.

An toàn giao thông nông thôn: Không thể lơi lỏng

Thứ Tư, 12/04/2017, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là đã có sự vào cuộc của người dân góp công, hiến đất trong việc mở đường GTNT. Tuy nhiên, đi cùng với hệ thống GTNT được mở rộng cũng là sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông, cộng với ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến tình hình ATGT khu vực nông thôn trong tỉnh hiện nay diễn biến khá phức tạp.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Theo số liệu từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, trong năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông (TNGT) ở khu vực nông thôn, làm 11 người chết, 6 người bị thương. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2015 giảm 6 vụ, 4 người chết và 2 người bị thương nhưng có thể thấy, tình hình trật tự ATGT tại khu vực nông thôn vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

 Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là tình trạng thường gặp tại các khu vực nông thôn.
Không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là tình trạng thường gặp tại các khu vực nông thôn.

Hai yếu tố chính khiến trật tự ATGT nông thôn thời gian qua diễn biến khó kiểm soát, là sự kém hiểu biết, thiếu ý thức chấp hành, coi thường Luật Giao thông đường bộ của không ít người dân và hạ tầng GTNT phát triển không đồng bộ, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT.

Có thể thấy, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường GTNT của nhiều địa phương đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp ngày càng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Tuy nhiên có một thực tế là, mặc dù được cải tạo, mở rộng, nâng cấp, bê tông hoá nhưng nền đường GTNT thường nhỏ hẹp, thiếu hệ thống chiếu sáng, biển báo, thiết bị bảo đảm ATGT, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây cối.

Hơn thế nữa, ở không ít địa phương, hệ thống đường giao thông đang trong tình trạng xuống cấp, bụi mù về mùa nắng và lầy lội về mùa mưa trong khi phương tiện giao thông, nhất là xe máy ngày một gia tăng khiến cho công tác bảo đảm ATGT gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng có lẽ nguyên nhân đáng lo ngại hơn cả là ý thức của người tham gia giao thông. Nhiều người dân khu vực nông thôn hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ còn hạn chế, vô tư điều khiển phương tiện khi chưa có bằng lái, chở quá số người quy định, sử dụng rượu bia, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy...

Trao đổi với chúng tôi, trung tá Từ Nhật Tú, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: Thực tế cho thấy, người tham gia giao thông tại khu vực nông thôn thường có tâm lý “đi một tí trong xã, trong làng nên không đội mũ bảo hiểm”. Kỹ năng lái xe của người dân hạn chế, nhưng rất chủ quan không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, say rượu, bia, nhưng vẫn lái xe.

Đặc biệt, nhiều thanh, thiếu niên ở nông thôn chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn vô tư điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thêm vào đó, hiện lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT tại khu vực nông thôn còn mỏng, nên những vi phạm về trật tự ATGT diễn ra hàng ngày, hàng giờ, song hầu như không bị xử lý.

Mặc dù Bộ Công an đã có văn bản cho phép, hướng dẫn công an xã, thị trấn tham gia bảo đảm trật tự ATGT, được xử lý các hành vi vi phạm, nhưng những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở các tuyến đường liên thôn, liên xã lại dễ được bỏ qua vì cùng làng, cùng xã. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT diễn ra mọi lúc, mọi nơi, ở mọi tuyến đường gây không ít khó khăn cho công tác bảo đảm ATGT.

Để không còn nỗi lo

Vấn đề bảo đảm ATGT trên các tuyến đường GTNT trong tỉnh đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu TNGT nói chung và ở vùng nông thôn nói riêng, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mà trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức cho người dân.

Cụ thể, cần tuyên truyền những kiến thức pháp luật về trật tự ATGT; vận động người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn khi đi mô tô, xe máy; tuân thủ tốc độ quy định, chú ý quan sát khi đi từ nhà ra đường, từ đường phụ ra đường chính.

Có thể thấy, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đã được triển khai nhưng chưa thường xuyên, sâu rộng mà mới chủ yếu ở những đợt cao điểm; chưa có sự tập trung đúng mức vào các đối tượng cần được tuyên truyền là thanh thiếu niên, người lái xe chuyên nghiệp dẫn tới hiệu quả không cao.

Do vậy, để người dân có thể chuyển biến từ nhận thức đến hành động, công tác tuyên truyền cần được thường xuyên, liên tục gắn liền với các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt văn hóa và việc xây dựng xã nông thôn mới. Về lâu dài, song song với việc nâng cấp mặt đường cũng cần quy hoạch hành lang GTNT, lắp đặt các biển báo và các thiết bị ATGT, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính, đường thôn ra đường xã, đường xã ra đường huyện...

Hệ thống đường GTNT của nhiều địa phương bị xuống cấp gây mất ATGT.
Hệ thống đường GTNT của nhiều địa phương bị xuống cấp gây mất ATGT.

Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác vận động nhân dân phát quang cây cối, tường rào che khuất tầm nhìn trên tuyến đường liên thôn, liên xã, các điểm giao cắt. Cùng với tuyên truyền, nhắc nhở, phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân; gắn rõ trách nhiệm vai trò của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội và lực lượng chức năng trong bảo đảm trật tự ATGT, thực hiện có thưởng, phạt, xếp loại thi đua của từng cá nhân, đơn vị.

Đặc biệt, các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là Công an huyện, Công an xã tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường thường xảy ra tai nạn.

Bảo đảm ATGT nông thôn nhất thiết phải có sự tham gia của lực lượng công an xã, thị trấn. Do vậy, trước hết chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự ATGT, tích cực chỉ đạo lực lượng công an đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật về ATGT và tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và pháp luật có liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lực lượng công an các xã, thị trấn để nắm và vận dụng có hiệu quả vào quá trình công tác.

Công tác bảo đảm trật tự ATGT nông thôn là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các lực lượng chức năng và đặc biệt là chính quyền, người đứng đầu chính quyền địa phương. Vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các lực lượng chức năng trong thực hiện công tác này.

T.A