.

Cai nghiện ma túy: Để nẻo về bớt gian nan

Chủ Nhật, 12/11/2017, 10:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Hình ảnh những người nghiện bị ma túy “vật” trong lúc lên cơn sẽ là nỗi ám ảnh với những ai phải tận mắt chứng kiến. Đến cả giường sắt, song sắt cửa sổ của phòng cai nghiện cũng bị họ phá tanh bành. Bằng mọi cách, họ còn đào bới nền bê-tông ốp gạch men chỉ để “bay theo” làn khói trắng chết chóc ấy, dù lúc tỉnh táo họ vẫn kiên quyết sẽ từ bỏ...

Vào thế giới người nghiện

Đằng sau cánh cổng sắt nặng trịch luôn được khóa cẩn thận, với tứ bề đều là tường cao 5m, có giăng cả dây thép gai, nơi chỉ có cán bộ của cơ sở cai nghiện mới được vào, còn người ngoài phải được sự đồng ý của lãnh đạo cơ sở, anh Trần Huỳnh Phú, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, kiêm phụ trách Phòng Điều trị cẩn thận mở khóa dẫn tôi bước vào thế giới của những người nghiện đang từng giờ, từng ngày vật vã với quyết tâm từ bỏ cái chết trắng.

Chăm sóc sức khỏe cho người nghiện.
Chăm sóc sức khỏe cho người nghiện.

Dọc đường đi, túm tụm những nhóm người đang lao động trị liệu hoặc đang nói chuyện, hầu hết là thanh niên, mặt mũi sáng sủa, có người còn sức vóc, khỏe mạnh, nhưng cũng có người tòng teo chỉ da bọc xương. Họ chính là những người nghiện.

Đã hơn một lần tôi bước chân vào cơ sở cai nghiện này và cũng hơn một lần lướt ngang qua mặt họ. Những khuôn mặt bơ phờ, hốc hác và mệt mỏi đang gắng gượng vượt qua cơn “đói” thuốc, hoặc cũng có thể vừa mới bị ma túy “vật”, thế nhưng khi chạm mặt tôi, những khuôn mặt, những ánh mắt ấy có cảm giác như trở nên sắc lẹm, co về tư thế cố thủ đề phòng. Họ thu mình, lùi lại và lẩn vào nhau hoặc bước qua thật nhanh để tránh mặt người lạ.

T.P.H và N.T.H đang trong giai đoạn điều trị cắt cơn ở Phòng Điều trị, thay nhau xin thầy Phú cho về nhà ở và sinh hoạt của người cai nghiện, bởi bị “nhốt” ở đây 4 ngày rồi nên chán quá. Cả hai cùng thề thốt rằng mình đã cắt được cơn, không còn cảm giác thèm nữa, dù chỉ mới cách ly khỏi ma túy 4 ngày.

T.P.H, năm nay 30 tuổi, kể với tôi rằng, H. ‘chơi” ma túy đã khá lâu rồi, nhưng cũng ít thôi. Chẳng biết thật giả thế nào nhưng H. bảo mình vào đây là do sợ vợ, nên vào đây để cai. Nói thì nói vậy, nhưng H. đã vào đây lần này nữa là lần thứ 3. H. bảo mình không chơi thường xuyên, vì ở nhà ba mẹ, anh em và vợ quản chặt lắm.

Thỉnh thoảng nhậu nhẹt thì nhớ. Thế là chích cho vui thôi. Mấy tháng mới chích một lần, chứ cũng không nhiều và đều đặn như nhiều người buộc phải sử dụng nó như “cơm ăn, nước uống hàng ngày”. Chỉ tại cái lần đầu tiên, vì chích hơi quá liều, H. bị sốc thuốc, sùi cả bọt mép, rồi tím tái đi.

Kể từ đó, hễ cứ chích vào là bị sốc thuốc. Ai bị sốc một lần, thì những lần sau đó đều bị sốc như thế cả. Mấy lần H. bị gia đình đưa vào đây để cai nghiện là do bị sốc ma túy. Nếu bị sốc mà không có ai biết và cứu kịp thời có khi mất mạng như chơi. Nhưng lần này, H. bảo mình tự nguyện đi vì sợ chết, rồi vì vợ dại, con thơ nữa...

Thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 844 người nghiện ma túy, và 2.431 người có liên quan đến ma túy phân bố trên địa bàn 129 xã, phường, thị trấn.

Còn N.T.H năm nay mới 26 tuổi, nhưng đã có thâm niên dùng ma túy gần cả chục năm. H. kể, mình dính vào “cái chết trắng” từ lần theo nhóm bạn bỏ học ra bắc làm thổ phỉ đào đãi vàng. Những ngày ăn rừng ở rú ấy, chỉ biết chui hầm đãi vàng, không còn trò gì tiêu khiển, H. “chơi” ma túy. “Mỗi lần chích mất bao nhiêu tiền?”, tôi hỏi. “Bình thường 300 ngàn dùng được 2, 3 ngày.

Khi có tiền, chỉ dùng trong 1 ngày”, H. trả lời. “Tiền đâu mà nhiều thế?”. “Có khi đi làm thuê, có khi “sửa ti vi” của hàng xóm. Nếu không đủ tiền, rủ thêm “bạn” mua chung, chứ mua lẻ không ai bán”, H. kể giọng buông tuồng. Khi không xoay đâu ra tiền mua ma túy, H. phải “giải khát” bằng cách uống đến 30 viên thuốc Terpincodein (thuốc trị bệnh ho và long đờm), cùng với 2 đến 3 viên thuốc chống đau dạ dày nữa để qua đi cơn thèm...

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Chị Hà Thị Thùy (SN 1985), một y sĩ làm việc ở cơ sở này 9 năm qua vẫn chưa thôi ám ảnh về những ngày đầu vào đây làm việc. Chị kể, người nghiện hê-rô-in lúc lên cơn còn hiền, chứ những người nghiện sử dụng các loại ma túy tổng hợp, nhìn họ lúc lên cơn thì như không còn là con người. Mới đầu chứng kiến người nghiện lên cơn chị thực sự hoảng loạn và ám ảnh.

Nỗi ám ảnh đó đi vào cả trong những giấc ngủ của chị. Mỗi lúc như thế, chị lại giật mình thon thót. Lúc lên cơn, bị nhốt vào phòng điều trị, họ bày đủ trò để được trốn thoát ra ngoài, từ cắt tay, uống xà-phòng, nuốt kem đánh răng, đến đập đầu vào tường.

Ngay chiếc giường bằng sắt, họ cũng phá tanh bành, cửa sổ sắt họ cũng bẻ. Vậy nên, tất tật vật dụng để trong phòng điều trị cắt cơn đều phải đưa ra ngoài, tránh nguy hiểm đến tính mạng của người nghiện lúc lên cơn. Còn cửa sổ phải “bố phòng” 2 lớp khung sắt để tránh họ bỏ trốn.

Làm thân con gái, chưa chồng con gì, lại phải chứng kiến những hình ảnh, hành động của những người nghiện lúc lên cơn, lắm lúc chị Thùy nghĩ đến chuyện bỏ việc. Gặp những ca khó, chị phải gọi bảo vệ, hoặc những học viên khác đến giải quyết. “Khổ và cả sợ nữa, nhưng mình phải luôn luôn ở bên cạnh để chăm sóc, tâm sự, thậm chí là nhắc nhở họ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh”, chị Thùy tâm sự.

Lúc chúng tôi đang đứng nói chuyện, có vài học viên đến nhập “hội”. Chuyện trò một lúc, chị Thùy chỉ tay sang L.T.B đang lảng vảng gần đó. Chị Thùy kể chuyện B khiến tôi giật mình. B vừa mới bỏ học lớp 11, năm nay mới 17 tuổi, nhưng đã vào đây cai đến 2 lần. Bởi đáng nhẽ, những người như B giờ đang trong tuổi ăn tuổi học, còn theo bạn bè cắp sách đến trường, thế mà...

Một buổi giáo dục hành vi, nhân cách cho các học viên tại Cơ sở ai nghiện ma túy tỉnh.
Một buổi giáo dục hành vi, nhân cách cho các học viên tại Cơ sở ai nghiện ma túy tỉnh.

Từ góc nhìn của người làm công tác cai nghiện, anh Trần Đình Quý, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho rằng: “Việc này cần sự chung tay của cả cộng đồng, chứ không phải là trách nhiệm của riêng một ai cả. Cán bộ cơ sở chúng tôi đã làm hết sức có thể. Ngoài việc thực hiện các công việc chuyên môn, chúng tôi cũng đã trực tiếp đi xuống các địa phương là điểm nóng về ma túy để tuyên truyền, vận động”.

“Vậy, chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa đối tượng nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định?”, tôi hỏi. Anh Quý trả lời: “Khó lắm, bởi từ đầu năm 2017 cho đến nay, trong số hơn 70 người nghiện đến cai nghiện, cơ sở mới chỉ tiếp nhận 4 đối tượng cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, số còn lại đều là đối tượng cai nghiện tự nguyện. Hơn ai hết, chúng tôi mong muốn cai nghiện cho những đối tượng nghiện ma túy thoát khoát khỏi làn khói trắng chết chóc kia lắm chứ”.

Theo anh Quý, vấn đề mấu chốt hiện nay là trong khi tệ nạn ma túy đang ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa đến sự an toàn của xã hội, thì công tác cai nghiện ma túy và lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện theo quy định vẫn chưa thực hiện triệt để. Công tác hỗ trợ người nghiện sau cai vẫn chưa được quan tâm, dẫn đến công tác cai nghiện chưa đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt là chính quyền các địa phương vẫn chưa vào cuộc quyết liệt.

Trong khi, cùng với việc đấu tranh, phòng, chống loại các tội phạm về ma túy, thì công tác cai nghiện cần được xem như là một giải pháp nhằm hạn chế người nghiện trong cộng đồng. Nếu tổ chức tốt và quyết liệt công tác cai nghiện, sẽ tác động rất lớn đến nhận thức, nâng cao ý thức phòng tránh và hạn chế sự “lây lan”. Vậy nên, để thực hiện tốt công tác cai nghiện, cần sự đồng lòng, chung sức và sự vào cuộc quyết liệt từ phía các địa phương, các cấp, các ngành liên quan, chứ chỉ một mình cơ sở cũng khó mà thực hiện được”.

Dương Công Hợp