.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

.
09:46, Thứ Sáu, 27/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Doanh nghiệp có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra tổng sản phẩm trong nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, vì vậy, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng.

Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa đi lên từ mô hình sản xuất nhỏ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường và các văn bản pháp luật liên quan còn nhiều hạn chế.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng kinh nghiệm, thói quen, chưa am hiểu hết các quy định của pháp luật, thậm chí có trường hợp còn xem pháp luật là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ, toàn diện ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý (HTPL) cho doanh nghiệp. Việc HTPL cho doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan, tổ chức chứ chưa hình thành một cách rõ nét, một kênh hoạt động riêng về HTPL cho doanh nghiệp.

Việc tuyên truyền các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp của một số cơ quan nhà nước chưa được sâu rộng, chưa sát hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động tư vấn, HTPL cho doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm giúp cho doanh nghiệp sớm tiếp cận các thông tin pháp luật phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhiều cuộc đối thoại được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều cuộc đối thoại được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, công tác HTPL doanh nghiệp được điều chỉnh bởi Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, ngày 28-5-2008 của Chính phủ, theo đó quá trình thực hiện công tác HTPL cho doanh nghiệp đã tạo được những chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; đã tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng, chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác HTPL cho doanh nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết hiệu quả công tác HTPL cho doanh nghiệp, chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn và những điều doanh nghiệp cần; chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chủ yếu tập trung vào việc triển khai các văn bản mới, mà thiếu đi tính gắn kết giữa quy định của pháp luật với thực tiễn; việc xây dựng chương trình tập huấn, đào tạo còn mang tính chủ quan từ phía cơ quan nhà nước mà chưa có sự điều tra, khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn trong công tác HTPL doanh nghiệp, tạo khung pháp lý chặt chẽ, đúng nguyên tắc, ý nghĩa của công tác HTPL cho doanh nghiệp, phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, thực hiện đúng tinh thần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, lần đầu tiên chế định HTPL cho doanh nghiệp được đề cập trong một đạo luật do Quốc hội ban hành, đó là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với chế định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được đặt ra trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, luật đã cụ thể hoá chủ trương tại các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết số 14-NQ/TW (khóa IX) ngày 18-3-2002 về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế...

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ HTPL cho doanh nghiệp theo tinh thần của luật, trước hết cần có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan có chức năng HTPL cho doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp; xác định công tác HTPL cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị là trách nhiệm của mình phải thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác HTPL cho doanh nghiệp; tăng cường xây dựng, đăng tải, phát sóng các chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên đài, báo, tạp chí, bản tin và các phương tiện truyền thông khác; cung cấp các tình huống pháp lý, những vướng mắc trong thực tiễn thường gặp và cảnh báo những rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp không tuân thủ quy định, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần duy trì, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn nhằm thiết lập hệ thống cộng tác viên trực tiếp giải đáp, trả lời những khó khăn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trong công tác thực thi pháp luật; cập nhật thường xuyên, có hệ thống các chính sách, văn bản pháp quy bao gồm văn bản luật, văn bản dưới luật; liên kết với các cơ sở dữ liệu pháp luật hiện có ở các trang thông tin làm nguồn dữ liệu; phân loại có hệ thống văn bản pháp quy theo từng lĩnh vực chuyên môn…

Mặt khác, các doanh nghiệp phải luôn song hành cùng với cơ quan nhà nước, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp các thông tin về khó khăn, vướng mắc, nhu cầu cần hỗ trợ pháp lý cho cơ quan nhà nước; tin tưởng vào khả năng và nội dung tư vấn, hỗ trợ của cơ quan nhà nước; sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tư vấn, HTPL, nhất là việc lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp khi có các tranh chấp xảy ra…

Ngọc Hải-Đình Huân

 



 

,