.

Vụ án Oceanbank: Viện Kiểm sát đề nghị giảm tội thêm cho 1 bị cáo

.
10:50, Thứ Sáu, 04/05/2018 (GMT+7)

Trước khi bước vào phần nghị án và tuyên án trong phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm xảy ra tại Oceanbank, phần tranh luận và đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát và các bị cáo, Luật sư bào chữa đã kéo dài đến tối 3-5.

Viện Kiểm sát đề nghị giảm tội thêm cho một bị cáo

Trước đó, đưa quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật để tuyên phạt các bị cáo với 4 tội danh “Tham ô tài sản,” “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ án tại Ngân hàng Ocean Bank là có căn cứ pháp luật, không oan sai. Sau đó, các bị cáo, Luật sư bào chữa tiếp tục đối đáp lại các quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát.

Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank nói lời sau cùng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank nói lời sau cùng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong phần tranh luận tiếp theo, Viện Kiểm sát cho rằng đã đối đáp lại tất cả những vấn đề mà các bị cáo và Luật sư đã trình bày, đề nghị Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát xem xét.

Viện Kiểm sát tái khẳng định quan điểm rằng, trong số tiền quy kết bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank, chiếm đoạt 246 tỷ đồng có 20% của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nên bị cáo Sơn phải bồi thường. Quan điểm của Viện Kiểm sát là vẫn giữ nguyên quy kết của bản án sơ thẩm đối với bị cáo Sơn.

Về vai trò đồng phạm của các bị cáo khác liên quan bốn tội danh mà vụ án đưa ra xét xử, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng: đúng là khi đưa tiền cho bị cáo Sơn, các bị cáo khác không biết bị cáo Sơn sẽ chiếm đoạt.

Tuy nhiên những bị cáo thực hiện hành vi vi phạm về chi lãi suất ngoài và có hành vi đưa tiền cho bị cáo Sơn là vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, có mối quan hệ nhân quả với hậu quả là hành vi chiếm đoạt của bị cáo Sơn.

Không có việc làm sai của các bị cáo khác sẽ không có việc chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho OceanBank nên Viện Kiểm sát kết luận, các bị cáo khác với vai trò là đồng phạm giúp sức.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát ghi nhận những trình bày của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cùng các Luật sư bào chữa và rất chú ý đến nội dung bản án sơ thẩm kết tội "Tham ô tài sản" với hình phạt tử hình đối với bị cáo Sơn.

Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận đề xuất bán tài sản chung của vợ chồng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn để tiếp tục khắc phục hậu quả của hành vi tham ô cho bị cáo Sơn với số tiền 49 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát đã nhận được thông tin đề xuất của bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của bị cáo Sơn) đang vay thêm 32 tỷ đồng để khắc phục thiệt hại bị cáo Sơn trong vụ án.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tọa cho biết thêm Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận được xuất trình tài liệu của Luật sư về ủy nhiệm chi của bà Võ Thị Thanh Xuân vào ngày 2/5/2018 đã chuyển tài khoản với số tiền 5 tỷ đồng gửi đến Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội để bồi hoàn cho Nguyễn Xuân Sơn liên quan đến thiệt hại của PVN.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank nói lời sau cùng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank nói lời sau cùng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tuy nhiên, theo đại diện Viện Kiểm sát, đối với tội "Tham ô tài sản," theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015: người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản," "Nhận hối lộ" mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, không thi hành án tử hình với họ.

Cho nên, ngoài việc khắc phục hậu quả ít nhất ba phần tư tài sản tham ô (nếu được thực hiện), bị cáo Sơn cần có điều kiện nữa là hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, cho đến thời điểm này, các lời khai của bị cáo Sơn chưa làm rõ được nội dung liên quan đến việc trong khoản tiền 246 tỷ đồng, bị cáo Sơn đã chi cho ai, chi như thế nào. Do đó, Viện Kiểm sát nhận định, đến thời điểm này chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật để Viện Kiểm sát đề nghị giảm tội cho bị cáo Sơn.

Cũng theo đại diện Viện Kiểm sát, trong các tội liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản, việc khắc phục hậu quả là tình tiết quan trọng để giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị giảm nhẹ tội cho sáu bị cáo trong phiên phúc thẩm do có tình tiết mới để giảm nhẹ tội chưa được đưa ra xem xét ở phiên sơ thẩm, gồm: Vũ Thị Thùy Dương, nguyên Giám đốc Khối kế toán và giao dịch trong nước OceanBank; Đỗ Đại Khôi Trang, nguyên Giám đốc Khối khách hàng cá nhân OceanBank; Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn; Nguyễn Thị Loan, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Trung Yên; Trần Anh Thiết, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Hà Nội và Nguyễn Phan Trung Kiên, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô.

Trong phần tranh luận tối 3-5, Viện Kiểm sát đề nghị thêm bị cáo Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc chi nhánh Cà Mau, liên quan đến chi lãi ngoài với số tiền 14,7 tỷ đồng nhưng đã rất tích cực khắc phục hậu quả (hiện đã tự khắc phục với số tiền 13 tỷ đồng) nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quân. Trước đó, bản án sơ thẩm đã tuyên bị cáo Nguyễn Hồng Quân 18 tháng án treo.

Liên quan tới nội dung trong đơn kháng cáo của một số bị cáo đã nhắc tới vai trò chỉ đạo của ông Trần Thanh Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank liên quan đến việc chi trả lãi ngoài cho các khách hàng, Viện Kiểm sát cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) đang thực hiện kiến nghị của Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát đang thực hiện việc kiểm sát hoạt động điều tra.

Viện Kiểm sát thấy chưa có đủ căn cứ để khởi tố với ông Quang. Tuy nhiên, sau phiên tòa phúc thẩm này, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ có báo cáo về vấn đề này.

Đối đáp lại quan điểm của các bị cáo và Viện Kiểm sát, ông Trần Thanh Quang cho rằng nội dung thư điện tử (email) mà ông gửi cho bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân) là liên quan đến nội dung về phần mềm quản lý dữ liệu của ngân hàng chứ không phải chỉ đạo liên quan đến chi lãi suất ngoài.

Các bị cáo nói lời sau cùng

Nói lời sau cùng, bị cáo Hà Văn Thắm cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát đã ghi nhận sáu tình tiết giảm nhẹ và nhìn nhận bị cáo vô tình trong việc hỗ trợ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tham ô, chiếm đoạt tài sản; đồng thời mong Hội đồng xét xử xem xét hậu quả, mối quan hệ nhân quả trong cấu thành hành vi vô tình giúp sức và hoàn cảnh bắt buộc khi bị cáo thực hiện sai phạm để giảm nhẹ tội danh cho bị cáo.

"Bị cáo đã bị tạm giam 1.289 ngày, ở 10 phòng giam khác nhau của Trại giam T16 và T17 Bộ Công an với nhiều bị cáo phạm các tội danh khác nhau.

Anh em ở phòng tạm giam luôn hỏi kinh nghiệm, ý kiến tư vấn về cách ứng xử với các cơ quan công tố. Bị cáo luôn nói phải khai báo thành khẩn sẽ được giảm tội.

Bạn bè, anh em cùng tạm giam đã nghe và giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ các vụ án khác nhau.

Bị cáo mong Hội đồng xét xử cũng coi đây là tình tiết giảm nhẹ, giúp bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, cho bị cáo được quay về với gia đình và xã hội.

Bị cáo không phải là thành phần nguy hiểm để tách khỏi xã hội suốt đời," bị cáo Hà Văn Thắm giãi bày.

Gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng xét xử đã có nhìn nhận đánh giá thấm đẫm tính nhân văn, có tình thương đặc biệt với một bị cáo đang đối mặt với án tử mà bản án sơ thẩm đã tuyên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bản án sơ thẩm đã nhìn nhận không đúng với bản chất, nhân cách đạo đức của mình là: thật thà, chất phác, luôn vì công việc chung, không tư lợi.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khẳng định mình chỉ là người làm thuê; mong muốn Hội đồng xét xử tạo mọi điều kiện để bị cáo được hưởng sự công bằng như các bị cáo khác; xem xét thấu đáo bản chất của vấn đề, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để được quay trở lại làm con người cống hiến hết sức mình cho gia đình, bạn bè, đất nước và đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và có thể bồi hoàn những thiệt hại mình đã gây ra.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc OceanBank nói lời sau cùng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc OceanBank nói lời sau cùng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bị cáo Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank, kiến nghị Hội đồng xét xem xét tình cảnh, tính chất, hành vi, vai trò của mình vì bị cáo chỉ là người làm thuê, thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Bị cáo luôn hoàn thành nhiệm vụ, không tư lợi cá nhân, luôn thành khẩn, ăn năn trong quá trình tố tụng, để có sự khoan hồng đối với bị cáo.

Bị cáo tin tưởng Hội đồng xét xử sẽ có phán quyết công tâm, công bằng, đúng người đúng tội, đầy tính nhân văn. Sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo mong được thi hành án ngay để có thể sớm trở về với gia đình.

Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Minh Thu cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ án phạt đối với các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm để các bị cáo sớm trở lại với gia đình và xã hội.

Thể hiện sự băn khoăn đối với những cáo buộc Viện Kiểm sát đưa ra, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank, mong Hội đồng xét xử xem xét kỹ lưỡng các văn bản chứng cứ, bởi bản thân cũng chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Bản án 22 năm tù là quá nặng nề đối với bị cáo, mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Ngày hôm nay (4-5), Hội đồng xét xử sẽ tiến hành nghị án và tuyên án phúc thẩm.

Theo P.V (TTXVN/Vietnam+)

,