.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Những kết quả nổi bật (tiếp theo và hết)

Chủ Nhật, 23/04/2017, 21:28 [GMT+7]

(QBĐT) - 2. Về lĩnh vực cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán; công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

Về công tác cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán có tiến bộ ở hầu hết các cấp chính quyền, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP phê duyệt chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020… Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ; triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020. Thiết lập và công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn.

Cụ thể, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đơn giản hóa 4.219/4.712 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 89,5%). Đã thiết lập và công bố bộ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm 102.911 hồ sơ thủ tục hành chính và 9.855 hồ sơ văn bản có liên quan về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet. Chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ ở mỗi cấp.

Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt những kết quả tích cực. Theo đó, trên cơ sở Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg, ngày 28-5-2007, Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg, ngày 4-5-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Quy chế phát ngôn và tổ chức việc cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã quan tâm thực hiện việc kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm trong thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, từ năm 2006-2015 đã kiểm tra 64.242 cơ quan, đơn vị, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý 2.406 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.

3. Lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế:

Việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định về quản lý kinh tế - xã hội đã được quan tâm thực hiện, có tác dụng thiết thực trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách, thuế, hải quan, đầu tư công, đấu thầu, đấu giá tài sản, xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, doanh nghiệp, đầu tư, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, Quốc hội (khóa XII, XIII) đã ban hành 175 Bộ luật, Luật; Chính phủ đã ban hành 1.311Nghị định, 604 Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ ban hành 6.110 Chỉ thị, quyết định trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng. Trong 10 năm qua cả nước đã ban hành mới hơn 34.885 văn bản và sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ 27.120 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực.

Các bộ, ngành Trung ương cũng đã quan tâm xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có tác dụng phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Cụ thể, Bộ Tài chính (3.032 văn bản); Bộ Khoa học và Công nghệ (287 văn bản); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (14 văn bản); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2.986 văn bản); Bộ Tư pháp (17 văn bản); Bộ Xây dựng (457 văn bản); Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giao thông vận tải; Thanh tra Chính phủ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (58 văn bản); Bộ Xây dựng (457 văn bản); Bộ Quốc phòng (137 văn bản).

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã tập trung và có nhiều cố gắng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ PCTN, lãng phí tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ cho công tác PCTN, LP trước mắt cũng như lâu dài. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 45 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành mới 42.168 văn bản; sửa đổi, bổ sung trên 55.416 văn bản để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Luật PCTN. Đến nay, hệ thống pháp luật nói chung trong đó có pháp luật về PCTN, LP đang dần được hoàn thiện đồng bộ, cơ bản bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý cho công tác PCTN, lãng phí.

Phòng Bạn đọc
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)