.

Hỏi đáp về Luật Thống kê 2015

Thứ Bảy, 11/02/2017, 13:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu hỏi: Điều tra viên thống kê là ai? Quyền và nghĩa vụ của điều tra viên thống kê?

- Trả lời:

1. Khoản 9 Điều 3 Luật Thống kê 2015 quy định: Điều tra viên thống kê là người được cơ quan, tổ chức tiến hành điều tra thống kê trưng tập, huy động để thực hiện việc thu thập thông tin của cuộc điều tra thống kê.

2. Điều 34 Luật Thống kê 2015 quy định điều tra viên thống kê có quyền và nghĩa vụ sau:

2.1. Điều tra viên thống kê có các quyền:

a) Độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ trong thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

b) Được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra thống kê, được trang bị phương tiện phục vụ công việc thu thập thông tin và được trả công;

c) Yêu cầu đối tượng điều tra thống kê cung cấp thông tin theo phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.

2.2. Điều tra viên thống kê có các nghĩa vụ:

a) Thực hiện thu thập thông tin theo đúng phương án điều tra thống kê và hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê;

b) Giữ bí mật thông tin thu thập từ tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê;

c) Giao nộp tài liệu, phiếu điều tra theo hướng dẫn của cơ quan tiến hành điều tra thống kê.

- Câu hỏi: Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước được quy định như thế nào?

- Trả lời:

Điều 36 Luật Thống kê 2015 quy định về sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước như sau:

1. Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước là hình thức thu thập dữ liệu, thông tin thống kê về đối tượng nghiên cứu cụ thể từ dữ liệu hành chính. Dữ liệu hành chính sử dụng cho hoạt động thống kê nhà nước là dữ liệu thống kê.

2. Nội dung sử dụng dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê nhà nước gồm:

a) Tổng hợp số liệu thống kê, biên soạn các chỉ tiêu thống kê và lập báo cáo theo chế độ báo cáo thống kê;

b) Lập hoặc cập nhật dàn mẫu cho điều tra thống kê;

c) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê.

3. Cơ sở dữ liệu hành chính được sử dụng trong hoạt động thống kê nhà nước gồm:
a) Cơ sở dữ liệu về con người;
b) Cơ sở dữ liệu về đất đai;
c) Cơ sở dữ liệu về cơ sở kinh tế;
d) Cơ sở dữ liệu về thuế;
đ) Cơ sở dữ liệu về hải quan;
e) Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm;
g) Cơ sở dữ liệu hành chính khác.

4. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu hành chính phục vụ yêu cầu quản lý và hoạt động thống kê nhà nước.

- Câu hỏi: Cơ sở dữ liệu về con người gồm những cơ sở dữ liệu nào?

- Trả lời:

Cơ sở dữ liệu về con người gồm những cơ sở dữ liệu mà thông tin trong đó chủ yếu về con người như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; Cơ sở dữ liệu quốc gia về thống kê tổng hợp về dân số...

- Câu hỏi: Cung cấp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu cho hoạt động thống kê nhà nước được quy định như thế nào?

- Trả lời:

Điều 37 Luật Thống kê 2015 quy định cung cấp dữ liệu trong cơ sở dữ liệu cho hoạt động thống kê nhà nước như sau:

1. Nội dung dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Thống kê được cung cấp cho hoạt động thống kê nhà nước gồm:

a) Danh mục các trường dữ liệu có liên quan và dữ liệu;

b) Định dạng dữ liệu, định nghĩa và các thuộc tính có liên quan của trường dữ liệu;

c) Phương thức, tần suất và thời gian cung cấp dữ liệu.

2. Các điều kiện bảo đảm cho việc cung cấp, tiếp nhận dữ liệu gồm cơ sở hạ tầng thông tin, nguồn nhân lực và tài chính.

3. Cơ quan thống kê trung ương có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hành chính xác định cụ thể các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật thống kê.

Theo tài liệu của Tổng cục Thống kê

(Còn nữa)