.
Thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm về TTATXH:

Huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm

Thứ Sáu, 06/01/2017, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 2 năm (2014-2016) thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, hoạt động của một số loại tội phạm có thời điểm diễn biến khá phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng táo bạo và quyết liệt hơn, đặc biệt tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng còn chiếm tỷ lệ cao (3,2%).

Theo thống kê, từ tháng 12-2014 đến tháng 11-2016, toàn tỉnh xảy ra 1.241 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 16 người, bị thương 181 người (giảm 77 vụ, giảm 6 người chết, giảm 193 người bị thương so với 2 năm trước liền kề), thiệt hại tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã khám phá 1.124 vụ, điều tra làm rõ 1.994 đối tượng; phát hiện, xử lý 1.026 vụ vi phạm pháp luật khác.

Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ trái phép.
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ trái phép.

Năm 2016, tỉnh ta chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố ô nhiễm môi trường biển, những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm, tình hình phức tạp trên các lĩnh vực an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn. Trong năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 589 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 8 người, bị thương 117 người, tài sản thiệt hại trên 8,8 tỷ đồng.

Trong đó, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội tuy giảm về số vụ so với năm 2015 nhưng tính chất, mức độ nguy hiểm gia tăng, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tinh vi, manh động hơn, đã xảy ra 513 vụ (chiếm 87,1%), chủ yếu là cố gây thương tích, trộm cắp tài sản; tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp, đã phát hiện, bắt giữ 58 vụ (chiếm 9,85%), một số vụ vận chuyển, mua bán ma túy với số lượng lớn; tội phạm về kinh tế và chức vụ xảy ra 13 vụ, tội danh chủ yếu là vận chuyển hàng cấm và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tội phạm về môi trường xảy ra 5 vụ với các tội danh hủy hoại rừng, vi phạm quy định về bảo vệ động vật quý hiếm.

Về tệ nạn xã hội, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 84 vụ đánh bạc; 2 vụ hoạt động mại dâm; 72 vụ sử dụng trái phép chất ma túy.

Thực hiện kế hoạch của Chính phủ chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho Ban Chỉ đạo 138 các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Mặt trận, các sở, ban, ngành, đoàn thể tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại, và tổ chức chuyển hóa theo kế hoạch.

Theo đó, các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa là những địa bàn được đánh giá trọng điểm, phức tạp về TTATXH, dựa trên các tiêu chí như: có số vụ phạm pháp pháp hình sự, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội chiếm tỷ lệ cao; tập trung nhiều đối tượng tù tha về, đối tượng có điều kiện, khả năng, nguy cơ phạm tội cao; phức tạp về tệ nạn ma túy; địa bàn biên giới; thường xuyên có xảy ra tranh chấp đất đai, đền bù giải phòng mặt bằng, khiếu kiện đông người, gây rối trật tự công cộng; tập trung đông dân cư, nhiều hoạt động của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện... mà các loại đối tượng thường lợi dụng để phạm tội và vi phạm pháp luật.

Trên cơ sở đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương trong rà soát, lựa chọn chuyển hóa các địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH trên 2 tuyến biên giới. Kết quả, đã rà soát, lựa chọn được 19/159 xã, phường, thị trấn để tiến hành chuyển hóa. Trong 2 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các mặt công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật với công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa.

Cụ thể: Mặt trận các cấp đã tổ chức tuyên truyền, triển khai các nội dung các kế hoạch của Chính phủ và UBND tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, 159 xã, phường, thị trấn và 1.296 khu dân cư; kết hợp công tác tuyên truyền pháp luật với nhiều hình thức phong phú như thông qua các hội nghị, các buổi họp dân, các buổi nói chuyện chuyên đề; qua hệ thống loa phát thanh; biên tập, cấp phát 23 chuyên đề với hơn 3.000 tập tài liệu tuyên truyền.

Ngoài ra, Mặt trận các cấp đã tổ chức được hơn 2.000 buổi tuyên truyền pháp luật với trên 200.000 lượt người tham dự. Ngành Tư pháp phối hợp tổ chức 119 hội nghị tuyên truyền pháp luật, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, giáo dục pháp luật. Đài PT-TH tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả chuyên mục “Pháp luật và đời sống”; Báo Quảng Bình duy trì, tuyên truyền hiệu quả chuyên mục “Pháp luật và bạn đọc”. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã phát hành trên 1.000 bản tin và trên 30.000 tờ rơi, tờ gấp về phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng và tu sửa 10 cụm pa nô; làm hơn 100 áp phích, băng rôn tại nơi công cộng, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, mại dâm.

Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên tuyền pháp luật tại địa bàn các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tuyến biển; trong đó tập trung tuyên truyền các quy định của pháp luật trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các vi phạm pháp luật trên tuyến biên giới; bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngoài ra, lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Mặt trận và các ngành, đoàn thể duy trì, nhân rộng các mô hình điểm như “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “Khu dân cư phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS”, “Thôn an toàn làm chủ về ANTT”; xây dựng mới 27 mô hình, điển hình như mô hình “Xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy”; mô hình “Trường-xã, phường bảo đảm ANTT”; mô hình “Học sinh làm nhiều việc tốt vì ANTT”; mô hình “Trẻ xong pha, già chung sức”... Đến nay, toàn tỉnh có 68 mô hình đang hoạt động có hiệu quả.

Về công tác điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, các lực lượng chức năng đã mở 4 đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT; tăng cường lực lượng bám cơ sở, bám địa bàn đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa, lực lượng Công an phát hiện, điều tra làm rõ 385 vụ phạm pháp hình sự và vi phạm pháp luật xảy ra (đạt tỷ lệ 96%), xử lý 536 đối tượng.

Công an huyện Minh Hóa thu giữ vũ khí, vật liệu nổ.
Công an huyện Minh Hóa thu giữ vũ khí, vật liệu nổ.

Các mặt công tác quản lý nhà nước về ANTT được tăng cường nhằm quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh, nhập cảnh, các cơ sở, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại pháo; phát hiện, xử lý kịp thời tệ nạn cờ bạc, mại dâm, sử dụng ma túy, mê tín dị đoan, tán phát văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực gia đình...

Theo đánh giá các nhóm tiêu chí sau 2 năm thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, tại các địa phương được lựa chọn đã giảm 68 vụ, 105 đối tượng (giảm 17% so với 2 năm trước khi chuyển hóa). Như vậy, sau 2 năm triển khai và tổ chức thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH, cơ bản tỉnh ta đã đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra; huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng lực lượng chức năng tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm TTATXH địa bàn cơ sở.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật được chú trọng; phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển đa dạng về hình thức, đổi mới nội dung phù hợp với thực tiễn. Do vậy, tình hình ANTT ở trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và tại các địa bàn được lựa chọn chuyển hóa nói riêng được kiềm chế đáng kể.

Tuy nhiên, công tác chuyển hóa trên một số mặt còn hạn chế như: hiệu quả công tác chuyển hóa chưa đồng đều giữa các địa phương; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tuy đã được kiềm chế nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhiều địa bàn tăng trên một số tiêu chí; tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp; việc rà soát, lựa chọn địa bàn để tiến hành chuyển hóa chưa thật phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế ở một số địa phương...

Toàn tỉnh có 19 địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATXH được lựa chọn để chuyển hóa, bao gồm: xã Cam Thủy, thị trấn nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy); Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh); Lộc Ninh, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới); Thanh Trạch (Bố Trạch); Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn); Quảng Đông, Quảng Tùng, Cảnh Dương (Quảng Trạch); Kim Hóa (Tuyên Hóa); thị trấn Quy Đạt, Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Sơn, Hóa Tiến, Thượng Hóa và Trung Hóa (Minh Hóa).

M.V