảnh, thượng sơn một chuyến, xem Minh Hóa có gì thay đổi!". Hứa… và hứa, đến khi vác ba lô lên vai, ngồi gật gù trong xe đò tuyến Đồng Hới- Quy Đạt thì một năm đã trôi vèo.

 

Mai vàng xuống phố núi.
Mai vàng xuống phố núi.

1. Xe trườn lên Dốc Cảng, chuẩn bị vào thị trấn Quy Đạt, nhìn về phía bên trái, vực núi sâu xuống thăm thẳm, ở đó có thác Pụt, nơi hình thành nên lễ hội rằm tháng ba “riêng có” của huyện Minh Hóa. Người bạn đồng hành cạnh tôi bảo: “Công trình thác Pụt đang thi công hoành tráng lắm anh. Sẽ có một ngôi đình mọc lên bên thác Pụt để tổ chức phần lễ cúng Pụt. Rằm tháng ba năm tới anh lên, chắc chắn đình đã làm xong”.

Tuyến đường từ Dốc Cảng qua xã Yên Hóa, đến thị trấn Quy Đạt ngập trong sắc đỏ cờ Tổ quốc. Trước đây chưa có con đường xuyên Á ngả Hồng Hóa lên cửa khẩu quốc tế Cha Lo thì mọi thông thương đều theo lối này. Con đường xưa cũ, nhỏ hẹp, hai bên đầy cỏ dại mà nay tựa như có một chiếc đũa thần điểm qua, phong quang, rộng thoáng, sạch sẽ đến ngỡ ngàng.

“Phép thần kỳ gì anh! Nhờ nông thôn mới cả đó. Ai đời cả thị trấn có mỗi một con đường mà nhếch nhác, nhỏ bé, không vỉa hè, dân sống hai bên mạnh ai nấy lấn chiếm hành lang kinh doanh, buôn bán”- Bác tài xế vui miệng góp chuyện- “Các cấp ủy Đảng, chính quyền đồng lòng; tổ chức, đoàn thể trực tiếp ra tay tuyên truyền, vận động; nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tự giác giải tỏa lấn chiếm, tự nguyện hiến đất... để bây giờ có một con đường thật sự xanh- sạch- đẹp vậy đó”. Bác tài xế cười vui vẻ, nhấm nhẳng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Cái gì hợp lòng dân là tồn tại hết thảy, phải không mọi người?”. Chuyến xe đò cuối năm sau câu chuyện của bác tài xế chợt nhiên rôm rả hẳn lên.

Tôi xuống xe ngay trước chợ Quy Đạt, trời trưa trật, hơi núi tỏa ra rét căm căm mà chợ vẫn đông nghịt người, hỏi mới biết hôm nay nhằm phiên chợ, lại nhóm họp vào những ngày cuối năm nên khách thương từ khắp nơi hội tụ về. Bao đời nay, chợ Quy Đạt một tháng sáu phiên chính: ngày 5, 10, 15, 20, 25 và ngày cuối tháng âm lịch. Nhằm vào các phiên chợ, ngoài người dân Minh Hóa tập trung đến chợ huyện mua sắm thì còn có sự góp mặt của thương lái từ Đồng Hới ra, Ba Đồn lên, Hà Tĩnh vào... Nhờ đó, chợ phiên Quy Đạt càng trở nên đa dạng, phong phú về hàng hóa, sản vật.

Muốn biết cuộc sống của người dân Minh Hóa ra sao sau hai cơn bão số 10 và 11, tôi đi thăm chợ. Chen giữa dòng người, chen giữa bạt ngàn hàng hóa, tôi ngỡ ngàng nhận ra nhiều đổi thay của cuộc sống thường nhật. Ngoài lương thực, thực phẩm, sản vật của địa phương, cơ man hàng hóa phục vụ cho tết nguyên đán Giáp Ngọ sắp cận kề. Và cứ vào dịp cuối năm (từ giữa tháng 11 âm lịch cho đến tận ngày 25 tháng chạp), người Nguồn Minh Hóa dù giàu, dù nghèo đều ra chợ cùng nhau chăm lo một tục lệ rất đẹp, rất nhân văn... cũng rất “riêng có”- tục “pơng côộ thết” (bưng cỗ tết), một phong tục không thể thiếu khi tết đến xuân về. Những người con, người cháu trưởng thành có gia đình ra riêng cuối năm làm một mâm cơm để “giỗ sống” ông bà, cha mẹ mình.

Quan điểm của lớp lớp người Nguồn rất đơn giản, dung dị nhưng thật ý nghĩa: bậc sinh thành ra mình quanh năm vất vả nuôi nấng con cháu, giờ con cháu trưởng thành phải có mâm cơm báo hiếu cha mẹ, ông bà, vì khi đấng sinh thành khuất núi rồi thì làm sao báo hiếu được nữa. Mâm cơm không cần cao sang, đủ đầy nhưng phải thể hiện được tấm lòng hiếu lễ của cháu con đối với ông bà, cha mẹ.

2. Ngồi chuyện phiếm với Bí thư Huyện ủy Cao Văn Định và Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Lương Bình. Chuyện phiếm mà chẳng phiếm chút nào khi một năm trôi qua với rất nhiều việc đã làm và thành quả đạt được giúp Minh Hóa giảm nghèo nhanh, bền vững như Nghị quyết 30a của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX kỳ vọng.

Thực phẩm, cá ruộng, cá biển đều có đủ tại chợ Quy Đạt.
Thực phẩm, cá ruộng, cá biển đều có đủ tại chợ Quy Đạt.

Bí thư Cao Văn Định bảo: “Năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa triển khai rất nhiều công việc: bốn chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp gồm chương trình phát triển nông nghiệp; chương trình xây dựng và phát triển cơ cấu hạ tầng; chương trình phát triển nguồn nhân lực; chương trình nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.

Cụ thể hóa 4 Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy gồm Nghị quyết phát triển cây cao su trên địa bàn huyện Minh Hóa, giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2011- 2015; Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội thị trấn Quy Đạt đến năm 2015... Các chương trình, dự án nhà nước triển khai trên địa bàn huyện cùng với sự đoàn kết, nỗ lực toàn dân mà kinh tế- xã hội tăng trưởng khá, quốc phòng- an ninh giữ vững; đời sống nhân dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc”.

Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Lương Bình tâm sự: “Năm 2013 thực sự là một năm Minh Hóa gặp rất nhiều khó khăn, trong đó hậu quả của hai cơn bão số 10 và 11 để lại hết sức lớn. Khắc phục những khó khăn đó, Đảng bộ và nhân dân Minh Hóa gặt hái được rất nhiều kết quả khả quan, minh chứng qua từng con số cụ thể: tổng sản lượng lương thực đạt 9.174 tấn; giá trị sản xuất 525.276 triệu đồng; tổng đàn gia súc 35.267 con; tổng thu ngân sách 40.590 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 36,09%”.

Đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và nhận thức của cán bộ, đảng viên và  người dân huyện Minh Hóa, tôi cảm nhận rõ rệt điều đó khi mọi nơi, mọi lúc câu chuyện về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng mô hình kinh tế trang trại, trồng cao su... trở thành đề tài nóng được đem ra bàn luận. Rồi thực tiễn minh chứng, với lợi thế tự nhiên của mình, Minh Hóa đang khẳng định được những thế mạnh về chăn nuôi, trồng rừng kinh tế. Nhiều hộ dân thoát nghèo, từng bước vươn lên, thành giàu có nhờ lựa chọn những hướng đi đúng.

Ai lên Minh Hóa xuân này? Để nghe sức xuân đang phơi phới trên những con đường thông thoáng xuyên về tận khắp các bản làng. Nghe những đổi thay của miền đất phía tây tỉnh nhà một thời “khắm khổ” vì cách núi, ngăn sông. Không phải bằng con số trên giấy tờ, báo cáo hành chính vô thức mà bằng chính những câu chuyện kể của người dân bên chén chè xanh đậm chát háo hức với nhiều dự định cho tương lai mỗi khi tết đến xuân về.

Ngô Thanh Long