Hàn Quốc du ký - Bài 1: Kỳ tích sông Hàn

Cập nhật lúc 13:56, Thứ Ba, 02/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Việt-Hàn, Hiệp hội nhà báo Hàn Quốc đã tổ chức hội thảo báo chí cấp cao giữa hai nước tại thủ đô Seoul. Đoàn đại biểu báo chí cấp cao của Việt Nam gồm 13 đồng chí lãnh đạo Hội Nhà báo, Tổng biên tập, Phó tổng biên tập một số báo Trung ương và địa phương do đồng chí Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân làm trưởng đoàn đã tham dự hội thảo. Trong thời gian hội thảo và sau hội thảo, đoàn đại biểu báo chí Việt Nam đã được các đồng nghiệp nước bạn giới thiệu và mời  đi tham quan một số thành phố, điểm du lịch cũng như khu công nghiệp nặng của Hàn quốc.

Hàn Quốc (còn gọi là Đại Hàn, Korea hoặc Nam Triều Tiên) nằm ở Đông Bắc Châu Á, phía Nam bán đảo Triều Tiên, phía Đông, Tây và Nam giáp biển, phía Bắc giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Hàn Quốc có diện tích trên 98.000 km2, với số dân gần 50 triệu người. Bán đảo này có địa hình phong phú với khoảng 70% là đồi núi, còn lại là vùng đồng bằng duyên hải ven biển và bãi bồi.

Trên bán đảo Triều Tiên, khoáng sản thiên nhiên chủ yếu tập trung ở Bắc Triều, còn Nam Triều chủ yếu là nông nghiệp. Thế nhưng, từ một nước nông nghiệp, Hàn Quốc đã nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp.

Hiện nay, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp hàng đầu ở châu Á, nền kinh tế đứng thứ 3 châu Á và đứng thứ 10 thế giới. Tốc độ phát triển công nghiệp, công nghệ của Hàn Quốc đã làm cho cả thế giới kinh ngạc, được mệnh danh là một trong bốn con rồng Châu Á. “Kỳ tích sông Hàn” là đánh giá của thế giới về sự bứt phá nhanh chóng của Hàn Quốc trong mấy thập kỷ gần đây.

Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP bình quân đầu người của đất nước này đã nhảy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỉ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007. Bất chấp các ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, nước này đã khôi phục kinh tế rất nhanh chóng và từng bước phát triển vững chắc. Người ta thường nhắc đến sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Hàn Quốc như là "Kỳ tích sông Hàn" hay "Huyền thoại sông Hàn", đến nay huyền thoại này vẫn làm thế giới ngưỡng mộ. Hàn Quốc cũng là một trong những nước có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 5% mỗi năm.

Một khu phố Seoul nhìn từ trên cao.
Một khu phố Seoul nhìn từ trên cao.

Đẩy mạnh và duy trì sự tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là những ngành công nghiệp then chốt đã được thế giới công nhận. Hàn Quốc là quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới; với chất bán dẫn: đứng thứ 3 thế giới; hàng điện tử: đứng thứ 4 thế giới; may mặc, sắt thép và các sản phẩm hóa dầu: đứng thứ 5 thế giới (xét về tổng giá trị) và ô tô đứng thứ 6 thế giới.

Trong những năm 1970 đến 1980, Kinh tế Hàn Quốc tập trung vào ngành công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Với sự hỗ trợ của chính phủ, POSCO, một công ty sản xuất thép, được thành lập trong vòng gần 3 năm, là xương sống đầu tiên cho nền kinh tế Hàn Quốc. Ngày nay, POSCO là nhà sản xuất thép đứng thứ 3 trên thế giới. Hàn Quốc là nước đóng tàu lớn nhất trên thế giới với các công ty hoạt động đa quốc gia, mà đứng đầu là Hyundai, luôn thống trị thị trường đóng tàu toàn cầu (chúng tôi sẽ nói chi tiết hơn ở các bài sau).

Với ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu, ngành sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc là một ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là khi nói tới bộ nhớ động và chíp hệ thống (SOC). Trong năm 2004, thanh DRAM (bộ nhớ truy xuất động) của Hàn Quốc đứng thứ nhất trên thế giới với thị phần 47.1%.

Ngành sản xuất ô tô của Hàn Quốc cũng phát triển một cách nhanh chóng. Là một nhà sản xuất ô tô lớn, Hàn Quốc sản xuất trên ba triệu xe mỗi năm. Kể từ khi Hàn Quốc lần đầu tiên xuất khẩu xe năm 1976, ngành công nghiệp ô tô của nước này đã phát triển với tốc độ kinh ngạc. Trên đà uy tín của ô tô Hàn Quốc ngày càng tăng cao trên thế giới, các công ty ô tô Hàn Quốc hàng đầu đã bắt đầu mở rộng cơ sở sản xuất ra nước ngoài và đang cố gắng để trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới, điển hình là Hyundai Kia Automotive Group.    

Định hướng chính sách công nghiệp của Hàn Quốc đã thay đổi rất lớn trong từng thập kỷ, trợ giúp cho việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng hướng tới một tương lai tươi sáng và thịnh vượng. Công nghiệp nặng về hóa chất là trung tâm của chính sách công nghiệp quốc gia trong những năm 1970 và có sự tái cơ cấu công nghiệp trong những năm 1980. Mở cửa và tự do hóa thị trường là điểm nhấn trong những năm 1990. Năm 1996, Hàn Quốc trở thành thành viên của OECD, một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước.

Khu công nghiệp nặng Hyundai ở Ulsan.
Khu công nghiệp nặng Hyundai ở Ulsan.

Giống như các quốc gia phát triển khác, ngành dịch vụ của hàn quốc tăng nhanh, chiếm khoảng 70% GDP. Kể từ năm 2000, công cuộc đổi mới là trọng tâm của chính sách quốc gia. Để tạo ra nhiều đổi mới hơn trong các ngành công nghiệp, Hàn Quốc xúc tiến các chính sách thân thiện với doanh nghiệp cũng như các chính sách củng cố hợp tác giữa các công ty lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, dù đang là nước phát triển mạnh về lĩnh vực này nhưng Hàn Quốc vẫn nghiên cứu kỹ xu thế toàn cầu để có chiến lược thích ứng ở tầm xa hơn. Ví dụ, xác định vào năm 2020, mạng thông tin di động thế giới sẽ nhanh gấp 40 lần so với hiện tại, và người dân có thể thưởng thức các video clip ba chiều rõ nét trên mạng internet bằng điện thoại thông minh.

Để bắt kịp xu hướng này, Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã công bố "Chiến lược Hàn Quốc Gigabyte”, nhằm xây dựng một môi trường công nghệ thông tin (IT) hiện đại trong tương lai. Hàn Quốc phấn đấu nằm trong danh sách 3 cường quốc hàng đầu xuất khẩu IT của thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Quốc gia này sẽ có kế hoạch tận dụng sức ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc trong thời gian gần đây, để thực hiện mục tiêu trở thành nước xuất khẩu nội dung lớn thứ 5 thế giới vào năm 2020.

Hiện nay, trong nước Hàn Quốc có khoảng 13 công ty phần mềm mang tầm cỡ quốc tế, với doanh thu hơn 100 tỷ won (khoảng hơn 90 triệu USD). Và với việc đầu tư vào chiến lược công nghệ thông tin năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc sẽ có kế hoạch tăng số doanh nghiệp lên gấp 3 lần hiện nay...

Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống của nhân dân Hàn Quốc được nâng cao rất nhanh, trở nên ngang bằng, thậm chí cao hơn các quốc gia phát triển khác ở châu Âu và các nước Bắc Mỹ. Chỉ số phát triển con người (HDI) của hàn Quốc đạt 0,912 vào năm 2006.

Một phân tích gần đây nhất bởi Tập đoàn tài chính Goldman Sachs đã chỉ ra: Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD và tiếp 25 năm sau nữa sẽ vượt qua tất cả các nước, ngoại trừ Hoa Kỳ, để trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới, với GDP bình quân đầu người là 81.000 USD.

Từ một nước nghèo nàn, điêu đứng sau chiến tranh, chỉ cần 30 năm phấn đấu không mệt mỏi, Hàn Quốc đã làm nên "Kỳ tích sông Hàn" và trở thành nước công nghiệp phát triển đứng thứ 10 trên thế giới.

                                                                            Hữu Thái


                                                 Kỳ sau:  Seoul - Cung điện Gyeongbokgung
















 

,
.
.
.