.

Nối những bờ vui

Thứ Bảy, 28/12/2013, 09:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều đời qua, người dân thôn Đồng Phú, xã Đồng Hoá (Tuyên Hoá) chịu biết bao cơ cực vì cách trở đò giang; mọi sinh hoạt dường như đều bị "đóng khung" trong không gian nhỏ hẹp sau luỹ tre làng. Mong ước về một cây cầu vì thế trở thành khát khao thường trực của bà con nơi đây. Ngày qua ngày, miền quê nghèo heo hút sẽ vẫn chịu cảnh "cô lập" nếu không có người cựu chiến binh đã kiên trì bắc chiếc cầu phao qua sông Gianh - chiếc cầu nối những bờ vui. Ông là Nguyễn Văn Khanh, thương binh hạng 2/4 ở Đồng Giang, Đồng Hoá (Tuyên Hoá).

Sinh ra từ làng, gắn bó tuổi thơ với dòng sông quê hương, Nguyễn Văn Khanh thấu hiểu nỗi cơ cực của người dân quê mình khi đò giang cách trở. Những lần chứng kiến cảnh bà con thấp thỏm khi chen chúc trên con đò cũ kỹ để sang sông cùng mối hiểm nguy rình rập; cảnh học sinh phải nghỉ học vì mưa to, nước lớn, ông đã nung nấu ước mơ làm một cây cầu cho dân đỡ khổ. Thế rồi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Khanh đành tạm gác ước mơ để vào quân ngũ. Đầu năm 1987 ông được biên chế vào Trung đoàn 6, thuộc Tỉnh đội Bình Trị Thiên.

Cuối năm 1988, ông ra nhận công tác ở đảo La (Ban CHQS huyện Quảng Trạch). Cũng chính tại đây, trong một lần đang làm nhiệm vụ, ông Khanh bị một quả đạn phát nổ "ăn đứt" cánh tay bên phải. Từ một thanh niên trai tráng bỗng nhiên mất đi một phần cơ thể, trở thành thương binh hạng 2/4, cuộc sống của ông gặp không ít khó khăn, thiệt thòi khi trở về với đời thường, nhất là khi lập gia đình, gánh nặng cơm áo, việc học hành của 3 đứa con lại càng đè nặng lên đôi vai Nguyễn Văn Khanh. Ấy thế mà người thương binh giàu nghị lực ấy đã vượt qua được những ngày tháng khó khăn nhất để tiếp tục theo đuổi ước mong từ những ngày còn trai trẻ.

Ở miền quê nghèo Đồng Hoá, bắc được cây cầu qua sông Gianh, nối những bờ vui cho dân quê đỡ khổ là mong muốn của hàng trăm con người nơi đây, không riêng gì CCB Nguyễn Văn Khanh. Thế nhưng sự quyết tâm, kiên trì và cả cái táo bạo có đôi chút liều lĩnh thì có lẽ chỉ riêng ông Khanh mới có được. Đưa ý sáng kiến làm cầu phao trình bày với chính quyền thôn, xã và chi hội CCB thôn Đồng Giang, ông nhận được không ít ý kiến trái chiều. Người vun vào, kẻ nói ra, người tin tưởng, kẻ lại cho ông là "gàn", không biết tự lượng sức.

Chiếc cầu nối bờ vui.
Chiếc cầu nối bờ vui.

Rất may, dần dà họ cũng hiểu và đồng tình. Cảm giác lúc đó vui chi lạ!", ông Khanh bộc bạch. Làm xong "công tác dân vận", ông bắt đầu tự thiết kế và làm dự toán. Nói là thiết kế cho oai, chứ thực ra bản vẽ của ông đơn giản lắm. Chỉ hai tờ giấy A4 và một tờ giấy học sinh, chưa đầy một buổi ông đã hoàn tất “hồ sơ công trình”. Cây cầu được vẽ bằng cánh tay trái lành lặn còn lại của người thương binh cần mẫn nhưng trông rất đẹp; dự toán thì ông đọc cho con gái đang học lớp 8 làm tính giúp. Từng chi tiết nhỏ nhất đều được ông tính toán kỹ, trình bày cẩn thận, nhờ đó “hồ sơ thiết kế” của ông trình lên lập tức được chính quyền địa phương nhất trí, ủng hộ.

Niềm vui chưa kịp hưởng trọn thì CCB Nguyễn Văn Khanh phải gánh thêm một nỗi lo khác, nỗi lo mang tên nguồn vốn. Ngoài số tiền 60 triệu đồng tiết kiệm của gia đình, rồi vay thêm người thân, đồng đội được 20 triệu đồng, ông Khanh thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 40 triệu đồng nữa. "Thời điểm đó (năm 2000), đây không phải là một số tiền nhỏ. Đặt cược vào đây không chỉ là mồ hôi, nước mắt của hai vợ chồng mà còn có cả niềm tin, sự kỳ vọng của biết bao nhiêu người nữa nên tôi luôn tự nhủ nhất định phải thành công, phải xây cho được cây cầu mơ ước", dòng ký ức của người đàn ông giàu ý chí, nghị lực đưa chúng tôi trở về với quãng thời gian ông lăn lộn bắc cầu qua sông.

Người dân nơi đây đã quá quen thuộc với hình ảnh anh thương binh cụt một tay ngày nào cũng ra sông đo đo, tính tính. Sau nhiều lần đo đạc, lặn lội để khảo sát địa chất, thủy văn, ông Khanh chọn đoạn sông hẹp để xây dựng cầu. Vật liệu dùng để làm cầu gồm: Thùng phuy kết phao, gỗ đóng cọc hãm, làm lan can và ván sàn. "Gỗ thì không khó kiếm vì quê tôi rất sẵn gỗ. Tôi chọn kỹ các loại gỗ tốt, có khả năng chống chịu. Đầu tư nhiều nhất là thùng phuy nhựa. Để làm được cầu thì phải cần đến hơn 100 chiếc thùng phuy với chi phí gần 70 triệu đồng. Số tiền còn lại vừa đủ để trang trải các loại vật liệu khác và tiền thuê nhân công phụ thêm", ông Khanh kể. Khó nhất là công đoạn kết phao. Để tính toán được độ rộng giữa các khoang thùng, làm sao bảo đảm độ chắc, chịu được sức nước không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi phải tính toán thật kỹ, đồng thời người kết phải có sức để siết thật chặt và cả chút khéo tay nếu không lúc đặt xuống nước sẽ khó tạo được lực giữ thăng bằng, không chịu được sức nước.

CCB Nguyễn Văn Khanh đang gia cố lại cầu
CCB Nguyễn Văn Khanh đang gia cố lại cầu

Công đoạn khó nhất hoàn thành, ông Khanh tiến hành lắp cầu với sự giúp sức của người thân và anh em CCB. Sau hơn 40 ngày lăn lộn tại "công trường", cuối cùng "cây cầu mơ ước" của CCB Nguyễn Văn Khanh đã được "hợp long" trong niềm vui khôn tả xen lẫn sự cảm phục của bà con. Cũng có nhiều người thực sự ngỡ ngàng vì trước đó cứ đinh ninh kế hoạch làm cầu của anh thương binh cụt tay là "không tưởng". Chiếc cầu dài 160m, rộng 1,8m, chỗ cao nhất cho thuyền đi qua cao 3,5m. Người dân trong làng trìu mến đặt tên công trình là “cầu ông Khanh”.

Nhìn cảnh học sinh tíu tít đạp xe đến trường, bà con hồ hởi trên chiếc cầu còn thơm nức mùi gỗ mới, ông Khanh như quên hết những tháng ngày mệt nhọc dầm mình dưới làn nước lạnh ngắt để kết từng thùng phuy, nối từng nhịp cầu. Ông hạnh phúc vì biết từ nay người dân quê mình sẽ không phải sống cảnh lụỵ đò nữa, đời sống cũng nhờ đó mà đỡ vất vả hơn.

Phục vụ dân sinh được 10 năm thì trong trận lũ lịch sử năm 2010 chiếc cầu bị cuốn trôi. Tiếc công, tiếc của, lo cho dân không có cầu để đi, ông Khanh bị ốm mất một tuần. Nhưng ý chí của một người lính Cụ Hồ và những lo nghĩ cho dân không cho phép ông đầu hàng. Hết ốm, ông Khanh ra bờ sông nhặt nhạnh những thứ thiên tai "bỏ quên", tính toán để bắc lại chiếc cầu phao.

Vừa có kinh nghiệm của đợt làm trước, vừa được sự động viên, hỗ trợ tích cực của chính quyền, ông lại vay tiền, xẻ gỗ, mua thùng phuy. Lần này ông thiết kế chắc chắn hơn, cơ động hơn, tháo lắp dễ dàng khi lũ tới. Lại gần một tháng ông cùng đồng đội dầm mình dưới nước để thi công, mặc cho mùa đông rét mướt. Đến đầu năm 2011, cây cầu được "hồi sinh". Và với cách làm ấy, trong cơn bão số 10 và trận lũ do hoàn lưu bão số 11 vừa rồi, cầu ông Khanh vẫn nguyên vẹn, không hề "sứt mẻ". "Rứa là cây cầu tôi làm có thể phục vụ cho người dân được một thời gian nữa.

Chừng nào, cây cầu treo nối liền Đồng Giang và Đồng Phú chưa được khởi công thì chừng đó "cầu ông Khanh" sẽ còn có ích cho bà con", dõi theo từng lượt người qua cầu, người thương binh giàu nghị lực ấy không giấu được nụ cười ánh ngời trên khoé mắt.

Ông Đoàn Quyết Thắng, một người dân ở thôn Đồng Phú, chia sẻ: "Không có ông Khanh người dân địa phương đặc biệt là thôn Đồng Phú có lẽ sẽ còn khổ nhiều nữa. Hiện tại, mặc dù vẫn chưa hết khó khăn, thiệt thòi nhưng đời sống của bà con cũng đã đỡ hơn nhiều. Có cầu nối liền đôi bờ, người dân mạnh dạn giao lưu, phát triển kinh tế; học sinh bớt nghỉ học dài ngày mỗi mùa mưa lũ đến. Và thay vì trước đây rất ít người mua xe máy vì phải lên đò xuống đò bất tiện lại không an toàn, hiện tại, thôn Đồng Phú đã có hàng chục hộ sắm xe máy làm phương tiện đi lại... Chừng đó là đủ cảm ơn ông Khanh lắm lắm rồi".

Đào Vân