.

Công tác thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính: Những khó khăn, bất cập từ thực tiễn

Thứ Hai, 25/09/2017, 10:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Đây là một luật rất quan trọng, là cơ sở pháp lý góp phần bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta, những khó khăn, bất cập của luật đã phần nào làm hạn chế tính hiệu quả của luật trên thực tế...

Thực hiện Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh ta đã tăng cường triển khai thi hành, quan tâm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về XLVPHC cho nhân dân trên địa bàn theo từng đối tượng, địa bàn để có hình thức phù hợp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về XLVPHC cho đội ngũ tham mưu quản lý nhà nước về XLVPHC và những người có thẩm quyền XLVPHC. Qua đó, đã góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ XLVPHC, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật về XLVPHC, hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ về XLVPHC...

Ngoài ra, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển pháo trái phép vẫn xảy ra.
Tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực buôn bán, vận chuyển pháo trái phép vẫn xảy ra.

Trong 5 năm qua (từ tháng 7-2012 đến tháng 3-2017), các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh ta đã phát hiện 176.599 vụ vi phạm hành chính, đã xử phạt 171.407 vụ/180.153 đối tượng vi phạm, chuyển bằng hình thức xử lý khác 296 vụ (chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 156 vụ và áp dụng biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên 140 vụ), với tổng số tiền phạt thu được trên 267 tỷ đồng.

Trong đó, các sở, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã đã phát hiện 20.675 vụ, đã xử phạt 20.158 vụ/21.162 đối tượng với tổng tiền phạt thu được là trên 94 tỷ đồng; các cơ quan thuộc ngành dọc có thẩm quyền XLVPHC đóng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 155.924 vụ, đã xử phạt 151.249 vụ/158.991 đối tượng, với tổng tiền phạt thu được là trên 173 tỷ đồng...

Có thể nói, số vụ vi phạm pháp luật về hành chính trên địa bàn tỉnh ta xảy ra còn nhiều. Các hành vi tập trung nhiều ở một số lĩnh vực như: vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý hành chính về trật tự xã hội; quản lý xuất, nhập cảnh; phòng cháy, chữa cháy và môi trường; vận chuyển pháo, gỗ lậu, ma túy tổng hợp, vật liệu nổ qua biên giới; lấn, chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình trái phép; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; kinh doanh, vận chuyển hàng hóa nhập lậu; vi phạm về giá, nhãn mác hàng hóa và an toàn thực phẩm...

Nguyên nhân chủ yếu của tình trang trên là do một số quy định của pháp luật chưa được tôn trọng và thực thi một cách nghiêm minh; ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của một số đối tượng vi phạm chưa cao, nhất là đối với những trường hợp bị áp dụng hình thức phạt tiền; một số đối tượng sau khi bị xử phạt cố tình lẩn tránh, trì hoãn thi hành quyết định xử phạt; cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và điều kiện bảo đảm cho công tác XLVPHC còn hạn chế.

Mặt khác, một số lĩnh vực lực lượng XLVPHC còn mỏng; việc cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính gặp khó khăn vì một số đối tượng chây ì, không có tài khoản cá nhân, một số không có nơi ở ổn định, là dân nghèo không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản của các đối tượng vi phạm cũng không có giá trị để kê biên; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm còn hạn chế; việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND quyết định còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa phát huy được hiệu quả...

Bên cạnh đó, từ thực tiễn thực hiện luật XLVPHC trên địa bàn tỉnh ta còn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc từ chính các quy định của pháp luật trong XLVPHC như: một số hành vi vi phạm, ranh giới giữa XLVPHC hoặc để chuyển hóa xử lý hình sự chưa thật rõ nét nên đôi lúc còn lúng túng trong thực hiện; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm XLVPHC như: tạm giữ người vi phạm hành chính với thời hạn theo quy định còn quá ngắn nên nhiều trường hợp lực lượng thi hành công vụ không đủ thời gian xác minh các thông tin cần thiết để áp dụng các biện pháp khác hoặc để có hướng giải quyết....

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý XLVPHC, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thi hành pháp luật về XLVPHC; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật XLVPHC và các văn bản pháp luật có liên quan bằng các hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về XLVPHC trong cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ XLVPHC cho các cá nhân có thẩm quyền XLVPHC. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp trong công tác XLVPHC để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm hành chính bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo luật định....

Ngọc Hải-Hồng Luyến