.

Gian nan bảo vệ rừng ở những địa bàn trọng điểm

.
20:58, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những khu rừng nguyên sinh ở miền tây 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh là nơi hiện còn có rất nhiều loại  lâm, thổ, sản quý hiếm. Chính vì thế, nơi đây là trọng điểm “nhòm ngó” và là địa bàn hoạt động mạnh của lâm tặc trong tỉnh những năm qua. Vậy, cuộc chiến bảo rừng ở những địa bàn trọng điểm này đã và đang được các lực lượng chức năng tiến hành như thế nào?

Những ngày tháng 5, chúng tôi đã có cuộc thâm nhập vào những "phòng tuyến" giữ rừng xa tít ở phía tây huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Những cánh rừng xanh ngút ngàn bị khe suối chia cắt, thác ghềnh hiểm trở và san sát các rặng núi đá vôi chót vót chính là những khó khăn, thách thức của các lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ rừng tại các địa bàn xung yếu này.

Các lực lượng chức năng phối hợp tuần, tra bảo vệ rừng ở những địa bàn trọng điểm.
Các lực lượng chức năng phối hợp tuần, tra bảo vệ rừng ở những địa bàn trọng điểm.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Trạm kiểm lâm số 5 (Hạt kiểm lâm huyện Lệ Thủy) đóng tại đường 10 thuộc xã Ngân Thủy (Lệ Thủy). Ông Hoàng Xuân Tình, Trạm trưởng cho biết, lực lượng giữ rừng của trạm rất thiếu. Trạm có 9 người thì đã tăng cường cho 2 chốt ở cơ sở 3 người, trong lúc đó lại quản lý hơn 44.000 ha rừng, với gần 37.000 ha rừng tự nhiên và hơn 8.000ha rừng phòng hộ… Địa phận trạm số 5 quản lý có 5 chủ rừng, liên quan đến chính quyền địa phương 4 xã, 1 thị trấn và 3 bản biên giới…

Với khối lượng công việc được giao lớn như vậy, anh em kiểm lâm trạm phải thường xuyên thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng giám sát” tại địa bàn được phân công thì mới mong hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng theo ông Tình, các địa bàn do Trạm số 5 quản lý có thời điểm là điểm nóng về tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Do vậy, cũng đã xảy ra tình trạng lực lượng kiểm lâm của trạm bị đe doa, hành hung.

Ông Tình nhớ lại, vào khoảng tháng 5-2017, trong khi tuần tra kiểm soát, cán bộ kiểm lâm của trạm đã phát hiện 2 đối tượng trú tại xã Sơn Thủy đang dùng phương tiện vận chuyển gỗ trái phép, tuy nhiên, thay vì chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, các đối tượng này đã lấy hung khí uy hiếp, đòi tấn công lực lượng kiểm lâm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh em kiểm lâm đã khống chế được các đối tượng này.

"Địa bàn trạm quản lý rộng nhưng biên chế lực lượng kiểm lâm lại ít, đó là một hạn chế cần được các cơ quan chức năng, nghiên cứu tháo gỡ. Tuy nhiên, để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng thì không chỉ có ngành Kiểm lâm mà cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Trước hết là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vào rừng; tạo việc làm cho người dân sống gần rừng, tiếp tục cấp đất cho nhân dân trồng rừng…", ông Tình bộc bạch với chúng tôi.

Đứng chân trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây thuộc xã Trường Sơn (Quảng Ninh), Trạm kiểm lâm Trường Sơn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh) được giao nhiệm vụ quản lý hơn 70.000 ha rừng.

Những năm qua, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, rạm kiểm lâm Trường Sơn đã tích cực, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ. Đồng thời, tham mưu chỉ đạo việc xây dựng quy ước bảo vệ rừng có nội dung phù hợp với thực tế ở từng thôn, bản.

Ông Trần Đức Bình, Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Trường Sơn chia sẻ, địa bàn quản lý của đơn vị quá rộng, quân số lại mỏng, nhiều chủ rừng chưa làm tròn hết trách nhiệm trong bảo vệ rừng, người dân trên địa bàn lợi dụng các chính sách của Nhà nước để xâm hại rừng. Đây là những nguyên nhân chính khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đây còn gặp khó khăn.

Trước thực trạng khó khăn trên, với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc” Trạm kiểm lâm Trường Sơn đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm tra rừng tại các địa bàn trọng điểm, về các thôn bản tuyên truyền, vận động người dân tránh xâm hại đến rừng…

Nhờ vậy, đến nay, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn có chuyển biến đáng kể. Cũng theo ông Bình, thời gian gần đây, qua kiểm tra, tại địa bàn vẫn phát hiện những điểm khai thác gỗ trái phép nhỏ lẻ (chủ yếu là gỗ lốc lỏi từ thơi kỳ trước để lại). Những đối tượng khai thác trái phép đã được lực lượng Kiểm lâm của trạm và chủ rừng tổ chức đẩy đuổi ra khỏi rừng, tuy nhiên hết sức vất vả vì lực lượng thiếu.

Theo lực lượng kiểm lâm của Trạm bảo vệ rừng số 5 (Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy) và Trạm kiểm lâm Trường Sơn (Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh), hiện này các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép thường nhỏ lẻ, tận thu gỗ lóc lõi số lượng rất ít, kích cỡ nhỏ. Khi vận chuyển chúng sử dụng phương tiện xe mô tô là chính nên rất dễ cơ động, tẩu tán tang vật khi lực lượng chức năng chốt chặn. Trong trường hợp bị lực lượng phát hiện, truy bắt chúng sẵn sàng vứt gỗ xuống đường, nêu anh em tránh không kịp rất dễ xảy ra tai nạn.

"Với mức xử phạt vi phạm cao như hiện nay, chỉ cần một khúc gỗ nhỏ khi bị bắt giữ đối với gỗ nhóm I hoặc nhóm II, các đối tượng vận chuyển sẽ bị xử phạt lên tới 6 triệu đồng. Cũng bởi vậy, các phương tiện mô tô vận chuyển gỗ bị kiểm lâm thu giữ thường thì "lâm tặc" chấp nhận vứt bỏ luôn, không tới xử lý, vì mức nộp phạt nhiều khi cao hơn tiền mua chiếc xe máy khác", để chứng minh cho lời nói của mình, Trạm trưởng kiểm lâm số 5 Hoàng Xuân Tình chỉ cho chúng tôi xem gần chục chiếc mô tô vận chuyển gỗ trái phép bị trạm thu giữ, nhưng người vi phạm không đến xử lý. Hầu hết những chiếc xe này đã gỉ sét, không còn sử dụng được, nằm lăn lóc mặc nắng mưa.

Công tác quản lý, bảo vệ rừng không chỉ vất vả, khó khăn đối với lực lượng kiểm lâm mà còn đối với các đơn vị chủ rừng cũng gian nan không kém. Ông Châu Ngọc Dương, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại) một trong những đơn vị chủ rừng cho biết, đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc gần 32.000ha rừng thuộc địa phận 3 xã Trường Sơn (Quảng Ninh), xã Phú Định và thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng trên một địa bàn trải rộng, đơn vị đã thành lập 10 trạm bảo vệ rừng, 1 đội cơ động và 4 chốt trực tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xâm hại rừng và lấn chiếm đất rừng…

Tang vật vi phạm được lực lượng chức năng thu giữ.
Tang vật vi phạm được lực lượng chức năng thu giữ.

Ông Dương cũng cho rằng, từ sau khi có chỉ thị đóng cửa rừng tự nhiên, công tác bảo vệ rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chế độ tiền lương hàng tháng cho cán bộ, công nhân viên. Hiện tại đơn vị còn nợ lương của cán bộ, công nhân viên từ 3-4 tháng…Cùng với đó, trong lâm phận quản lý của đơn vị có 3 bản đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào rừng, nên không tránh khỏi tình trạng xâm hại đến rừng…

"Chúng tôi trăn trở rất nhiều vấn đề nợ lương của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, vì nó tác động rất lớn đến cuộc sống, tâm lý, do vậy rất dễ phát sinh những biểu hiện tiêu cực trong công tác bảo vệ rừng. Vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh sớm cấp kinh phí bảo vệ rừng để đơn vị chi trả lương cho cán bộ, công nhân viên…", ông Dương chia sẻ.

Nhìn những khu rừng ở phía tây huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh luôn xanh tươi, góp phần không nhỏ trong việc nâng tỷ lệ che phủ rừng cho địa phương, nhưng có mấy ai hình dung hết được những khó khăn, vất vả và cả những thách thức, hiểm nguy của lực lượng giữ rừng.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các giải pháp để giải quyết điểm nóng ở những địa bàn trọng điểm trong công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; vận động nhân dân chuyển đổi ngành nghề; lập phương án kiểm tra rừng thường xuyên; có phương án, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản; kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản ở gần rừng…

Ngọc Hải-Xuân Phú




 

,