.

Trợ giúp pháp lý: Cầu nối đưa pháp luật ngày càng gần dân

Thứ Sáu, 16/12/2016, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người chưa thành niên... Thông qua trợ giúp pháp lý, nhận thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên, từ đó, có những hành vi ứng xử đúng pháp luật...

Từ những vụ án được… giảm án

Bước ra từ hội trường xét xử của TAND tỉnh, gia đình bị cáo Hoàng Thanh  Ngọc  ở huyện Tuyên Hóa rất vui mừng vì bản án trước đó TAND huyện Tuyên Hóa tuyên đã được Hội đồng xét xử TAND tỉnh xem xét giảm án. Kết quả  đó, trước hết là nhờ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ án.

Theo nội dung vụ án, vào cuối tháng 2-2016, Ngọc cùng một số bạn bè uống rượu tại nhà. Trong cuộc nhậu, Ngọc và một người bạn xảy mâu thuẫn, sau đó cả hai đánh nhau. Do bức xúc vì bị đánh nên Ngọc đã lấy rựa tìm chém người bạn. Với hành vi đó, Ngọc đã bị TAND huyện Tuyên Hóa tuyên phạt 15 tháng tù vì tội “Cố ý gây thương tích”.

Theo gia đình bị cáo Ngọc, khi phạm tội Ngọc là người chưa thành niên nên thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Vì vậy Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước  tỉnh đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho Ngọc. Tại phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho Ngọc, được hưởng án treo vì trong quá trình điều tra Ngọc thành khẩn khai báo, là người chưa thành niên, phạm tội lần đầu... Các đề nghị của trợ giúp viên pháp lý đã được Hội đồng xét xử chấp nhận và cho Ngọc được hưởng án treo.

Trước đó, TAND thành phố Đồng Hới đã đưa ra xét xử vụ án hình sự trộm cắp tài sản đối với bị cáo Ngô Văn Minh. Vì bị cáo Minh là người chưa thành niên, nên theo yêu cầu của gia đình và cơ quan CSĐT Công an TP. Đồng Hới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo trong vụ án này.

Theo nội dung vụ án, trong lúc người bạn của mình đang ngủ, Minh đã lấy trộm 2 điện thoại di động đi cất giấu, sau đó hô hoán có trộm. Trong quá trình đấu tranh khai thác, Minh đã thừa nhận hành vi trộm cắp tài sản của mình. Do vậy, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm, Minh đã bị TAND TP. Đồng Hới tuyên phạt 6 tháng tù.

Tư vấn pháp luật tại chỗ cho những người được diện trợ giúp pháp lý.
Tư vấn pháp luật tại chỗ cho những người được diện trợ giúp pháp lý.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử phúc thẩm, nhờ tranh luận của trợ giúp viên pháp lý với các yếu tố như: Minh là người chưa thành niên còn hạn chế về mặt nhận thức, lần đầu phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, có nhân thân tốt, thật thà khai báo... nên Hội đồng xét xử TAND tỉnh đã chấp nhận sửa bản án và cho bị cáo Minh hưởng án treo.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều phiên tòa mà các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tham gia hỗ trợ cho người phạm tội. Qua đó cho thấy, việc tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại và  những người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án hình sự tại Tòa án của trợ giúp viên pháp lý, đã góp phần bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Góp phần đưa pháp luật ngày càng gần dân...

Ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: Với mục tiêu tạo điều kiện cho các “nhóm xã hội yếu thế” tiếp cận pháp luật, trong hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động tố tụng hình sự nói riêng, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý có vai trò hết sức quan trọng, góp phần xác định sự thật khách quan của vụ án, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác, giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình...

Theo ông Thành, năm 2016, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thụ lý, cử người tham gia tố tụng thực hiện trợ giúp pháp lý 120 vụ việc cho 120 đối tượng. Trong đó, trợ giúp viên pháp lý thực hiện 92 vụ việc (chiếm 76,7%), luật sư là cộng tác viên thực hiện 28 vụ việc (chiếm 28,3%).

Trong 120 vụ việc, có 95 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự, 22 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng dân sự, 3 vụ việc thuộc lĩnh vực tố tụng hành chính. Các đối tượng được trợ giúp pháp lý có 58 đối tượng là người chưa thành niên, 38 đối tượng là người nghèo, 4 đối tượng là người dân tộc thiểu số, 11 đối tượng là người có công với cách mạng, 8 đối tượng là người khuyết tật, 1 đối tượng là người già...

Ngoài ra, thông qua 72 điểm trợ giúp pháp lý lưu động, trung tâm đã trợ giúp pháp lý cho hơn 2.500 người và cấp phát, in ấn hơn 26.000 các loại tờ rơi pháp luật, sách pháp luật có nội dung liên quan đến trợ giúp pháp lý...

Từ những kết quả trên, có thể thấy, hệ thống trợ giúp pháp lý miễn phí giúp người nghèo, đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số... có thêm chỗ dựa và địa chỉ tin cậy tiếp cận với dịch vụ pháp lý, qua đó có điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Luật sư Lê Minh Tâm, Trưởng văn phòng luật sư Hướng Dương là cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết, trợ giúp pháp lý là chính sách lớn, có tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, từ  đó, có những hành vi ứng xử đúng pháp luật.

Cũng theo luật sư Tâm, đội ngũ cộng tác viên cũng gặp phải những khó khăn khi tham gia bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích cho bị hại, cũng như những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự như: nhận thức và sự hiểu biết pháp luật của bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đặc biệt là thủ tục hành chính tại một số cơ quan Nhà nước trong một số vụ án...

“Để công tác Trợ giúp pháp lý thực sự là cầu nối đưa pháp luật ngày càng gần dân thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về trợ giúp pháp lý; tăng cường vai trò trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giữ, tạm giam, người bị buộc tội, người bị hại và các đương sự khác về quyền được trợ giúp pháp lý.

Mặt khác, chú trọng và tăng cường cơ chế phản hồi thông tin liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chất lượng vụ việc trợ giúp, tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là công tác viên...”, ông Nguyễn Bá Thành, Phó Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết.

Ngọc Hải