.

Xử Phạm Công Danh: Luật sư tranh tụng nghĩa vụ bồi hoàn 6.126 tỷ đồng

.
15:49, Thứ Ba, 30/01/2018 (GMT+7)

Ngày 30-1, tiếp tục phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn hai, các luật sư đã tập trung tranh tụng nghĩa vụ bồi hoàn 6.126 tỷ đồng cho VNCB từ ba ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank như cáo buộc của bản cáo trạng và quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa.

>> Ba ngân hàng "phản pháo" việc bồi thường 6.126 tỷ đồng cho VNCB

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa giai đoạn hai. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa giai đoạn hai. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Bào chữa cho Sacombank, luật sư Lê Thị Tường Vy tiếp tục khẳng định, cơ quan công tố yêu cầu Sacombank phải bồi hoàn cho VNCB số tiền 1.835 tỷ đồng là không đúng với quy định pháp luật, thiếu khách quan và không phù hợp với chứng cứ, diễn biến tại phiên tòa. Bởi lẽ, các giao dịch cho vay và thu hồi vốn vay đều tuân thủ quy định của pháp luật; việc để xảy ra sai phạm, thất thoát 6.126 tỷ đồng thuộc về trách nhiệm của VNCB nên Sacombank không có nghĩa vụ phải bồi hoàn.

“Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm liên đới bồi hoàn 6.126 tỷ đồng cho ba ngân hàng TPBank, Sacombank, BIDV là không đúng bởi lẽ ngân hàng Sacombank chỉ giao dịch với pháp nhân sáu công ty và VNCB chứ không phải giao dịch với cá nhân Phạm Công Danh và các bị cáo nào. Do đó giữa Phạm Công Danh và Sacombank không phát sinh nghĩa vụ liên quan.

Ở kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng cho rằng, các giao dịch giữa Sacombank và VNCB, giữa Sacombank và sáu công ty là hợp pháp. Vì thế Sacombank không có lỗi, các giao dịch cho vay là đúng quy định, việc giải ngân chỉ thực hiện sau khi có tài sản đảm bảo hoặc cầm cố. Việc thu hồi số tiền này thuộc về trách nhiệm của VNCB chứ không phải của Sacombank," luật sư Lê Thị Tường Vy nêu quan điểm.

Tương tự, đại diện TPBank cũng khẳng định, số tiền gần 1.700 tỷ đồng mà TPBank cho Phạm Công Danh vay sử dụng để tăng 200 tỷ đồng vốn điều lệ cho VNCB, trả cho bà Hứa Thị Phấn 600 tỷ đồng, trả cho nhóm Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích 194 tỷ đồng, trả cho Công ty Hải Tiến 100 tỷ đồng. Số tiền 600 tỷ đồng còn lại dùng để trả lãi ngoài và các khoản chi khác. Do đó, giao dịch tiền gửi giữa VNCB với TPBank là quan hệ dân sự, không liên quan đến vụ án hình sự và nếu thu hồi thì phải thu hồi các khoản tiền được sử dụng nói trên. Trên thực tế, từ khi tất toán các khoản vay từ năm 2014 đến nay, VNCB cũng không hề có bất kỳ thắc mắc, khiếu nại hay yêu cầu bồi thường nào trước khi vụ án được đưa ra xét xử.

Trước đó, tham gia phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và đại diện VNCB đã yêu cầu TPBank phải bồi hoàn 1.740 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB, Ngân hàng Sacombank phải bồi hoàn 1.835 tỷ đồng và Ngân hàng BIDV phải bồi hoàn hơn 2.550 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, các luật sư cũng yêu cầu cơ quan tố tụng làm rõ số tiền 4.500 tỷ đồng mà Phạm Công Danh đưa vào để tăng vốn điều lệ của VNCB từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng. Các luật sư cho rằng, số tiền này vẫn nằm trong VNCB nên cần tách ra để định khung hình phạt nhẹ hơn theo hướng có lợi cho các bị cáo.

Bác lại quan điểm này của các luật sư, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, số tiền 4.500 tỷ đồng được chuyển vào VNCB và đã được hòa vào dòng tiền chung, không tách rời. Do VNCB đã sử dụng hết số tiền này nên không có cơ sở để tách riêng cũng như giảm trừ thiệt hại cho các bị cáo. Công tố viên cũng tái khẳng định quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thể hiện trong bản cáo trạng là buộc BIDV, Sacombank, TPBank phải bồi hoàn 6.126 tỷ đồng thiệt hại cho VNCB.

Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng. Dự kiến phiên tòa sẽ tuyên án vào ngày 7-2.

Theo Nguyễn Chung-Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

,