.

Thực hiện quy định về đương nhiên xóa án tích: Còn không ít khó khăn, vướng mắc

.
12:36, Thứ Bảy, 26/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đương nhiên xóa án tích là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự, thể hiện tính nhân đạo và nguyên tắc công bằng dân chủ, tôn trọng, bảo vệ quyền con người và tạo điều kiện cho những người được xóa án tích tái hòa nhập với cộng đồng...

Án tích tác động và hạn chế việc thực hiện các quyền của người bị kết án như: quyền được hành nghề, công việc nhất định, quyền ứng cử... và ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án.

Đồng thời, án tích ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bị kết án vì trong một số trường hợp nếu người phạm tội đã bị kết án, thuộc trường hợp có án tích nhưng chưa được xóa là một trong những cơ sở để định tội, để xem xét tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt trong một số tội phạm hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Hiểu được tầm quan trọng của quy định này, nên Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi cơ bản các quy định về đương nhiên xóa án tích cho người bị kết án theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, ổn định để làm ăn, sinh sống.

Trước đây, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho người bị kết án. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) thì Tòa án chỉ cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho các trường hợp người bị kết án về các tội được quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS năm 2015 về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh và xâm phạm an ninh quốc gia, còn lại các tội khác giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia và Sở Tư pháp) cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và xác nhận đương nhiên được xóa án tích khi có yêu cầu.

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các phạm nhân tại Trại giam Đồng Sơn.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các phạm nhân tại Trại giam Đồng Sơn.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 4 Điều 70 BLHS năm 2015 “Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 Điều 70”.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 369 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích”.

Vậy người bị kết án được đương nhiên xóa án tích khi người đó không phạm các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của BLHS năm 2015; chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, đồng thời người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015.

Đối với trường hợp người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì đương nhiên xóa án tích nếu trong thời hạn 3 năm tính từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới theo quy định tại khoản 2 Điều 107 BLHS năm 2015.

Như vậy, để thực hiện xác nhận các trường hợp đương nhiên xóa án tích theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của BLHS năm 2015, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và căn cứ vào thông tin về án tích của công dân đã được cập nhật trên cơ sở dữ liệu LLTP để thực hiện cấp Phiếu LLTP  và xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3, Điều 70 (BLHS năm 2015).

Liên quan đến vấn đề này, Điều 33, Luật LLTP năm 2009 quy định: Trung tâm LLTP Quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin LLTP trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích, cụ thể: “Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích của Tòa án thì ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó, khi xác định người bị kết án có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích theo quy định của BLHS thì ghi “đã được xóa án tích” vào LLTP của người đó.

Đồng thời, để hướng dẫn chi tiết nội dung này, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP, ngày 23-11-2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP đã xác định rõ trách nhiệm của Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp trong việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án…

Qua thực tiễn triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đương nhiên xóa án tích đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc đó là: theo quy định của BLHS năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã giao thẩm quyền xác nhận các trường hợp đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP, nhưng Luật LLTP chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thời gian và cơ chế phối hợp xác minh các trường hợp đương nhiên xóa án tích; Luật LLTP có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010 quy định Cơ sở dữ liệu LLTP được xây dựng và quản lý tại Trung tâm LLTP Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và tại Sở Tư pháp chỉ thực hiện cập nhật những thông tin có sau ngày 1-7-2010, còn những thông tin có trước ngày 1-7-2010, Sở Tư pháp chỉ thực hiện cập nhật khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp.

Cho nên thông tin LLTP về án tích trong cơ sở dữ liệu LLTP trên hệ thống LLTP dùng chung chưa đầy đủ, hoàn thiện để thực hiện tra cứu thông tin LLTP nói chung và xác nhận điều kiện đương nhiên xóa án tích nói riêng; việc xác định một người thực hiện hành vi phạm tội khi người đó bị khởi tố cho đến khi bị điều tra, truy tố, xét xử trên cơ sở dữ liệu LLTP là rất khó khăn vì cơ sở dữ liệu LLTP hiện nay không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố mà chỉ lưu trữ, quản lý thông tin từ giai đoạn có bản án có hiệu lực pháp luật; công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cũng như đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật hình sự và pháp luật về LLTP. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác…

Để bảo đảm thi hành hiệu quả các quy định mới của BLHS năm 2015 và Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về đương nhiên xóa án tích, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập, thời gian tới, các cơ quan chức năng có liên quan cần thực hiện một số nội dung sau: đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật LLTP; tăng cường công tác cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP; chủ động rà soát, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án vào Cơ sở dữ liệu LLTP; tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cấp Phiếu LLTP, đặc biệt là nghiệp vụ xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP, áp dụng các phương thức cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, cấp Phiếu trực tuyến; đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo điều kiện trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, biên chế để Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ cấp nhật thông tin và cấp Phiếu LLTP theo quy định của Luật LLTP và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Ngọc Hải-Nhật Vũ

 

 

 

 


 

,