.

Tội phạm công nghệ cao: Ngày càng tinh vi và phức tạp

.
08:18, Thứ Hai, 23/07/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, ngày nay mạng internet và các phương tiện công nghệ thông tin đã và đang trở thành công cụ cho các loại tội phạm công nghệ cao thực hiện các hành vi phạm tội. Trong khi công tác đấu tranh với các loại tội phạm này đang gặp không ít khó khăn, thì sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác đã khiến cho một số người dân trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp này.

Thời gian gần đây, trên toàn quốc, lực lượng Công an đã phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây đánh bạc, cá độ bóng đá quan mạng internet gây rúng động trong dư luận nhân dân. Ở tỉnh ta, tuy không đình đám như một số địa phương, nhưng loại tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã xuất hiện.

Chỉ cần qua mạng xã hội facebook và một vài thao tác đơn giản, đối tượng Dương Viết Cường (SN 1995, trú tại thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) đã thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nhiều người với tổng số tiền lên đến 180 triệu đồng. Tháng 6 vừa qua, Cường bị TAND tỉnh tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Khoảng tháng 9-2017, Dương Viết Cường lập một tài khoản facebook có tên “thu hồi nợ xấu” (đến tháng 10-2017 đổi tên thành “Ngô Gia Hiếu”) chuyên hành nghề thu hồi nợ ở Hà Nội. Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, trên trang facebook này Cường lấy hình ảnh đại diện của facebook của một người ở Hà Nội làm hình đại diện, đồng thời phát tán những hình ảnh về việc thu hồi nợ.

Cuối tháng 11-2017, do quen biết với một người bạn thân, chị T. T. T. L. đã kết bạn thông qua facebook với Cường và nhờ Cường tìm mua một chiếc xe ô tô cũ để sử dụng. Một thời gian sau, Cường nhắn tin cho chị L. thông báo đã tìm được 1 chiếc xe ford (loại 5 chỗ) của một người thua cá độ bóng đá với giá 400 triệu đồng.

Đối tượng Bùi Văn Thái (SN 1986, trú phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) cầm đầu đường dây cá độ bóng đá và đánh bạc qua mạng internet lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đối tượng Bùi Văn Thái (SN 1986, trú phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới) cầm đầu đường dây cá độ bóng đá và đánh bạc qua mạng internet lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Để lấy lòng tin, Cường đã lấy hình ảnh một chiếc xe ford trên mạng internet gửi cho chị L. xem và yêu cầu chị L. đặt cọc 150 triệu đồng. Không một chút nghi ngờ, ít ngày sau, chị L. đã chuyển số tiền cọc nói trên cho Cường (qua tài khoản của một người bạn của Cường), dù trước đó hai người chưa hề gặp mặt và thậm chí chưa hề trò chuyện với nhau qua điện thoại. Nhận được số tiền nói trên, Cường đã sử dụng để mua sắm và tiêu xài cá nhân.

Ngoài ra, qua trang facebook này, với thông tin giả mạo là có khả năng đòi nợ thuê, từ tháng 9 đến tháng 12-2017, Cường đã lừa đảo và chiếm đoạt 30 triệu đồng của 4 người khác trên địa bàn huyện Bố Trạch và ngoại tỉnh.  

Cuối tháng 6-2016, dư luận trên địa bàn tỉnh “chấn động” vì cơ quan chức năng đã bắt khẩn cấp 12 đối tượng liên quan đến đường dây cá độ bóng đá và đánh bạc qua mạng internet lên đến hàng trăm tỷ đồng, do Bùi Văn Thái (SN 1986, trú phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới) cầm đầu. Qua đấu tranh, điều tra, cơ quan chức năng đã khởi tố 15 đối tượng về tội: “Đánh bạc” và ‘Tổ chức đánh bạc”.

Theo đó, đầu tháng 5-2016, Bùi Văn Thái vào thành phố Hồ Chí Minh gặp một người tên Bé (không rõ họ, địa chỉ) và lấy được tài khoản trên trang mạng cá độ bóng đá: https://mb.b88ag.com. Sau đó, Thái đã chia tài khoản có được này thành nhiều tài khoản khác nhau dưới dạng các đại lý cấp 1, 2, cấp cho nhiều đối tượng để đánh bạc và tổ chức đánh bạc, nhằm thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng.

Đây là vụ án lớn nhất từ trước đến nay, và cũng là vụ án mà các đối tượng tội phạm đã sử dụng mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội xảy ra trên địa bàn tỉnh. Điều đáng nói, dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ tháng 5 đến tháng 6-2016), nhưng các đối tượng này đã tổ chức được một mạng lưới đánh bạc có quy mô rất lớn, vươn ra đến địa bàn 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý và giải quyết 4 tin báo liên quan đến loại tội phạm này. Trong đó đã đấu tranh, làm rõ và khởi tố điều tra 2 vụ/2 bị can về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số như một công cụ để thực hiện các hành vi phạm tội.

Đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, các đối tượng thường thiết lập và sử dụng các thông tin giả mạo, để lập một tài khoản hoặc nhiều tài khoản nhằm đánh lừa người và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo này ngày càng tinh vi và phức tạp.

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của loại tội phạm này một phần là do công tác quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán điện tử vẫn còn nhiều “kẽ hở” và hạn chế, nên đã tạo điều kiện, và cơ hội tội phạm công nghệ cao có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.

Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân quan trọng khác nữa, là do sự cả tin, hám lợi và thiếu cảnh giác của nhiều người nên họ dễ dàng rơi vào cái “bẫy” và trở thành nạn nhân. Không ít trường hợp phải một thời gian dài sau khi vụ việc xảy ra, họ mới biết mình bị lừa đảo và tố giác với cơ quan chức năng. Qua vụ việc đánh bạc và tổ chức đánh bạc qua mạng nói trên, cũng không loại trừ các đối tượng tham gia vào đường dây này nhằm mục đích kiếm lợi bất chính.

Theo ông Hùng, bên cạnh việc siết chặt quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, thì sự chủ động tố giác tội phạm khi phát hiện các hành vi này cũng là một cách để các cơ quan chức năng vào cuộc, nhằm đấu tranh và ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó, cần có các giải pháp nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác và phòng ngừa chung trong nhân dân...

Dương Công Hợp
 

,