.

Công tác đăng ký và thống kê hộ tịch: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

.
14:04, Thứ Bảy, 14/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong các mục tiêu cụ thể theo Quyết định số 101/QĐ-TTg, ngày 23-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2022, số liệu thống kê hàng năm về tỷ lệ khai sinh (có phân loại theo tuổi của mẹ, giới tính của trẻ, khu vực địa lý, đơn vị hành chính) được lấy từ dữ liệu đăng ký hoặc các nguồn dữ liệu hành chính có giá trị khác; bảng tóm tắt các số liệu thống kê hộ tịch về tỷ lệ khai sinh, khai tử sử dụng hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn cơ bản, công chúng dễ tiếp cận dưới hình thức phiên bản điện tử và trong thời gian là 1 năm.

Đến năm 2024, báo cáo số liệu thống kê hộ tịch kịp thời, đầy đủ và chính xác trong 2 năm trước đó, sử dụng dữ liệu từ hệ thống đăng ký hộ tịch như một nguồn căn bản, công chúng dễ tiếp cận.

Để thực hiện được mục tiêu trên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong năm 2017 vừa qua, cùng với việc tiến hành nhiều cách thức tuyên truyền chuyên sâu pháp luật về hộ tịch, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã biên soạn và phát hành 10.000 cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch cấp phát cho công chức tư pháp - hộ tịch; phát hành 11.100 cuốn Bản tin Tư pháp, trong đó có nhiều nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Công chức tư pháp-hộ tịch phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch.
Công chức tư pháp-hộ tịch phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều công việc nên ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch.

Để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức tư pháp - hộ tịch, Sở Tư pháp đã tổ chức 6 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đối tượng là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, cấp huyện với 636 lượt người tham dự; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 4 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức tư pháp của Phòng Tư pháp và công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn với hơn 390 người tham dự.

Ngoài việc tập huấn nghiệp vụ, để hoàn thiện và phát huy có hiệu quả công tác này, Sở Tư pháp và UBND các huyện trên địa bàn tỉnh đã cử công chức phụ trách lĩnh vực hộ tịch tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về công tác hộ tịch do Bộ Tư pháp tổ chức.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 huyện, thị xã, thành phố và 8/8 phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố đã bố trí 8 công chức làm công tác hộ tịch, trong đó có 7 công chức có trình độ đại học luật, 1 công chức có trình độ thạc sỹ luật.

Có 159 xã đã bố trí công chức làm công tác hộ tịch trong đó có 139 công chức có trình độ cử nhân luật; 18 công chức có trình độ trung cấp luật; 2 công chức có trình độ trung cấp kinh tế. Số lượng công chức đạt trình độ chuyên môn theo quy định của Luật Hộ tịch là 157 người, đạt tỷ lệ 98,74%; số công chức chưa đạt trình độ chuyên môn theo quy định của Luật Hộ tịch là 2 người, chiếm tỷ lệ 1,26%.

Cùng với việc nâng cao năng lực chuyên môn, bố trí cán bộ có đủ năng lực thực hiện công tác này, để thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch và kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra đối với việc triển khai thực hiện Quyết định số 101/QĐ-TTg, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư trang bị máy vi tính có kết nối mạng internet, máy in phục vụ cho công tác đăng ký hộ tịch.

Tại các phòng Tư pháp cấp huyện, 100% công chức phụ trách tư pháp - hộ tịch được bố trí máy ví tính, máy in có kết nối mạng internet; tại từng xã, phường, thị trấn cũng đã bố trí máy tính riêng cho công chức tư pháp - hộ tịch (31/159 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 82%); 28 xã còn lại, công chức tư pháp - hộ tịch sử dụng máy tính chung với bộ phận khác như văn phòng hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Số máy tính của công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được kết nối mạng internet là 154/159 đơn vị cấp xã, đạt tỷ lệ 97%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thống kê đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 112/159 địa phương cấp xã có 2 công chức tư pháp - hộ tịch, còn lại chỉ có 1 công chức tư pháp - hộ tịch. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch, công chức tư pháp - hộ tịch còn phải tham mưu giúp UBND cùng cấp thực hiện các nhóm nhiệm vụ khác. Việc kiêm nhiệm này đã ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đăng ký và thống kê hộ tịch. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã cũng thường xuyên thay đổi, không bảo đảm sự ổn định, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.

Cơ sở vật chất phục vụ riêng cho công tác đăng ký, thống kê hộ tịch cũng còn nhiều khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, mặc dù đã triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác đăng ký và thống kê hộ tịch, nhưng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở cơ sở ở một số địa phương chưa đảm bảo như máy vi tính đã cũ, kết cấu không đồng bộ, không kết nối với mạng internet; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác đăng ký và quản lý hộ tịch.

Mặt khác, Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 mới bắt đầu triển khai từ năm 2017, hiện nay việc sử dụng phần mềm dùng chung của Bộ Tư pháp đang thực hiện thí điểm (tỉnh Quảng Bình không nằm trong 4 tỉnh triển khai thí điểm). Vì vậy, việc sử dụng và tích hợp vào phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp chưa được thực hiện.

Từ thực trạng trên, để triển khai thực hiện có hiệu quả, đồng bộ Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể, đó là: Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch, Chương trình hành động Quốc gia của Việt Nam về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017 - 2024 để người dân được tiếp cận pháp luật về quyền, trách nhiệm đăng ký hộ tịch, đồng thời nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác đăng ký, thống kê hộ tịch của các cơ quan, tổ chức...

Mặt khác, các cơ quan hữu quan cần chủ động, tích cực tham mưu triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, chuẩn hóa phần mềm đăng ký, thống kê hộ tịch dùng chung theo phần mềm của Bộ Tư pháp khi áp dụng đại trà; thực hiện việc hiện đại hóa phương thức thu thập, phân tích, sử dụng số liệu và nguyên nhân tử vong; đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ y tế làm công tác cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử, thu thập, xử lý dữ liệu sinh, tử, nhất là về kỹ năng chẩn đoán, mã hóa nguyên nhân chính gây tử vong theo ICD; rà soát, bố trí đủ số lượng công chức làm công tác hộ tịch tại cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch các cấp trên địa bàn; phối hợp đào tạo, bồi dưỡng công chức làm công tác hộ tịch...

Ngọc Hải-Đoàn Hòa

 



 

,