.
Xuân Hóa:

Rừng bị chặt phá, chính quyền có làm ngơ?

.
08:41, Thứ Năm, 05/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khoảnh rừng rộng hơn 10ha ở khu vực miếu thiêng thuộc thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) bị tận diệt một cách không thương tiếc. Điều đáng nói là sự việc xảy ra gần nửa tháng trời nhưng chính quyền xã không hề hay biết (?!).

Những ngày cuối tháng 3-2018, chúng tôi đã có chuyến đi thâm nhập vào khu vực rừng có ngôi miếu thiêng thuộc thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa để mục sở thị cảnh phá rừng nơi đây. Vào đến hiện trường, chúng tôi chứng kiến hàng loạt cây gỗ to đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc, cành ngọn nằm ngả nghiêng héo úa.

Gốc cây còn sót lại có đường kính gần 60cm.
Gốc cây còn sót lại có đường kính gần 60cm.

Tại khu vực này, vẫn còn những súc gỗ lớn đã được cắt gọt theo “quy chuẩn” nằm vương vãi, còn phần lớn đã được lâm tặc vận chuyển đi nơi khác cất giấu. Khi thâm nhập vào vùng lõi, tuy tình trạng khai thác gỗ trái phép đã cơ bản ngừng lại sau khi bị phát hiện, nhưng trên các tuyến đường vào khu vực này, nhiều gốc cây to vẫn có vết cắt rất mới còn vương nhựa gỗ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tượng khai thác rừng trái phép ở thôn Ba Nương diễn ra vào khoảng đầu tháng 3-2018 với quy mô khá rầm rộ. Đến giữa tháng 3, khi sự việc được phát hiện thì đã có hàng loạt cây rừng bị chặt hạ, với số lượng gỗ thu giữ tại hiện trường gần 15m3, bao gồm gỗ dẽ, chẹo, ngát...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Thanh Thơ, Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa trần tình, việc khai thác diễn ra ở thôn Ba Nương nhưng cá nhân ông không biết là do bận đi họp. Chỉ đến khi nhận được tin báo và lực lượng chức năng lập biên bản sự việc, chính quyền xã mới tiến hành họp thôn để đình chỉ hành vi khai thác rừng trái phép này. Việc khai thác rừng ở khu vực miếu thôn Ba Nương không thông qua chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn mà do thôn tự ý thực hiện (?!).

Những tuyến đường khai thác gỗ.
Những tuyến đường khai thác gỗ.

"Sở dĩ có sự việc này là do ảnh hưởng của cơn bão số 10 năm 2017, khu vực rừng nơi đây có một số cây bị gãy đổ nên có chủ trương cho tận thu để tạo nguồn quỹ cho Chi hội Hội Người cao tuổi hoạt động", ông Thơ cho hay.

Tuy nhiên, khác xa với lời ông Chủ tịch xã, tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến có rất nhiều cây gỗ đường kính từ 40-60cm không bị gãy đổ cũng bị chặt hạ, trong khi các cây gãy vẫn chưa được tận thu. Có lẽ chủ ý của những đối tượng khai thác là tập trung chặt hạ những cây gỗ chưa bị gãy đổ, nhằm đưa chính quyền và lực lượng chức năng vào sự đã rồi?!

Khi được hỏi, sự việc xảy ra trên địa bàn, với vai trò của người đứng đầu, ông đã vào đến hiện trường để đề xuất phương án xử lý? Ông Thơ cho hay, đến nay (ngày 29-3), tôi vẫn chưa vào đến khu vực có hiện tượng phá rừng mà chỉ cử cán bộ vào kiểm tra, báo cáo.

Gỗ đã bị lực lượng Kiểm lâm thu giữ.
Gỗ đã bị lực lượng Kiểm lâm thu giữ.

Trong khi khu rừng diễn ra tình trạng chặt phá chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 5km và với cách trả lời của ông Chủ tịch xã, dư luận đặt câu hỏi có hay không sự buông lỏng của chính quyền địa phương?

Ông Trần Mạnh Luật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết, sự việc đã được đơn vị lập biên bản bước đầu và thu gom gỗ, đồng thời báo cáo UBND huyện đề xuất phương án xử lý. Theo nguyên tắc, nếu muốn tận thu gỗ ở khu vực này, chính quyền địa phương phải tranh thủ ý kiến của kiểm lâm địa bàn để trình cơ quan có thẩm quyền cho phép mới được khai thác.

Về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho hay, khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng lập biên bản, đồng thời đề xuất phương án để trên cơ sở đó chính quyền sẽ có biện pháp xử lý về trách nhiệm đối với những người có liên quan.

Khu vực rừng ở vùng miếu thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa có diện tích khoảng100.836m2, là loại rừng khoanh nuôi bảo vệ.

Diện tích rừng nơi đây được giao cho Chi hội Hội Người cao tuổi thôn Ba Nương khoanh nuôi bảo vệ, và chỉ được phép khai thác song mây để tạo nguồn quỹ hoạt động.

Minh Văn-Ngọc Hải






 

,