.

Những góc khuất của dịch vụ cầm đồ

Thứ Bảy, 18/03/2017, 12:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, kinh doanh dịch vụ cầm đồ trở thành nghề khá phổ biến trên địa bàn tỉnh ta, nhất là ở TP. Đồng Hới, với lợi nhuận mang lại khá cao. Với số lượng ngày càng nhiều, cùng với những "hoạt động ngầm" của loại hình dịch vụ này đã và đang khiến không ít người dân lo ngại. Bởi lẽ, đằng sau hoạt động và những góc khuất của dịch vụ cầm đồ đã để lại hệ lụy khó lường...

Hiện diện khắp nơi

Để hiểu rõ hơn về góc khuất của dịch vụ cầm đồ ở TP. Đồng Hới, trong vai một người cần tiền gấp, chúng tôi đã mang một chiếc xe máy đi cầm cố. Tại một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, (khu vực tập trung khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ), sau khi trình bày nguyện vọng muốn cầm cố chiếc xe máy, chủ tiệm xem qua chiếc xe, định giá và bảo tôi đưa giấy tờ ra để làm thủ tục.Tuy nhiên, khi phát hiện chiếc xe máy không có giấy tờ “chính chủ”, chủ cơ sở này khăng khăng không cho cầm, mặc cho chúng tôi nài nỉ...

Trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Đồng Hới có rất nhiều tiệm cầm đồ đang hoạt động.
Trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.Đồng Hới có rất nhiều tiệm cầm đồ đang hoạt động.

Chúng tôi lại đến một tiệm cầm đồ nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, chủ tiệm cương quyết: cầm xe máy thì phải có giấy tờ “chính chủ”, trong trường hợp không có giấy tờ “chính chủ” thì phải có giấy ủy quyền của chính chủ mới cầm được, nếu không lực lượng chức năng đến kiểm tra thì phiền hà lắm...

Không thực hiện được việc cầm cố chiếc xe máy của mình, chúng tôi đã đổi sang phương án cầm cố tài sản bằng chiếc máy tính xách tay, thì tuyệt nhiên mọi việc lại diễn ra rất suôn sẽ. Đa số các cơ sở mà chúng tôi đến cầm cố, chủ tiệm chỉ xem qua chiếc máy tính và định giá ngay, không cần hỏi gì về nguồn gốc tài sản.

Tìm hiểu thêm về hoạt động của các cơ sở dịch vụ cầm đồ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với H. (xin được giấu tên), hiện đang kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên đường Trần Hưng Đạo. Ông H. cho biết: Hiện nay trên địa bàn TP. Đồng Hới, có rất nhiều người đến cơ sở cầm đồ để cầm cố tài sản, chủ yếu là điện thoại di động, máy tính, xe máy... Hầu hết các tiệm đều cho cầm cố các loại tài sản này khá dễ dàng. H. cũng cho biết thêm, thoạt nhìn bên ngoài, các tiệm cầm đồ hoạt động theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật, nhưng bên trong vẫn tồn tại những “hoạt động ngầm”.

Và để đối phó với các cơ quan chức năng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường có các “chiêu trò”: đối với các loại xe máy không có giấy tờ “chính chủ”, hoặc chủ cơ sở nhận diện được đó là tài sản ăn trộm, không minh bạch thìvẫn cho cầm cố nhưng lại ép tài sảnvới giá rẻ.

Sau đó, thay vì đểxe tại tiệm cầm đồ như các tài sản có giấy tờ khác, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã đem những tài sản này đi cất giấu ở địa điểm khác, nhằm tránh trường hợp khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, hay tìm kiếm tang vật trong vụ án liên quan.

Các mặt hàng điện tử là tài sản được cầm cố dễ nhất tại các tiệm cầm đồ.
Các mặt hàng điện tử là tài sản được cầm cố dễ nhất tại các tiệm cầm đồ.

“Các mặt hàng dễ cầm cố như: máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh và các mặt hàng điện tử khác... có nguồn gốc không rõ ràng, các cơ sở cầm đồ thường xử lý ngay, khi cơ quan chức năng có đến kiểm tra thì họ bao biện rằng, do chủ tài sản không đến lấy đúng hẹn nên đã bán cho người khác rồi để tránh liên lụy. Nhiều cơ sở cầm đồ ngoài thực hiện chức năng cầm cố tài sản như giấy phép kinh doanh đã được cấp còn thực hiện thêm một số chức năng như: cho vay các hoạt động tài chính; lập các hợp đồng mua, bán xe, tài sản...

Riêng đối với xe máy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ thường chỉ giữ lại giấy tờ xe chứ không giữ tài sản (được hợp thức bằng hợp đồng cho thuê, mượn xe máy) để tránh gặp phải những trường hợp kiện cáo, liên quan đến pháp luật của chủ tài sản...” - H. cho biết thêm.

Rất dễ “tiếp tay” cho tội phạm

Thực tế cho thấy, dịch vụ cầm đồ là một trong các loại nghề kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Không ít cơ sở cầm đồ trở thành nơi chứa chấp, tiêu thụ tài sản không rõ nguồn gốc, tài sản do người khác phạm tội mà có... làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.

Thiếu tá Bùi Văn Vịnh, Phó Đội trưởng, đội quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP. Đồng Hới) cho biết, hiện nay trên địa bàn TP. Đồng Hới có 75 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm cố tài sản đã được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật; trung bình hàng năm có khoảng 7-9 cơ sở đăng ký mới. Năm 2016, Công TP. Đồng Hới đã xử phạt hành chính 5 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, với số tiền hơn 9 triệu đồng do các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ cầm cố tài sản không chính chủ, không chấp hành các điều kiện về an ninh trật tự, không báo cáo định kỳ...

Có thể nói, chính sự dễ dãi của không ít các chủ tiệm cầm đồ đã vô tình biến các cơ sở này thành nơi “tiếp tay” cho tội phạm. Mới đây, sau nhiều lần hoãn, Tòa án nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử, tuyên phạt Đoàn Thị Nhàn (SN 1976) tạm trú ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới 15 năm 9 tháng tù giam; Nguyễn Thái Lệ (SN 1975) trú ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới 15 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo nội dung vụ án, trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 22-5-2014, Nhàn và Lệ đã lừa các chủ xe ô tô bằng việc giả danh là cán bộ của Công ty đa ngành nghề chi nhánh Quảng Bình có nhu cầu thuê xe ô tô tự lái đưa cán bộ đi làm việc rồi lấy 6 xe ô tô đưa đi cầm cố vớisố tiền gần 770 triệu đồng.

Và trong khoảng thời gian từ ngày 17-4 đến 15-5-2014, Nhàn đã lừa bà Nguyễn Thị Hương (trú phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) bằng việc nói dối là thuê xe máy cho cán bộ Công ty đa ngành nghề chi nhánh Quảng Bình đi lại làm việc, để chiếm đoạt của bà Hương 8 xe mô tô đi cầm đồ lấy 152 triệu đồng.

Chủ của 6 cơ sở cầm đồ mà Nhàn, Lệ đã thực hiện hành vi cầm cố tài sản “không chính chủ”, không có giấy ủy quyền của chính chủ đã bị xử phạt hành chính với số tiền 3.000.000đ/cơ sở. Hội đồng xét xử còn kiến nghị, cơ quan chức năng cần xem xét, hủy bỏ, thu hồi các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã xử phạt đối với những người có hành vi vi phạm hành chính để ra quyết định xử phạt khác theo đúng tính chất, mức độ, số lần vi phạm; áp dụng hình phạt bổ sung thỏa đáng đối với các chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ...

Hiện nay, ngoài được cấp phép cầm đồ, nhiều cơ sở còn được cấp kèm theo giấy phép mua, bán xe máy.
Hiện nay, ngoài được cấp phép cầm đồ, nhiều cơ sở còn được cấp kèm theo giấy phép mua, bán xe máy.

Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Bùi Văn Vịnh  cho biết thêm, hoạt động của các dịch vụ cầm đồ có tính ổn định không cao, chủ yếu làm theo mùa vụ khi có các sự kiện đi kèm. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng có những biến tướng làm cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, rắc rối đó là, bây giờ các cơ sở cầm đồ khi đi vào không phải là cơ sở cầm đồ mà là các cơ sở tư vấn, cho vay tài chính.

Mặt khác, có một số cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ còn được cấp kèm theo giấy phép kinh doanh mua bán xe máy. Cùng một địa điểm, cơ sở được cấp giấy phép cho 2 nhóm dịch vụ kinh doanh nên đơn vị chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát.

Qua tìm hiểu được biết, định kỳ Công an TP. Đồng Hới phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra giấy phép kinh doanh, hoạt động của các cơ sở kinh doanh cầm đồ. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ quản lý được bề nổi, còn các “hoạt động ngầm” của các cơ sở kinh doanh cầm đồ rất khó bị phát hiện.

Do đó, để chấn chỉnh hoạt động của dịch vụ cầm đồ, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động này một cách liên tục, triệt để. Mặt khác, cầncó chế tài xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh cầm đồ hoạt động không đúng quy định của pháp luật...

Đình Phong