.

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã được các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện khá hiệu quả. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp ngày càng được nâng cao, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Với quan điểm luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, phát triển, tỉnh ta đã xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh...

Trong đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được UBND tỉnh chú trọng nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận với các tài liệu pháp lý, thủ tục hành chính, các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các vấn đề pháp lý có liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

Một trong những hoạt động hiệu quả nhất trong thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả hoạt động này, tỉnh đã thường xuyên cập nhật, đăng tải kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, các thông tin pháp lý, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên Cổng thông tin điện tử tỉnh thông qua các chuyên mục “Văn bản QPPL tỉnh Quảng Bình” và “Công báo tỉnh”.

Nhiều cuộc đối thoại được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều cuộc đối thoại được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trang thông tin điện tử của các sở, ngành và các huyện, thành phố, thị xã cũng đã được tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, kết nối với các chuyên trang, chuyên mục về văn bản QPPL liên quan đến ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý và tài liệu pháp lý khác của HĐND, UBND nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu của doanh nghiệp.

Công tác xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến văn bản QPPL và các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp cũng đã được các cấp, ngành quan tâm. Theo đó, các sở, ban, ngành có liên quan và các doanh nghiệp đã tích cực xây dựng các loại tài liệu để giới thiệu, phổ biến các văn bản QPPL cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức 4.118 hội nghị, cuộc họp cho 330.726 lượt người; tổ chức 51 cuộc thi với 149.719 lượt người tham gia; in ấn, phát hành 207.081 tài liệu; thực hiện 8.197 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã và tuyên truyền 8.452 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có đối tượng là các doanh nghiệp.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Ban quản lý chương trình 585 (Bộ Tư pháp), Sở Tư pháp đã phát huy vai trò đầu mối trong triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương. Năm 2017, Sở Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên địa bàn như: bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đối thoại, tọa đàm cho gần 500 lượt người tham gia.

Thông qua đó, đã tạo sự chuyển biến sâu rộng, tác động tích cực đến doanh nghiệp nói chung và cán bộ, công nhân viên, người lao động nói riêng trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật và áp dụng pháp luật vào sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, khai thác 2.375 tủ sách pháp luật, trong đó có 1.555 tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các tủ sách pháp luật có nhiều văn bản QPPL phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như: Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư...

Ngoài ra, công tác tiếp nhận kiến nghị, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp đã được triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, bằng văn bản, qua điện thoại, qua chuyên mục hỏi đáp pháp luật, dân hỏi cơ quan chức năng trả lời trên trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, địa phương...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại như: hệ thống văn bản QPPL thường xuyên thay đổi, các luật liên quan đến doanh nghiệp có tính ổn định chưa cao, văn bản hướng dẫn ban hành chậm; nhiều văn bản còn chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng; đội ngũ cán bộ pháp chế giúp thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn bố trí kiêm nhiệm; kinh phí cấp cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nguồn kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, chủ yếu được lồng ghép, vận dụng trong nguồn kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan...

Theo ông Trần Tiến Hải, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động; chú trọng tổ chức các diễn đàn, toạ đàm để tạo cơ hội giao lưu giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, các luật sư, luật gia để giúp doanh nghiệp nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng áp dụng và tháo gỡ các khó khăn.

Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền pháp luật kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho doanh nghiệp...

Ngọc Hải