.

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cần chủ động, kiên quyết và kiên trì

Thứ Hai, 24/04/2017, 17:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 26-12-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí (LP). Thực hiện Kết luận số 10-KL/TW, ngày 21-2-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 28-KH-TU tập trung vào 9 nhóm giải pháp cơ bản, trên tinh thần chủ động, kiên quyết, kiên trì, liên tục, vững chắc trong công tác PCTN, LP.

Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy làm việc với Ban Nội chính Tỉnh ủy.

Kết luận của đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Trường trực Tỉnh ủy tại hội nghị giao ban khối Nội chính quý I-2017 nhấn mạnh: “Công tác PCTN, LP đạt được một số kết quả bước đầu; các cơ quan trong khối Nội chính đã tập trung xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng được phát hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Tuy nhiên, công tác PCTN nhìn chung chưa đạt yêu cầu, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhân dân; các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, chủ yếu phát hiện qua báo chí, qua tố cáo của nhân dân; việc tự phát hiện hành vi tham nhũng trong từng cơ quan, đơn vị còn yếu”.

Theo số liệu từ Ban Nội chính cung cấp, trong 10 năm (2006-2016), trên phạm vi cả nước, cơ quan điều tra khởi tố 3.337 vụ án với 7.789 bị can; VKSND truy tố 2.770 vụ án, 6.480 bị can; TAND xét xử 2.536 vụ án, 5.749 bị cáo liên quan đến các tội danh tham nhũng. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, UBKT các cấp tiến hành kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng; cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật 3.730 đảng viên và UBKT các cấp thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái. Qua hoạt động thanh tra, phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng, số tiền, tài sản liên quan 1.022 tỷ đồng và 73,6 ha đất.

Tại tỉnh Quảng Bình, các vụ án tham nhũng đưa vào danh mục án trọng điểm, án được dư luận xã hội quan tâm trình Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý theo tinh thần Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị. Năm 2016, TAND tỉnh xét xử một số vụ án tham nhũng như: vụ án Võ Hồng Thái cùng đồng bọn phạm tội “tham ô tài sản” xảy ra tại UBND xã Nhân Trạch; vụ án “tham ô tài sản” tại Trường mầm non xã Ngân Thủy; vụ án “chiếm đoạt tài sản” tại xã Hoàn Trạch... Các vụ án tham nhũng trong tỉnh nhìn chung quy mô nhỏ, ở đơn vị cơ sở, chưa điều tra, phát hiện được các vụ tham nhũng lớn. Một số vụ án hình phạt cho bị cáo còn quá nhẹ hoặc cho bị cáo hưởng án treo thiếu tính thuyết phục.

Đồng chí Trần Hải Châu, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết: “Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh về vai trò nêu gương, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong PCTN, trong xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Qua đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí; tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh đó, nội dung các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Kết luận số 10-KL/TN cụ thể, phù hợp với nội dung PCTN, LP tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), xác định rõ trách nhiệm cho các chủ thể. Một số nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác cán bộ; về PCTN, LP được khẳng định lại, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm, thể hiện tính thống nhất, đồng bộ trong chủ trương, đường lối của Đảng.

Kết luận số 10-KL/TW chú ý kết hợp các hoạt động có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tương hỗ nhau mang tính quy luật trong xây dựng mục tiêu, quan điểm và các nhiệm vụ, giải pháp làm cho nội dung bảo đảm khoa học, đồng bộ và toàn diện hơn: kết hợp phòng- chống; thường xuyên- cấp bách; kiên quyết- kiên trì; tăng thẩm quyền- tăng cường giám sát; tăng trách nhiệm- cải cách chế độ công vụ, cải cách chính sách tiền lương...”

Cũng theo đồng chí Trần Hải Châu, trên tinh thần chủ động, kiên quyết, kiên trì, liên tục, vững chắc trong công tác PCTN, LP, Kế hoạch số 28-KH/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra các nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp căn cơ nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN, LP cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội về PCTN, LP. Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN, LP với phương châm: đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng giữ chức vụ cao càng phải gương mẫu. Gắn công tác PCTN, LP với thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ làm công tác PCTN, LP. Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng, ban hành các quy định, cụ thể hóa các văn bản pháp luật để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi công tác PCTN, LP.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, LP; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, LP. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để ngăn ngừa tham nhũng, LP; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, LP. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, LP. Từng bước mở rộng hoạt động PCTN, LP ra khu vực ngoài nhà nước theo quy định.

Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, LP trở thành nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách. Qua đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần tích cực vào ổn định an ninh chính trị, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

Thanh Long