.

Bao giờ sông Gianh hết bị "rút ruột"?

Thứ Ba, 05/09/2017, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhiều năm qua, tại sông Gianh (đoạn qua địa bàn huyện Tuyên Hóa) đã diễn ra tình trạng khai thác cát, sạn trái phép. Việc làm này đã góp phần gây xói lở bờ sông, hư hỏng các công trình đê kè và ảnh hưởng xấu tới môi trường. Trước thực tế đó, những năm gần đây, các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương dọc sông Gianh đã tăng cường triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn.

Sông Gianh bị ... "rút ruột"

Tình trạng các đối tượng khai thác cát trái phép lén lút, thậm chí có những thời điểm ngang nhiên, "rút ruột" sông Gianh (đoạn qua địa bàn Tuyên Hoá) không phải là vấn đề mới, nhưng luôn "nóng" tại nhiều cuộc họp từ cấp tỉnh, huyện, địa bàn khu dân cư, đặc biệt là sau mỗi đợt lũ lụt. Trên các phương tiện thông tin đại chúng 5 năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng phản ánh về nạn khai thác cát sạn trái phép dọc tuyến sông Gianh.

Một thuyền hút cát ngay cạnh tấm biển
Một thuyền hút cát ngay cạnh tấm biển "Cấm khai thác cát trái phép lòng sông" ở xã Phong Hoá.

Và trong những đợt đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện, xã tiến hành tiếp xúc với cử tri ở Tuyên Hoá, đã có rất nhiều lượt ý kiến của cử tri phản ánh về tình trạng khai thác cát sạn trái phép trên sông Gianh, góp phần gây nên tình trạng sạt lở, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Để hiểu rõ hơn về thực trạng này, những ngày cuối tháng 8-2017, chúng tôi đã đi thực địa dọc theo sông Gianh (đoạn qua địa bàn huyện Tuyên Hoá) để chứng kiến, tìm hiểu về hoạt động khai thác cát sạn trái phép tại đây.

Đi dọc sông Gianh đoạn từ xã Châu Hoá đến Mai Hoá (huyện Tuyên Hoá), chúng tôi tận mắt bắt gặp nhiều chiếc thuyền đang nổ máy hút cát sạn. Những chiếc “vòi rồng” đổ ào ạt nước lẫn cát sạn lên thuyền. Một anh nông dân với nước da đen sạm, trạc tuổi tứ tuần đang làm cỏ bên bờ sông bức xúc nói: “Chả biết cơ quan chức năng cấp phép theo quy trình, vị trí như thế nào, nhưng dân làng tui thấy thuyền hút cát sạn ồ ạt, gần khu vực nhà dân, đất sản xuất nông nghiệp. Hút cát kiểu đó mà không gây sạt lở mới lạ.

Tuyến bờ kè Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố cho xã Châu Hoá để giữ đất, giữ làng, vậy mà giờ đây sạt lở toang hoác ở nhiều đoạn. Có những vị trí sạt lở kéo dài đến hàng chục mét, rất nguy hiểm. Trước đây họ chỉ khai thác mạnh vào ban đêm và ở giữa lòng sông. Bây giờ thì ngày đêm gì họ cũng làm, thậm chí còn cho ống hút cắm sâu vào phía mép sông. Nguyên nhân sạt lở cũng từ những chiếc thuyền hút cát đó mà ra cả”.

Tiến lên phía thượng nguồn sông Gianh, nơi gần với ngọn Rào Trổ hợp lưu với ngọn Rào Nậy, lòng sông hiện đầy những cồn cát nham nhở do thuyền hút cát tạo ra. Hai bên bờ sông ở địa bàn xã Mai Hóa nhiều nơi bị sạt lở. Những bụi tre ngày xưa nằm trên đất liền nay đã rơi tõm xuống mép nước, một số gốc đã bung chờ ngã tuột xuống sông. Các cụ cao niên ở xã Mai Hoá cho biết, nhiều đoạn sông do sạt lở đã lấn sâu vào làng tới hơn 30 mét.

Từ vị trí cầu Minh Cầm tiếp tục đi ngược lên địa bàn xã Phong Hoá, chúng tôi bắt gặp một tấm biển đặt dọc Quốc lộ 12 A ghi rõ: "Cấm khai thác cát trái phép lòng sông". Cách đó chừng hai chục mét, một chiếc thuyền hút cát đang nổ máy ngang nhiên "rút ruột" sông Gianh, mặc cho nhiều người đi đường tỏ vẻ bức xúc.

Tại thôn Yên Tố (xã Phong Hoá), có 13 hộ dân sống trong vùng sạt lở, rất cần được cấp trên hỗ trợ để di dời khẩn cấp. Nguyên do nhà ở của các hộ nói trên đang cách mép sông Gianh chừng 5 mét, có hộ chỉ cách khoảng 2 mét. Đáng ngại hơn, cách vị trí sạt lở này khoảng 200 mét, chúng tôi ghi được hình ảnh hai chiếc thuyền hút cát đang hoạt động rất "tích cực".

Bà Hồ Thị Bích Hà, Chủ tịch UBND xã Phong Hoá thừa nhận: Chúng tôi đã nhiều lần nghe người dân trong xã phản ánh về tình trạng khai thác cát sạn trái phép. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay chỉ phát hiện, xử phạt được 3 trường hợp, phạt tiền 6 triệu đồng. Nguyên nhân là do các chủ thuyền luôn có “vệ tinh” báo động để đối phó, hễ có đoàn kiểm tra nào bắt đầu rục rịch là họ đã biết trước để... nghỉ làm.

Không riêng gì bà Hà, rất nhiều lãnh đạo của các xã dọc sông Gianh ở địa bàn huyện Tuyên Hoá đều thừa nhận tại địa phương mình vẫn còn tình trạng “rút ruột" sông Gianh trái phép mà chưa được ngăn chặn triệt để. Chính tình trạng này đã góp phần gây nên việc sạt lở bờ sông, ảnh hưởng xấu tới môi trường, bức xúc trong nhân dân...   

Cần tăng cường giám sát, ngăn chặn

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 22-12-2015 tại Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND, trên địa bàn huyện Tuyên Hoá được quy hoạch 11 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, với tổng diện tích 3,8 ha, trữ lượng dự báo khoảng 1 triệu m3.

Báo cáo từ các lực lượng chức năng huyện Tuyên Hoá thông tin rõ hơn, hiện nay tuyến sông Gianh qua địa bàn huyện Tuyên Hoá có 8 đơn vị được cấp phép khai thác cát đang hoạt động gồm: Công ty TNHH Hùng Cường, Công ty TNHH Miền Tây, Công ty TNHH Đức Toàn, Doanh nghiệp tư nhân Sơn Hà, Công ty TNHH TM Toàn Phát, Chi nhánh Công ty TNHH KT-KT- XD Hoàng Gia, hai hộ kinh doanh Hoàng Văn Lưu và Lê Minh Quyết mới được cấp phép khai thác tại xã Đức Hoá vào đầu năm 2017...

Thượng tá Trần Ngọc Sự, Phó trưởng Công an huyện Tuyên Hoá, Trưởng đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát sỏi trên tuyến sông Gianh, đoạn qua địa bàn huyện Tuyên Hoá cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, đoàn liên ngành đã xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi để triển khai thực hiện.

Sông Gianh sạt lở đến sát nhà dân thôn Yên Tố, xã Phong Hoá.
Sông Gianh sạt lở đến sát nhà dân thôn Yên Tố, xã Phong Hoá.

Đặc biệt, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5-2017, đoàn liên ngành đã chủ động mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép liên tục 24 giờ mỗi ngày. Trong đợt này, đoàn liên ngành đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ/11 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 30 triệu đồng. Chính nhờ việc tăng cường đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi, tuyến sông Gianh đoạn qua địa bàn huyện Tuyên Hoá cơ bản đã được chấn chỉnh, hạn chế tối đa tình trạng "chảy máu" tài nguyên...

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như năm nào lực lượng liên ngành của huyện Tuyên Hoá cũng triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn tình trạng “rút ruột" sông Gianh. Tuy nhiên, do vẫn còn lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát nên đã khiến việc ngăn chặn nạn hút cát, sỏi trên địa bàn vẫn chưa thực sự triệt để. Thượng tá Trần Ngọc Sự chia sẻ thêm với chúng tôi về hành vi, thủ đoạn của các đối tượng khai thác cát trái phép đã bị các lực lượng chức năng phát hiện trong thời gian qua, đó là khai thác cát sạn ở những nơi không đúng với quy định.

Trong quá trình thực hiện việc "rút ruột" sông Gianh trái phép tại khu vực xã Tiến Hoá, Văn Hoá (Tuyên Hoá), khi biết được có lực lượng chức năng đến kiểm tra, các đối tượng đã cho thuyền chạy về địa phận huyện Quảng Trạch quản lý, khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Hay một số thuyền khai thác cát tại địa bàn Tuyên Hoá nhưng lại về bán cho địa bàn Quảng Trạch, gây thất thu cho ngân sách địa phương.

Tiếp đến, tuyến sông Gianh qua địa bàn huyện Tuyên Hoá có tới 8 đơn vị được cấp phép khai thác cát, nhưng do trữ lượng được cấp khá thấp dẫn tới tình trạng các đơn vị lén lút khai thác vượt trữ lượng được cấp phép. Khi đoàn liên ngành đến kiểm tra hoá đơn, chứng từ xuất bán thì các đơn vị này cho dừng hoạt động khai thác vì sợ vượt quá trữ lượng được cấp. Ngoài ra, một số mỏ cát do được cấp từ lâu, hiện đang có dấu hiệu cạn kiệt mà chưa được thăm dò, đánh giá lại trữ lượng cũng khiến cho cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn...

Văn Minh