.
Từ việc đập phá chùa Quan Âm (Đức Trạch, Bố Trạch):

Bài học về trùng tu di sản

.
10:26, Thứ Bảy, 05/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Với lịch sử hình thành hơn 175 năm, trải qua bao biến loại của lịch sử, chùa Quan Âm là di tích kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo độc đáo của huyện Bố Trạch. Thế nhưng, UBND xã Đức Trạch đã ngang nhiên cho phá bỏ hoàn toàn để làm mới di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.

Trùng tu di tích thành công trình chưa đầy… 1 tuổi

Chùa Quan Âm, còn gọi là Quan Âm Tự nằm ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch. Được xây dựng năm 1843, chùa Quan Âm là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân trong xã và các vùng lân cận. Năm 1972, Mỹ bắn phá ác liệt phá hủy gần như toàn bộ ngôi chùa.

Năm 1991, chùa được xây dựng lại và tiếp tục được trùng tu năm 2003. Năm 2000, chùa Quan Âm được đăng ký là di tích kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo theo Quyết định số 2089/QĐ-UB ngày 24-9-2000 của UBND tỉnh và phân cấp cho UBND huyện Bố Trạch quản lý theo Quyết định số 2683/QĐ-UB, ngày 17-10-2018 của UBND tỉnh.

Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là sau cơn bão số 10 năm 2013, các hạng mục như tam quan và chính điện đã bị hư hại nghiêm trọng. Ngày 18-9-2017, UBND xã Đức Trạch có Tờ trình số 83/UBND về việc xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trùng tu Quan Âm Tự trình UBND tỉnh và Sở VH-TT, dự kiến tổng mức đầu tư 1,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Theo nội dung tờ trình, các hạng mục cần trùng tu gồm gia cố kết cấu chịu lực, trùng tu phần mái, tường của chính điện, cổng tam quan và các hạng mục phụ trợ khác như lát nền, tháo dỡ các công trình phụ.

Chùa Quan Âm trước khi bị phá bỏ.
Chùa Quan Âm trước khi bị phá bỏ.

Trong khi chưa được Sở VH-TT, Sở Xây dựng thẩm định, đồng ý về kiến trúc và kết cấu theo quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18-9-2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28-12-2012 của Bộ VH-TT-DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, ngày 4-4-2018 (tức ngày 19-2 âm lịch), UBND xã Đức Trạch hợp đồng với Công ty tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng (TK3, thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch) cho tháo dỡ hoàn toàn phần chính điện chùa Quan Âm, đập phá và múc sạch cả phần móng để xây dựng móng của chùa mới. Điều này đã gây phản ứng bức xúc trong các bậc cao niên và các tăng ni, phật tử trên địa bàn xã.

Ngày 10-4-2018, trong chuyến kiểm tra hiện trạng di tích trên địa bàn huyện Bố Trạch, Ban Quản lý di tích thuộc Sở VH-TT phát hiện UBND xã Đức Trạch cho đập phá chùa để xây dựng lại một ngôi chùa khác với thiết kế to hơn ngôi chùa đã được xếp hạng. Ngày 13-4-2018, đại diện lãnh đạo và các phòng nghiệp vụ Sở VH-TT, Ban Quản lý di tích phối hợp với UBND huyện Bố Trạch đến kiểm tra thì công trình đã hoàn thành việc xây dựng xong phần móng ngôi chùa mới, chỉ còn lại cổng tam quan. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu UBND xã Đức Trạch dừng ngay việc thi công chùa.

Vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa

Sau khi báo chí phản ánh việc làm tắc trách, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về trùng tu, tôn tạo di tích của UBND xã Đức Trạch, ngày 16-4-2018, Văn phòng UBND tỉnh có Công văn số 1166/VPUBND-VX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Bố Trạch chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20-4-2018, nếu có sai phạm yêu cầu UBND huyện Bố Trạch xử lý nghiêm theo pháp luật.

Rõ ràng, việc UBND xã Đức Trạch tự ý cho phá dỡ hoàn toàn phần chính điện di tích chùa Quan Âm khi chưa có quyết định cấp phép, thẩm định của các cơ quan chức năng là hành vi hủy hoại, làm mất yếu tố gốc của di tích, vi phạm nghiêm trọng quy định điểm a, khoản 1, điều 4 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa “Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”, Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL. Trước đó, ngày 27-12-2014, UBND xã Đức Trạch đã để cho Ban hộ tự chùa Quan Âm xây dựng trái phép một ngôi nhà kiên cố ngay sát tường chính điện khi chưa có sự cho phép của Sở VH-TT-DL (nay là Sở VH-TT).

Trải qua hoàn cảnh chiến tranh và thiên tai tàn phá, những di sản của ông cha để lại bị xuống cấp, hư hại cần được trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích là lẽ đương nhiên. Song trùng tu đến mức xóa sạch yếu tố gốc của di tích là điều rất đáng buồn và đáng báo động nhận thức về pháp luật trùng tu, tôn tạo di tích của chính quyền cơ sở. Câu chuyện buồn về trùng tu di tích xảy ra cách đây 10 năm đối với Đình làng Lộc Điền, xã Quảng Thanh, Quảng Trạch nay lại tái diễn đối với chùa Quan Âm. Và đây là lần thứ hai UBND xã Đức Trạch vi phạm các quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di sản.

Bởi vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở VH-TT tiến hành thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với UBND xã Đức Trạch theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Nếu không xử lý nghiêm sai phạm của UBND xã Đức Trạch nhằm răn đe, cảnh báo chung cho chính quyền các cấp thì nay mai những di tích còn lại trên địa bàn tỉnh cũng không loại trừ sẽ chịu chung số phận như Đình làng Lộc Điền và chùa Quan Âm.

Linh Giang


                                                                                      
 


 

,