.

Khai thác thủy sản tận diệt: Đừng để biển "chết"

Thứ Ba, 16/05/2017, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc nhiều người dân sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản trên biển nhằm đem lại sản lượng lớn là việc làm mang tính chất tận diệt, hủy hoại môi trường sinh thái của các loài thủy sản. Đồng thời, nhanh chóng đẩy các vùng nước bị đánh bắt theo kiểu tận diệt thành “vùng nước chết”, gây ô nhiễm môi trường nước và đe dọa trực tiếp tính mạng người đánh bắt.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta việc người dân sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là nhiều tàu làm nghề mành chụp, giã cào ở các địa phương ven biển như Nhân Trạch, Quang Phú, Bảo Ninh... còn kết hợp với việc sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản trên biển nhằm đem lại sản lượng lớn.

Tình trạng trên không những xảy ra trên biển mà ở các các khu vực sông suối, đầm phá, ao hồ từ sông Gianh, sông Nhật Lệ đến khu vực phá Hạc Hải... việc người dân khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc đang trở thành vấn đề nóng gây bức xúc dư luận.

Ngày 31-12-2013, UBND tỉnh đã có Quyết định số 29/2013 QĐ-UBND về ban hành Quy chế quản lý hoạt động khai thác thủy sản ở các vùng biển ven bờ và vùng nước nội địa tỉnh Quảng Bình. Theo đó, UBND tỉnh nghiêm cấm các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản cũng như phân cấp quản lý hoạt động khai thác thủy sản cho các huyện, thị xã trong địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do sự vào cuộc chưa thực sự mạnh mẽ của chính quyền địa phương mà tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên sông Nhật Lệ.
Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên sông Nhật Lệ.

Nhằm khắc phục trình trạng trên, trong những năm qua, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã phối hợp các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò của nguồn lợi thủy sản, pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt các quy định nghiêm cấm các hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản đến các chủ tàu cá, ngư dân có hoạt động khai thác thủy sản.

Ngoài công tác tuyên truyền, Chi cục còn tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay đã thanh tra được 6 đợt, xử lý hành chính 27 trường hợp tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, xử phạt gần 178 triệu đồng, tịch thu 17 bộ kích điện, qua đó góp phần đầy lùi tình hình vi phạm trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Hoàng Viết Thông, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Để giải quyết tình trạng, sử dụng các phương pháp, phương tiện đánh bắt thủy sản có tính chất hủy diệt, lực lượng Kiểm ngư của Chi cục đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ các đối tượng nghi vấn tàng trữ, buôn bán vật liệu nổ để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn.

Đặc biệt, đơn vị đã quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tạo điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân các huyện ven biển bằng các hình thức như góp vốn đóng mới tàu có công suất lớn để vươn khơi, thành lập các đội tàu hỗ trợ nhau đánh bắt trên biển.

“Mặc dù, các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động đến từng ngư dân cũng như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nhưng do ý thức của một số bộ phận người dân chưa cao, chế tài xử phạt không đủ sức răn đe nên tình trạng này vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lợi thủy sản và môi trường biển” ông Thông nói.

Từ thực trạng trên, để bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường nước cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa của các cấp chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, và trên hết chính là ý thức chấp hành pháp luật về thủy sản của mỗi người dân, của xã hội. Từ đó, tạo ra sự đồng bộ, thống nhất cao trong công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản sản trên địa bàn tỉnh.

Hiền Phương