Hàn Quốc du ký - Bài 3: Đặc sắc văn hóa Gyeongju

Cập nhật lúc 15:10, Thứ Năm, 04/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau hai ngày ở Seoul, chúng tôi bắt đầu chương trình di chuyển dần xuống phía nam Hàn Quốc để khám phá một số vùng văn hóa và công nghiệp nổi bật của đất nước có nhiều di sản thế giới và phát triển kinh tế năng động này.

>> Bài 1: Kỳ tích sông Hàn

>> Bài 2: Seoul - Cung điện gyeongbokgung

Từ khách sạn, chúng tôi tới ga Seoul bằng xe buýt cao cấp, sau đó từ ga Seoul đi tàu cao tốc KTX đến ga Shingyeongju thuộc thành phố Gyeongju. Người ta nói rằng, có một Hàn Quốc khác, Hàn Quốc của triều đại Silla vàng son đã để lại những dấu ấn sâu đậm về văn hóa ở thành phố Gyeongju thơ mộng.

Gyeongju là một thành phố nhỏ thuộc tỉnh Gyeongsang, được biết đến là vùng đất Phật với hơn 1.000 năm lịch sử, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2000. Khu di tích Gyeongju là nơi lưu đậm dấu tích của nghệ thuật Phật giáo Triều Tiên, đặc biệt là từ thế kỷ thứ 7 đến thứ 10. Gyeongju cũng chính là nơi yên nghỉ của các vị vua, nằm ngay giữa lòng thành phố hiện tại. Cho đến nay, kiến trúc thành phố vẫn còn giữ nguyên vẻ cổ kính với những ngôi nhà mái vòm đặc trưng, không có nhà cao tầng, dân cư thưa thớt và bao trùm lên tất cả là không khí tĩnh lặng đến khó tả.

Hiện cố đô Gyeongju là nơi chứa đựng 3 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận: Quần thể Phật giáo Bulguksa và hang Phật Seukguram; Vườn quốc gia Gyeongju với vô số di tích còn sót lại từ thời Silla và Làng Yangdong – một bảo tàng sống về nơi cư dân sinh sống từ thời Joseon cổ xưa.

Bulguksa- Phật quốc tự:

Cách Gyeongju khoảng 16 km là chùa Bulguksa (còn gọi là Phật quốc tự của Hàn Quốc). Bulguksa nằm ở giáo khu 11 thuộc giáo phái Jogye, Phật giáo Đại hàn, được xem là một tự viện lớn, đẹp nhất và lâu đời nhất của Hàn Quốc. Bulguksa được xây dựng vào thời kỳ đầu triều đại Silla, triều đại hưng thịnh của Phật giáo Hàn Quốc. Hoàng hậu Silla đã phát nguyện xây chùa để cầu cho sự thịnh vượng, bình yên của vương quốc mình.

Bulkuksa được xây dựng hoàn toàn bằng đá, các sảnh và hành lang bằng gỗ, mái chùa được trang trí theo họa tiết truyền thống của Triều Tiên. Bulkuksa lưu giữ 7 bảo vật quốc gia: tháp đá Dabotap - Đa Bảo tháp, tháp đá Seokgatap - Thích Già tháp, đôi cầu Liên Hoa và cầu Thất Bảo, đôi cầu Thanh Vân và cầu Bạch Vân, tượng Phật thiền định, tượng phật A-di-đà và tháp xá lợi có hình dáng như một chiếc đèn lồng bằng đá.             

Chùa cổ Bulkuksa được UNESCO công nhận là di sản thế giới
Chùa cổ Bulkuksa được UNESCO công nhận là di sản thế giới

Tài liệu tại chùa cho biết Bulguksa nguyên thủy là một ngôi chùa nhỏ được xây vào năm 528 dưới thời vua Beopheung. Tuy nhiên, theo cuốn Tam quốc di sự, ngôi chùa được xây dựng vào năm 751 dưới thời vua Gyeongdeok, do tướng quân Kim Daeseong chủ trì để báo hiếu cha mẹ và được hoàn thành năm 774, dưới triều Hyegong. Sau khi Kim Daeseong qua đời, ngôi chùa được đặt tên là Bulguksa như hiện nay. Sau đó, chùa Bulguksa được sửa chữa lại dưới triều đại của Goryeo và những năm đầu của triều đại Joseon. Trong cuộc xâm lược của Nhật Bản, các tòa nhà bằng gỗ hầu hết đều bị thiêu hủy, trong đó có cả chùa Bulguksa. Năm 1604, chùa Bulguksa được tái thiết và mở rộng, sau đó thêm 40 lần tu chỉnh nữa cho đến năm 1805 thì hoàn tất.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên, một phần ngôi chùa được phục hồi vào năm 1966. Tiếp đó, người ta tiến hành một cuộc nghiên cứu khảo cổ lớn và việc trùng tu đã được thực hiện trong giai đoạn 1969 - 1973, đem đến cho chùa Bulguksa một cấu trúc như hiện tại. Dưới triều Silla, giai tầng xã hội chia thành 4 cấp bậc rõ rệt: cao nhất là Vua, hoàng tộc và sư sãi, sau đó là giới quý tộc, rồi đến giới bình dân và người nghèo. Chính vì sư sãi được coi ngang hàng với vua nên Bulguksa là những tòa ngang dãy dọc như một cung điện. Tất cả các cột và mái vòm cũng được trang trí hoa văn với hai màu xanh đỏ tượng trưng cho trời và đất.

Tháp đá Dabotap ở chùa Bulkuksa
Tháp đá Dabotap ở chùa Bulkuksa

Sử sách ghi lại,  vua Silla tin rằng vương quốc của ông là một thiên đường Phật giáo dưới trần gian. Quả thật, quần thể di tích này mang đến cho du khách một cảm nhận rất riêng biệt: Nó vẫn giữ được vẻ linh thiêng của một chốn thờ tự, nhưng lại mang đến một sự giải thoát tinh thần đến bất ngờ - theo một nghĩa nào đó. Điều này, có lẽ do vị trí của Bulguksa quá đắc địa và được bao bọc bởi một thảm thực vật phong phú, trong đó, nổi bật là những cây phong lá nhỏ, luôn thay đổi màu sắc theo mùa.

Người Hàn Quốc rất tự hào về ngôi chùa cổ Bulkuksa, với những người theo đạo Phật, chốn này càng có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Thế nên đến Gyeongju là phải đặt chân tới Di sản văn hóa thế giới Bulkuksa đầu tiên.

Làng cổ Yangdong:

Sau khi tham quan Phật quốc tự Bulkuksa, đoàn nhà báo Việt Nam được phía bạn dẫn đi tham quan làng cổ Yangdong, cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2011.

Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 14 - 15, làng Yangdong được xem là hai ngôi làng gia tộc lịch sử mang tính đại diện nhất cho Hàn Quốc. Cách bố trí và vị trí của những ngôi làng này – bao bọc bởi những ngọn núi ngợp cây rừng, đối diện với một con sông và những cánh đồng mở rộng – đã thể hiện được nét văn hóa độc đáo của giới quý tộc Nho giáo vào giai đoạn đầu của triều đại Joseon (1392-1910).

Làng Yangdong nằm ở phía đông bắc của thành phố Gyeongju. Tuy Gyeongju là kinh đô của vương quốc cổ Silla hàng nghìn năm về trước, song làng Yangdong lại thể hiện vẻ đặc trưng của triều đại Joseon cách đây 550 năm. Và có thể nói, đây chính là nơi chúng ta sẽ thấy được lịch sử, văn hóa của Joseon trong Silla. Giống như làng Hahoe, Yangdong cũng là làng của một dòng họ dựa trên nền tảng văn hóa Nho giáo. Song 2 làng này có những điểm khác biệt: Cả hai đều là làng do một họ dựng nên. Làng Hahoe được dựng nên bởi họ Ryu, những người rời bỏ vùng đất gốc để đến vùng đất tốt hơn sinh sống. Họ đến nơi này khai khẩn, lập nên quê hương, và làng Hahoe ra đời từ đó. Còn làng Yangdong lại thể hiện một tập quán hôn nhân xưa của người Hàn, đó là khi người ta lấy vợ thì về làng của nhà vợ để sống. Làng Yangdong được hình thành bởi một người đàn ông lấy vợ và về nhà vợ để sống ở đó luôn. Do vậy, làng được lập nên trước khi tập quán sinh hoạt của Nho giáo du nhập vào xã hội Hàn Quốc.

Tác giả (bìa trái) và một đồng nghiệp báo chí Hàn Quốc trước làng cổ Yangdong
Tác giả (bìa trái) và một đồng nghiệp báo chí Hàn Quốc trước làng cổ Yangdong

Người định cư ở làng Yangdong đầu tiên là họ Sohn gốc Wolseong. Sau đó, họ Lee gốc vùng Yeogang mới cưới con gái họ Sohn và xây dựng nên gia đình ở đây, hình thành nên một ngôi làng của họ Sohn và họ Lee. Cũng chính vì vậy mà người ta còn gọi làng Yangdong là làng "Oeson", nghĩa là con cháu nhà ngoại. Ở thời điểm làng Yangdong phát triển nhất, có tất cả 360 hộ với hơn 2500 người, nhưng hiện nay làng chỉ còn 144 hộ với hơn 400 người sinh sống. Trong số đó, có 80 hộ gia đình là họ Lee gốc Yeogang và 18 hộ là họ Sohn gốc ở Wolseong. Hai dòng họ Lee và Sohn xây nhà theo các hướng khác nhau để không cùng hướng chung vào một chỗ. Mối quan hệ ganh đua, khích lệ và đề cao lẫn nhau này chính là yếu tố giúp Hàn Quốc có được một ngôi làng mà hôm nay là di sản của thế giới. Về mặt vị trí, nếu như làng Hahoe là làng ven sông, chạy theo con sông Nakdong thì làng Yangdong lại nằm dưới chân dải núi Seolchang.

Đến làng Yangdong ở Gyeongju, điều đầu tiên lọt vào mắt du khách là những ngôi nhà được xây trên sống núi. Nhà của quý tộc được xây trên cao, còn ở những khu thấp xung quanh là nhà của bình dân, thể hiện rõ tôn ti trật tự trên dưới của thời Joseon, khi xã hội đã có sự phân tầng giai cấp. Từ đỉnh Munjangbong của núi Seolchang có tới 4 sống núi và hẻm núi trải dài, vươn ra, trong đó ẩn chứa những ngôi nhà khuất hiện giữa cây xanh cực kỳ mãn nhãn.

Một điều có thể thấy rất rõ là các di sản văn hóa chúng tôi đã đi thăm ở Gyeongju đều được giữ gìn rất tốt. Rất nhiều du khách đến đây nhưng không hề xảy ra tình trạng viết vẽ bậy lên tường, cột hoặc các di vật khác. Tuyệt nhiên cũng không có tình trạng xả rác bừa bãi và chèo kéo du khách mua hương, quà lưu niệm hoặc xin tiền khách nước ngoài như một số điểm du lịch ở ta. Đó chính là nét văn hóa du lịch mà ta cần học hỏi để vừa bảo quản được di sản vừa tạo nên phong cách văn hóa trong du lịch để níu bước du khách.

                                                                          Hữu Thái

                     Bài 4: Ulsan, thành phố công nghiệp và "Đại gia" HyunDai

,
.
.
.