.

Công tác thi hành án dân sự: Luôn đối mặt với khó khăn

Thứ Sáu, 23/06/2017, 09:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Thi hành án dân sự (THADS) là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, ngành THADS luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ...

Đương sự chây ỳ, chống đối 

Điển hình là vụ án bà N.T.H (phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn) phải trả nợ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín số tiền (gốc và lãi) là gần 3,4 tỷ đồng theo quyết định công nhận sự  thoả thuận của TAND huyện Quảng Trạch ngày 18-3-2013.

Mặc dù tự nguyện thỏa thuận trả nợ, song đến thời hạn thanh toán bà H. vẫn không thực hiện cam kết trả nợ. Căn cứ vào đơn yêu cầu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Chi Cục THADS huyện Quảng Trạch đã thụ lý và ra quyết định thi hành án, buộc bà H phải có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín số tiền là 3.358.177.000 đồng (trong đó tiền gốc là 2,7 tỷ đồng, tiền lãi trên 658 triệu đồng); tài sản thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho khoản vay trên là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của bà H. gồm  giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được UBND huyện Quảng Trạch cấp.

Do đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án, nhưng bà H. không thực hiện nghĩa vụ trả nợ nên tài sản thế chấp đã bị kê biên để bán đấu giá. Ngày 5-8-2014, Trung tâm bán đấu giá tài sản tỉnh đã bán đấu giá đối với tài sản trên với số tiền trên 2,1 tỷ đồng; người mua được tài sản đấu giá là ông Đ.M.P và bà N.T.T.N (phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn), người mua đã nộp tiền đầy đủ và chi trả cho bên thi hành án.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án, ông T.Q.S và bà T.T.D  là người đang chiếm giữ tài sản bất hợp pháp của bà H đã không tự nguyện giao nộp tài sản cho người mua tài sản mà xin được thương lượng mua lại tài sản và được bên mua tài sản đồng ý.

Thế nhưng, khi đến thời hạn thực hiện cam kết, ông S. và bà D. đã không thực hiện như cam kết và cho rằng đây là tài sản của ông, bà. Chi cục THADS huyện Quảng Trạch đã giải thích, hướng dẫn cho ông S. và D. khởi kiện ra toà án nhưng hết thời hạn ông S. và D. vẫn không khởi kiện.

Cán bộ THADS kê biên tài sản, cưỡng chế tài sản thi hành án.
Cán bộ THADS kê biên tài sản, cưỡng chế tài sản thi hành án.

Tiếp đến là vụ án tranh chấp xảy ra ở xã Yên Hoá (Minh Hoá). Ông Đ.M.L và bà Đ.T.D có nghĩa vụ phải trả lại quyền sử dụng đất cho bà  Đ.T.C (trú tại xã Quy Hoá, huyện Minh Hoá). Căn cứ vào bản án số 15/2014/DSPT, ngày 29-12-2014 của TAND tỉnh, Chi cục THADS huyện Minh Hoá đã ra quyết định thi hành án.

Nội dung ra quyết định là buộc ông Đ.M.L và bà Đ.T.D phải trả lại quyền sử dụng đất diện tích 439m2, gồm đất ở và đất trồng cây lâu năm cho bà Đ.T.C buộc ông Đ. H. N là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải di dời ngôi nhà gỗ và các công trình phụ trợ khác ra khỏi vùng đất tranh chấp đất nói trên...

Khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, ông L. và bà D. và ông N. không thực hiện di dời tài sản và trả lại đất cho bà C. theo bản án và quyết định thi hành án đã được ban hành. Chi cục THADS huyện Minh Hoá đã phải ra quyết định cưỡng chế theo đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục. Tuy nhiên, người phải thi hành án là ông L. và bà D. không chấp hành, trái lại còn hô hào họ hàng chống đối quyết liệt việc cưỡng chế thi hành án và dùng lời lẽ xúc phạm chấp hành viên thi hành án cùng Hội đồng cưỡng chế...

Đây là 2 vụ án điển hình đã khiến cho công tác THADS luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thi hành nhiệm vụ.

Giải quyết dứt điểm các vụ án vướng mắc, tồn đọng...

Theo báo cáo từ Cục THADS tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017, các cơ quan THADS đã thụ lý được 2.380 việc với tổng số tiền thụ lý trên 324 tỷ đồng. Tổng số việc phải thi hành là 2.364 việc, trong đó có 1.893 việc có điều kiện thi hành, 471 việc chưa có điều kiện thi hành. Trong số việc có điều kiện thi hành, cơ quan THADS đã thi hành xong 1.359 việc... Ngoài ra, các cơ quan THADS cũng đã tiếp 134 lượt công dân, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2016 và đã giải quyết xong 18/18 đơn thư khiếu nại...

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan THADS với Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan hỗ trợ tư pháp, trại giam, trại tạm giam luôn được duy trì, nhất là trong phối hợp giải quyết những vụ việc có vướng mắc, khó khăn... Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phối hợp cưỡng chế 6 vụ việc, trong đó, số vụ việc cưỡng chế thành công là 5 vụ (đạt tỷ lệ 83,3%), 1 vụ việc cưỡng chế không thành công...

Bên cạnh kết quả đạt được,  công tác THADS thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là, một số vụ việc tín dụng, ngân hàng, doanh nghiệp liên quan đến tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất sau khi kê biên tài sản, bán đấu giá không giao được tài sản; sự phối hợp, thống nhất quan điểm và áp dụng pháp luật giữa cơ quan THADS với các cơ quan hữu quan trong một số vụ việc chưa tốt, thiếu cụ thể dẫn đến việc thi hành án vướng mắc, kéo dài...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ THADS trong thời gian tới, một số giải pháp đã được ngành THADS đưa ra, đó là: tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan hữu quan, cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan THADS trong thực hiện các biện pháp giải quyết án, nhất là các vụ án có vướng mắc, khó thi hành, án tồn động nhiều năm; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra công tác triển khai thực hiện quy chế phối hợp trong công tác THADS; đề xuất các giải pháp giải quyết từng vụ việc cụ thể để đi đến thống nhất cách thức giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, ảnh hưởng về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Bên cạnh đó, cần nêu cao tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của của thành viên Ban chỉ đạo THADS các cấp trong công tác chỉ đạo phối hợp giải quyết THADS. Ngoài ra, đối với những vụ việc thi hành án mà đối tượng phải thi hành là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thì phải có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo đúng quy định của pháp luật...

Ngọc Hải