.

Hoạt động trợ giúp pháp lý: Ngày càng chất lượng và chuyên nghiệp

Thứ Bảy, 02/09/2017, 11:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành Tư pháp, Cục trợ giúp pháp lý và hệ thống trợ giúp pháp lý (TGPL) ở địa phương đã có những bước phát triển quan trọng, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc bảo đảm các nguyên tắc hiến định về quyền con người, quyền công dân, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Đối với tỉnh Quảng Bình, ngày 4-5-1998 Trung tâm TGPL Nhà nước được thành lập theo Quyết định số 14/QĐ-UBND của UBND tỉnh, hoạt động của trung tâm ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng và chuyên nghiệp. 

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Quảng Bình hoạt động với cơ sở vật chất thiếu thốn, tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực hạn chế, chưa có mạng lưới cộng tác viên, câu lạc bộ TGPL.

Trong khi đó, công việc lại quá mới mẻ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa tìm tòi, học hỏi. Vượt qua khó khăn buổi ban đầu, đến nay, trung tâm đã có trụ sở làm việc riêng, 5 chi nhánh đặt tại các huyện với 29 biên chế công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 11 trợ giúp viên pháp lý.

Đội ngũ công chức, viên chức của trung tâm đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng thực tiễn; luôn giữ vững bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, yêu ngành, yêu nghề, không ngại khó, ngại khổ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, trung tâm đã ký hợp đồng cộng tác với 190 cộng tác viên; có 10 tổ chức hành nghề luật sư đăng ký tham gia TGPL; 58/159 xã, phường, thị trấn thành lập câu lạc bộ TGPL. Mặt khác, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa trung tâm với các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng, bảo đảm 100% người thuộc diện TGPL được TGPL khi có yêu cầu.

Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa xét xử lưu động.
Trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa xét xử lưu động.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện đặc thù và có nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng ủy, lãnh đạo Sở Tư pháp, sự phối hợp kịp thời của các cơ quan, ban, ngành trên toàn tỉnh, nên hoạt động TGPL được triển khai toàn diện, có trọng tâm trọng điểm, chú trọng hướng về cơ sở, vùng sâu vùng xa, quan tâm đến những đối tượng đặc thù; chất lượng vụ việc ngày càng được nâng cao, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng của trợ giúp viên pháp lý; không có khiếu nại về vụ việc, thái độ, đạo đức người thực hiện TGPL. Công tác cải cách hành chính, kiểm soát TTHC trong lĩnh vực TGPL, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng... được trung tâm thực hiện có hiệu quả.

Năm 2006, Luật TGPL được Quốc hội khóa XI thông qua đã đánh dấu bước chuyển về chất, đưa hoạt động TGPL lên một tầm cao mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước và xu thế thời đại. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến 2020, định hướng đến 2030 và Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025 thì hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh ta ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp; hoạt động không dàn trải mà chú trọng đến hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật.

Từ khi thành lập đến nay, hơn 35.000 vụ việc trong đó gần 2.000 vụ việc tham gia tố tụng với đủ cung bậc, tính chất, mức độ gắn với những hoàn cảnh, số phận khác nhau đã được những người làm công tác TGPL chia sẻ, đồng hành, giúp đỡ, bảo vệ; 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không nơi nào không có dấu chân những người TGPL...

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về TGPL được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như: lắp đặt đặt 291 bảng thông tin và 291 Hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Đồn Biên phòng, cơ quan Thanh tra cấp huyện, UBND cấp huyện và cấp xã, nhà văn hóa các thôn, bản, cơ sở khuyết tật...; truyền thông qua hệ thống phát thanh- truyền hình, qua các chuyên trang, chuyên mục, Bản tin Tư pháp, tờ gấp pháp luật...

Những kết quả mà đội ngũ làm công tác TGPL đạt được, đã đóng góp tích cực vào sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về vai trò của pháp luật; góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giảm bớt khiếu kiện sai trái, vượt cấp; nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với các cơ quan, công chức Nhà nước, khắc phục những bất cập trong hoạt động công vụ; góp phần hỗ trợ hoạt động tranh tụng để vụ việc được xét xử chính xác, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Trong giai đoạn tới, hoạt động TGPL đứng trước những yêu cầu cao hơn về chất lượng, tính chuyên nghiệp; nhu cầu TGPL cũng sẽ tăng cao theo sự phát triển của xã hội với những quan hệ pháp luật ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó Luật TGPL năm 2017 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20-6-2017 cũng mở rộng diện đối tượng được TGPL từ 6 nhóm lên 14 nhóm...

Do đó, đòi hỏi Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh phải tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực không ngừng để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, song hành cùng với các cấp, ngành thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo bền vững mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tư pháp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngọc Hải