.
Phòng, chống tham nhũng:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 09/12/2016, 12:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Một trong những thành tựu nổi bật nhất của tỉnh ta trong 5 năm triển khai Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” chính là sự đa dạng hóa, phong phú hóa, đi sâu vào trọng tâm trọng điểm đối với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, nhiều hình thức truyền thông mới, lồng ghép hiệu quả được thực hiện với sự đồng sức, đồng lòng của các cấp các ngành và chính quyền địa phương.

Trước hết, các hình thức tuyên truyền, phổ biến được tổ chức rất đa dạng, từ: hội nghị, nói chuyện chuyên đề, hòa giải ở cơ sở... cho đến xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng...

Vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng được phát huy cao độ thông qua việc xuất bản Bản tin Tư pháp; biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu có nội dung tuyên truyền luật; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và lồng ghép trong sinh hoạt của các câu lạc bộ; sinh hoạt Ngày pháp luật, hội thi, tọa đàm, thông qua trung tâm giáo dục cộng đồng, qua bản tin của các huyện, thành phố...

Theo thống kê, trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã lồng ghép tổ chức được khoảng 16.334 hội nghị, lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật... cho hơn 127.812 lượt người. Đồng thời, tỉnh ta đã cấp phát trên 245.972 cuốn tài liệu (sách, sổ tay, tài liệu khác), in ấn và phát hành 390.930 tờ gấp, 714.248 tấm (tờ) băng rôn, pa nô, áp phích, trong đó có lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Sự vào cuộc hiệu quả, kịp thời của các phương tiện truyền thông đại chúng được đánh giá cao thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình. Trong 5 năm qua, trên sóng phát thanh và truyền hình đã chuyển tải gần 5.000 tin, bài, phóng sự, 124 chuyên mục, 235 chương trình, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở đã phát trên 1.768 tin, bài phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nhiều tin, bài về phòng, chống tham nhũng.

Báo Quảng Bình đã đăng tải gần 500 tin, bài tuyên truyền về lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, đồng thời không ngừng cải tiến nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng nội dung của chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng”. Báo đã dành phần lớn thời lượng của chuyên mục “Pháp luật và bạn đọc” trên báo in hàng ngày, chuyên mục “Phòng, chống tham nhũng” trên Báo Quảng Bình cuối tuần và chuyên mục “Pháp luật” trên Báo Quảng Bình điện tử để thông tin kịp thời, chính xác đến bạn đọc tất cả các vụ việc tham nhũng được các cơ quan chức năng phát hiện hoặc đã xử lý theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực đa dạng và đổi mới hình thức tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh thông qua các câu lạc bộ pháp luật, tổ tư vấn pháp luật, sinh hoạt ngoại khóa, câu lạc bộ pháp luật, chương trình giáo dục, triển khai Ngày Pháp luật, qua phiên tòa xét xử lưu động, các nội dung về phòng, chống tham nhũng còn được lồng ghép trong việc tổ chức các hội thi, trang thông tin điện tử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát đầu tư cộng đồng, thanh tra, kiểm tra...

Trong 5 năm, tỉnh đã tổ chức hai hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp tỉnh (lần thứ V, thứ VI) và tham gia hội thi “Hòa giải viên giỏi” toàn quốc lần thứ III. Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua tổ chức hội thi hòa giải viên ở cấp xã kết hợp với tuyên truyền pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở đã góp phần phát huy vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn cuộc sống ngay tại cơ sở.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình về tuyên truyền pháp luật ở cấp cơ sở cũng thể hiện rõ thế mạnh trong việc đưa pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào thực tiễn cuộc sống, như: mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Toàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 258 “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư", riêng trong năm 2016 xây dựng thêm được 22 điểm sáng.

Trong thời gian tới, các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Quy chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản pháp luật quy định về công khai minh bạch tài chính trong hoạt động của cơ quan, đơn vị một cách thường xuyên, đồng thời chú trọng giáo dục ý thức pháp luật, nêu gương các điển hình tiêu biểu về phòng, chống tham nhũng, lên án những hành vi tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

M.N