.
Tòa án nhân dân tỉnh:

Cải cách tư pháp qua các phiên tòa mẫu

Thứ Năm, 11/05/2017, 09:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 20-4-2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án trọng điểm đối với bị cáo Nguyễn Văn Nam bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh truy tố về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, được xem như phiên tòa mẫu để rút kinh nghiệm.

>> Giết bạn, lãnh án 16 năm tù giam

Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-5-2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành hiệu quả và hiệu lực cao”.

Nghị quyết 49-NQ/TW đồng thời xác định nhiệm vụ cho ngành Tòa án: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Trong lộ trình triển khai Nghị quyết 49-NQ/TW, Chánh án TAND Tối cao ban hành Chỉ thị số 01/2017/CT-CA ngày 16-1-2017 về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 của các tòa án. Chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; đồng thời giao chỉ tiêu mỗi thẩm phán trong hệ thống TAND các cấp năm 2017 phải chủ tọa xét xử ít nhất một phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm.

Tại tỉnh Quảng Bình, làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cũng đặt ra yêu cầu mỗi năm, TAND tỉnh phải tổ chức ít nhất 3 phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Các phiên tòa mẫu có sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy và các ngành liên quan.

Phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm xét xử vụ án Nguyễn Văn Nam phạm tội “Giết người”.
Phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm xét xử vụ án Nguyễn Văn Nam phạm tội “Giết người”.

Thực hiện chủ trương trên, ngày 20-4-2017, TANDtỉnh Quảng Bìnhtổ chức phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án trọng điểm đối với bị cáo Nguyễn Văn Nam bị VKSND tỉnh truy tố về tội “Giết người” theo điểm n, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự để rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Tham dự phiên tòa có ông Nguyễn Thanh Xuân, Thẩm phán cao cấp, Chánh án TAND tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; các Phó Chánh án TAND và Thẩm phán TAND tỉnh. Dự phiên tòa còn có đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, lãnh đạo VKSND tỉnh, các Kiểm sát viên VKSND tỉnh.

Trên cơ sở xác định phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm, các nguyên tắc tố tụng được tiến hành dân chủ, công bằng và nghiêm minh theo đúng pháp luật. Cáo trạng của VKSND tỉnh nêu rõ: khoảng 7 giờ ngày 17-10-2016, Nam cùng 5 người bạn uống cà phê, trong khi ngồi tại quán, Nam nhiều lần gọi điện thoại cho anh Trần Văn Dưỡng, sinh năm 1982, trú tại tổ dân phố 6, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới là bạn của Nam nhằm đòi lại số tiền 7,5 triệu đồng mà anh Dưỡng mượn trước đó để cùng Nam tham gia đánh bạc nhưng anh Dưỡng không đến.

Uống cà phê xong, cả nhóm rủ nhau đi ăn trưa, Nam tiếp tục gọi cho anh Dưỡng nhưng không được. Sau đó Nam nhờ một người bạn chung trong nhóm điện thoại thì anh Dưỡng tới. Ngồi ăn uống, Nam nhắc đến số tiền nợ nhưng anh Dưỡng trả lời không có, hai bên lời qua tiếng lại. Anh Dưỡng đứng dậy đi về thì Nam yêu cầu quay lại nói chuyện, anh Dưỡng không nghe, dọa gọi người đến đánh Nam.

Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, Nam rút con dao bấm thủ sẵn trong người đâm anh Dưỡng một nhát trúng vào cổ và tử vong trên đường đi cấp cứu. Gây án xong, Nam vứt dao xuống vũng nước ven đường rồi đón xe khách bỏ trốn. Ngày hôm sau đối tượng tự ra đầu thú tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình.

Quá trình xét xử, Hội đồng xét xử tập trung vào những nội dung được đưa ra tranh tụng liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo. Hội đồng xét xử tôn trọng, lắng nghe ý kiến tranh tụng, phát biểu của các bên liên quan: đại diện VKSND giữ quyền công tố; luật sư Hồ Lý Hải, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình, người bào chữa cho bị cáo; lời khai bị cáo, bị hại và những người liên quan.

Chủ tọa điều hành tranh tụng tại phiên tòa cùng các Hội thẩm nhân dân đặt ra những câu hỏi, xác định những vấn đề cốt lõi, trọng tâm của vụ án giết người để các bên như luật sư, đại diện VKSND tranh luận với nhau, hướng việc tranh tụng đi đúng vào những vấn đề làm sáng tỏ các tình tiết vụ án, động cơ giết người của bị cáo.

Cũng trong phiên tòa mẫu tranh tụng này, đại diện VKSND giữ quyền công tố cùng với Hội đồng xét xử chủ động trong xét hỏi. Công tác xét hỏi theo đúng trình tự quy định nhằm làm rõ các tình tiết, chứng cứ phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn Nam trên cơ sở tôn trọng quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng.Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nam 16 năm tù về tội “Giết người” quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 93, Bộ Luật hình sự. Bản án thể hiện rõ tính nghiêm minh của pháp luật, đúng người, đúng tội.

Sau phiên tòa, TAND tỉnh tiến hành tổ  chức họp rút kinh nghiệm trên cơ sở Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30-3-2017 của TAND Tối caovề công tác tổ chức phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Từ việc tổ chức phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Nam phạm tội “Giết người”, Hội đồng xét xử được Ban Nội chính Tỉnh ủy, VKSND và TAND tỉnh nhận xét, đánh giá những mặt được và những tồn tại trong quá trình xét xử theo 5 nội dung trong hướng dẫn của TAND Tối cao.

Kết quả, từ phiên tòa mẫu này đã giúp Hội đồng xét xử, các Thẩm phán tham dự phiên tòa rút ra nhiều kinh nghiệm quývề áp dụng pháp luật trong quy trình xét xử; kỹ năng điều hành tranh tụng; kỹ năng xét hỏi; kỹ năng xử lý các tình huống pháp lý xảy ra tại phiên tòa; công tác chuẩn bị cho việc tổ chức phiên tòa; tác phong, trang phục, lời lẽ ứng xử, bản lĩnh nghề nghiệp của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử...

Thanh Long