.

PVP Land: Đối đáp nhằm xác định rõ mức độ hành vi của từng bị cáo

.
14:07, Thứ Bảy, 03/02/2018 (GMT+7)

Chiều 2-2, tiếp tục phần đối đáp tại Phiên tòa xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam​-PVC) và các đồng phạm trong Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land), các luật sư đã đưa ra nhiều quan điểm đối đáp lại nội dung luận tội của Viện Kiểm sát, trong đó tập trung xoay quanh việc xác định chính xác tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong phần thiệt hại của vụ án và mức độ hành vi vi phạm của các bị cáo.

Đề nghị xác định tỷ lệ sở hữu nhà nước trong số cổ phần chuyển nhượng

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, các bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC), Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Vietsan), Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng Giám đốc PVP Land), Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (trú tại phường 10, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đã có sự móc nối, chỉ đạo, thông đồng với các bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân), Nguyễn Thị Kim Thoa (nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty Cổ phần Minh Ngân) để thực hiện ký Hợp đồng chuyển nhượng tại Dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng, chia nhau chiếm đoạt.

Thực tế, các bị cáo đã chiếm đoạt được 49 tỷ đồng trong số tiền hơn 87 tỷ đồng này. Trong đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng, bị cáo Đinh Mạnh Thắng đã chiếm đoạt 5 tỷ đồng, bị cáo Đào Duy Phong đã chiếm đoạt 8 tỷ đồng…

Phân tích về các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng) đề nghị Viện Kiểm sát xác định phần sở hữu nhà nước có trong số cổ phần chuyển nhượng hay không, nếu có thì là bao nhiêu. Cần phải làm rõ thực sự tài sản này là của ai? Ai bị chiếm đoạt? Ai là nguyên đơn dân sự?

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tại Phiên tranh tụng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tại Phiên tranh tụng. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chung quan điểm này, luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) yêu cầu tách phần vốn nhà nước tại PVP Land để xác định chính xác những thiệt hại của cổ đông nhà nước.

Việc tham ô chỉ xảy ra đối với tài sản của Nhà nước, do vậy cần xác định tách bạch phần vốn của Nhà nước và phần vốn thuộc sở hữu của các cổ đông, trong tổng số hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Luật sư Trần Hồng Phúc phân tích, PVC là công ty cổ phần đại chúng, có nhiều nguồn vốn góp vào chứ không phải chỉ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Do đó, khó có căn cứ để tách tài sản của Nhà nước đem đi chuyển nhượng và tính vào phần tiền tham ô...

Trên thực tế, PVP Land sở hữu 50,5% cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, số còn lại là phần vốn góp của cả các cổ đông khác. Vì vậy, không thể coi số tiền thiệt hại là tài sản của riêng Nhà nước (PVC).

Tương tự, luật sư Lê Văn Thiệp Phúc (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) cho rằng, không thể quy kết các bị cáo chiếm đoạt toàn bộ 87 tỷ đồng (số tiền chênh lệch do ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần) vì 28% cổ phần của PVC tại PVP Land chỉ tương đương hơn 3 triệu cổ phần trong tổng số hơn 12 triệu cổ phần do PVP Land chuyển nhượng.

Như vậy, phần chênh lệch mà Nhà nước thất thoát chỉ khoảng 21 tỷ đồng, phần còn lại là sự thiệt thòi của các cổ đông khác, chứ không phải là của riêng Nhà nước.

Về nội dung này, quan điểm của Viện Kiểm sát nêu rõ các bị cáo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình tại PVP Land và tại PVC trong việc ký hợp đồng chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương, tạo ra chênh lệch giá để chiếm đoạt giá trị cổ phần PVP Land trên 87 tỷ đồng. Theo kết luận của Bộ Tài chính, trong đó có phần vốn của PVC (vốn của Nhà nước) do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt được là 49 tỷ đồng.

Tranh luận về vai trò thực hiện hành vi của các bị cáo

Bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng, luật sư Huỳnh Phương Nam cho rằng, Thắng chỉ là người biết thông tin, có quan hệ thì giới thiệu Thái Kiều Hương gặp Trịnh Xuân Thanh.

Trong bữa ăn tại nhà hàng, bị cáo Thắng cũng không bàn bạc gì về giá chuyển nhượng cổ phần, chỉ đơn thuần là người giới thiệu mối quan hệ.

Luật sư cho rằng, số tiền 5 tỷ đồng mà Thắng nhận từ Hương chỉ đơn thuần là tiền cảm ơn. Số tiền này không phải trong phạm vi Thắng quản lý, không đủ căn cứ cấu thành tội tham ô tài sản.

Về luận điểm này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: bị cáo Thắng biết rất rõ đó là số tiền mà Thắng và bị cáo Thanh được hưởng từ việc Thắng tác động đến bị cáo Thanh và bị cáo Phong là những người có quyền quyết định trong việc cho phép chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương.

Khi nhận một số tiền lớn như vậy, bị cáo Thắng buộc phải biết đó là tiền phi pháp, là tiền chênh lệch giá từ việc Đinh Mạnh Thắng tác động đến bị cáo Thanh và bị cáo Phong. Vì vậy, Đinh Mạnh Thắng phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền 5 tỷ đồng này.

Luật sư Nguyễn Như Thái Dũng (bào chữa cho bị cáo Đào Duy Phong, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVP Land) đã phân tích về việc Đào Duy Phong nhận sự chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh để đứng ra thực hiện việc giảm giá chuyển nhượng từ 40 triệu đồng/m2 xuống 34 triệu đồng/m2.

Theo luật sư Dũng, mặc dù giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nhưng nếu Đào Duy Phong muốn nghe theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh cũng không thể một mình thực hiện được nếu không nhận được sự đồng thuận của các cổ đông PVP Land.

Liên quan số tiền 10 tỷ đồng mà Đào Duy Phong đã chiếm hưởng, luật sư phân tích, trong toàn bộ hồ sơ vụ án, không thể hiện Phong và các bị cáo khác có thỏa thuận về việc “ăn chia” số tiền này.

Ngay tại bản án sơ thẩm ngày 23-6-2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội liên quan đến thiệt hại trong vụ án lừa đảo của bị cáo Lê Hòa Bình đã xác định rõ trong đó đã bao gồm 10 tỷ đồng mà Phong đã nhận từ Lê Hòa Bình. Bản án này xác định số tiền này đang nằm trong tài khoản của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.

Theo luật sư, với lập luận của Viện Kiểm sát cho rằng số tiền 10 tỷ đồng này là thiệt hại của PVP Land trong vụ án, đồng nghĩa với việc các bị cáo phải nộp lại số tiền này, có nghĩa là bị cáo Phong phải nộp 2 lần.

Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, đánh giá dựa vào khoa học hình sự về mặt chủ thể của tội danh tham ô tài sản đối với bị cáo Đào Duy Phong, bởi bị cáo chưa bao giờ quản lý số tiền 10 tỷ đồng này, do đó việc kết tội Tham ô tài sản với bị cáo Phong theo luật sư là chưa đủ điều kiện cấu thành tội phạm.

Ngày 3-2, tiếp tục phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư.

Theo Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)

,