.

Hiệp hội Ngân hàng lên tiếng vụ thu hồi 6.126 tỷ đồng của 3 ngân hàng

.
10:29, Thứ Sáu, 26/01/2018 (GMT+7)

Ngày 25-1, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi công văn hỏa tốc đến Thủ tướng, các cơ quan trung ương, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc BIDV, Sacombank và TPBank phản ánh liên quan vụ án Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh).

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa giai đoạn 2. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa giai đoạn 2. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Động thái này được đưa ra do trước đó Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử buộc 3 ngân hàng này phải nộp lại hơn 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trên để khắc phục hậu quả cho thiệt hại của VNCB.

Theo nội dung công văn của Hiệp hội, các tổ chức tín dụng là thành viên Hiệp hội nói chung và 3 ngân hàng nêu trên nói riêng đều rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực của việc xử lý theo hướng này đối với hoạt động của mình. Trong khi hiện nay đây là ba ngân hàng đang hoạt động tốt trên thị trường, có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển và sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

>> Xét xử Phạm Công Danh: Tranh luận về hành vi phạm tội của ông Trầm Bê

Cụ thể, BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô lớn hàng đầu của Việt Nam, TPBank là ngân hàng đang đi tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại, Sacombank là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới và chất lượng dịch vụ có uy tín tốt với khách hàng.

Về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng cho biết tại kết luận giám định số 1637/KLGĐ-NHNN ngày 16-3-2017 của Tổ giám định độc lập của Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thoả thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký và không có thiệt hại xảy ra tại ba ngân hàng này.

"Việc thực hiện như kiến nghị trên của đại diện Viện Kiểm sát sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng," công văn của Hiệp hội nhấn mạnh.

Hiệp hội ngân hàng cho rằng, theo pháp luật hiện hành, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay (con nợ) trước khi thu nợ. Trên thực tế, nếu buộc các ngân hàng phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các ngân hàng và khách hàng. Ngoài ra, các ngân hàng không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này.

Bên cạnh đó, giao dịch phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của các ngân hàng với khách hàng là giao dịch hợp pháp thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ (Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015). Việc thực hiện yêu cầu trên sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích của các ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc này có thể dẫn đến hàng loạt các giao dịch vay vốn, gửi tiền với giá trị nhiều tỷ đồng có nguy cơ xảy ra tranh chấp, làm xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành bình thường, không gặp vướng mắc gì. Theo đó, số tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ và được tất toán từ nhiều năm trước bất cứ khi nào cũng có thể bị bên vay lật lại, đòi lại vì cho rằng nguồn tiền đã trả nợ không hợp pháp hoặc bị thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, việc này cũng có thể gia tăng rủi ro pháp lý không dự liệu được cho các tổ chức tín dụng, khách hàng vay và người gửi tiền, làm xáo trộn môi trường kinh doanh, khách hàng mất niềm tin vào các tổ chức tín dụng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ không an tâm hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hiệp hội cũng cho rằng, việc áp dụng đồng bộ, nhất quán các quy định pháp luật là tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp ngân hàng phát triển tốt. Từ đó, Hiệp hội kiến nghị cấp lãnh đạo có thẩm quyền xem xét cân nhắc có hướng xử lý phù hợp.

Theo Thúy Hà (Vietnam+)

,