.
Phòng, chống tham nhũng:

Thách thức trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 23/12/2016, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 5 năm triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” trên địa bàn tỉnh, nhiều mặt ưu điểm và hạn chế trong quá trình thực hiện đã được bộc lộ rõ. Đây là cơ sở để tỉnh ta ó sự nhìn nhận rất đúng thực tiễn của công tác này, kịp thời có giải pháp khắc phục những hạn chế.

Về mức độ, tỷ lệ hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra, tỉnh ta đạt hoàn toàn mục tiêu có 100% báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng để tuyên truyền, phổ biến tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đồng thời, mục tiêu có trên 95% cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành được quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức về pháp luật phòng, chống tham nhũng, nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đạt 100%.

Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là Sở Tư pháp-cơ quan Thường trực của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh- triển khai kịp thời, nghiêm túc.

Trong suốt quá trình triển khai các cơ quan, đơn vị, địa phương đã bám sát kế hoạch của UBND tỉnh và định hướng, chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp để tổ chức tuyên truyền sâu rộng, đậm nét, thiết thực. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện đề án trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương về vị trí, vai trò của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và công tác phổ biến giáo dục pháp luật, từ đó thường xuyên có sự quan tâm chỉ đạo trong việc triển khai công tác này.

Đồng thời, đề án đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt là trong thực thi công vụ, giải quyết các vấn đề liên quan đến công dân, doanh nghiệp.

Việc tổ chức triển khai thực hiện đề án đã cơ bản phổ biến kịp thời, đầy đủ những nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng liên quan thiết thực đến nhân dân trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Đề án cũng tạo điều kiện để cán bộ và nhân dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, giữ gìn trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả các hành vi tham nhũng.

Các mô hình mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, như: mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, mô hình điểm về tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh..., sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án vẫn còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế. Đó là sự phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký thực hiện Đề án đôi lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ, chưa thực sự chủ động trong nhiệm vụ được phân công.

Trong quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ yếu tập trung vào việc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn đơn vị cơ sở thực hiện, cho nên, phần lớn vẫn chưa triển khai sâu rộng các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung về phòng, chống tham nhũng. Mức chi cho hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật đã được quy định, nhưng khó thực hiện vì ngân sách khó khăn, thu không đủ chi, trong đó, có chi cho thực hiện đề án. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo có thời điểm chưa kịp thời, nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị về công tác phổ biến giáo dục pháp luật chưa cao.

Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, ý thức pháp luật còn thấp, chưa quan tâm đến giá trị của nhận thức pháp luật. Do đó, việc tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và về phòng, chống tham nhũng nói riêng vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương chưa được sâu sát, thường xuyên, chặt chẽ. Đội ngũ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời, khả năng cập nhật thông tin, văn bản pháp luật mới còn hạn chế.

Trong thời gian tới, đúc rút kinh nghiệm từ những ưu điểm và nhược điểm của quá trình triển khai đề án, tỉnh ta sẽ tiếp tục ban hành Đề án “Tăng cường tính hiệu quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh” trong giai đoạn mới. Bên cạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân pháp luật về phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo, dân chủ ở cơ sở; các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống tham nhũng...

Mai Nhân