.

Cần chung tay ngăn chặn hành vi trộm cắp điện

Thứ Năm, 22/12/2016, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, có không ít đối tượng trên địa bàn tỉnh ta tìm mọi cách để trộm cắp, vi phạm về sử dụng điện và quy định pháp luật. Hành vi này không chỉ gây nguy cơ mất an toàn cho con người mà còn làm thất thoát một lượng lớn điện năng của ngành điện.

Lắm kiểu trộm cắp điện

Theo số liệu thống kê từ Phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện (KTGSMBĐ), Công ty Điện lực Quảng Bình (ĐLQB) trong 11 tháng năm 2016, ĐLQB đã tổ chức kiểm tra phát hiện 1.134 vụ vi phạm sử dụng điện.

Trong đó, có 87 vụ trộm cắp điện, 681 vụ vi phạm giá điện, 2 vụ vi phạm công suất và 364 vụ vi phạm khác. Qua kiểm tra, ĐLQB đã thực hiện truy thu 116.291 kWh với số tiền thu hồi được hơn 738 triệu đồng. Số vụ vi phạm tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhìn chung đang ở mức cao và tình trạng trộm cắp điện vẫn còn khá phổ biến tại các địa phương.

Thực tế cho thấy, vì muốn trả tiền điện thấp hơn mức tiêu thụ thực tế, nhiều hộ khách hàng đã bất chấp, cố tình vi phạm nhằm thực hiện hành vi trộm cắp điện. Không chỉ làm thất thoát tài sản ngành điện, mất công bằng trong việc sử dụng điện, mà việc làm này còn có thể dẫn đến sự cố lưới điện, mất an toàn cho con người và ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Dù nguy hiểm là vậy, nhưng tình trạng trộm cắp điện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Qua kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, có nhiều kiểu trộm cắp điện đã được phát hiện như: Tác động phi pháp trực tiếp vào công tơ điện, thay đổi sơ đồ đấu dây để công tơ không hoạt động hoặc bị sai lệch; tác động bằng nam châm, máy tạo dòng làm chậm tốc độ quay của đĩa công tơ; phá chì niêm phong hộp công tơ rồi tháo cầu áp, đấu tắt cuộn dòng để công tơ chạy không chính xác hoặc câu móc trực tiếp trên lưới điện; bóc tách cáp trước công tơ để đấu nối, ngụy trang tinh vi để dùng điện không qua đo đếm...

Nhân viên điện lực kiểm tra công tơ sử dụng điện của các khách hàng.
Nhân viên điện lực kiểm tra công tơ sử dụng điện của các khách hàng.

Đây là những thủ đoạn mà các đối tượng trộm cắp điện sử dụng phổ biến hiện nay. Thậm chí, tại một số nơi ở khu vực nông thôn, đã xuất hiện một số đối tượng xấu có hiểu biết về điện “hỗ trợ” cho nhiều hộ khách hàng gian lận, dùng điện bất hợp pháp với nhiều hình thức khác nhau.

Nếu như trước đây hành vi trộm cắp điện thường xảy ra ở các doanh nghiệp, các hộ tiêu dùng có sản lượng sử dụng điện lớn, thì hiện nay đã mở rộng đến các đối tượng trộm cắp là các hộ sử dụng điện phục vụ đời sống sinh hoạt. Với hơn 80% khách hàng sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên tổng số gần 280.000 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn, việc quản lý vấn nạn trộm cắp điện của ĐLQB trong thời gian qua gặp không ít khó khăn.

Cần các giải pháp ngăn chặn đồng bộ

Ông Vũ Thanh Phong, Trưởng phòng KTGSMBĐ  cho biết: “Trong công tác phòng chống nạn trộm cắp điện, điều quan trọng là đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong sử dụng điện. Để công tác này ngày càng hiệu quả, bên cạnh nỗ lực tuyên truyền, kiểm tra của ngành điện thì cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp chặt chẽ với ngành điện kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp điện theo quy định...”.

Với khả năng chuyên môn của đội ngũ kiểm tra viên của ĐLQB hiện nay, việc phát hiện hành vi trộm cắp điện tại hiện trường là không khó. Nhưng để thuyết phục, buộc khách hàng vi phạm hợp tác, công nhận hành vi trộm cắp điện là không hề dễ dàng.

Vì vậy, sự có mặt chứng kiến của chính quyền sở tại khi phát hiện vụ việc là rất quan trọng. Thực tế, đã có trường hợp vi phạm nhưng khách hàng vẫn tỏ ra chống đối chính quyền và công an địa phương. Mặt khác, khách hàng sử dụng điện trải rộng khắp các địa bàn, kẻ trộm cắp điện tìm mọi cách, mọi thời điểm để vi phạm; việc theo dõi, giám sát chuyên môn cũng không phải liên tục, thường xuyên nên đây thực sự là vấn đề khó khăn, thách thức đối với hoạt động kiểm tra sử dụng điện của ngành điện.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 134/2013/NĐ-CP, ngày 17-10-2013 của Chính phủ về việc xử phạt hành chính các hành vi trộm cắp điện, hầu hết các trường hợp vi phạm đều được ĐLQB chuyển hồ sơ sang cơ quan thẩm quyền để xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương chưa xử lý thật sự quyết liệt, nên việc giải quyết xử phạt hành chính chỉ đạt khoảng 65% trên tổng số trường hợp vi phạm.

Nguyên nhân chủ yếu là do một số UBND xã/phường chưa cương quyết trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, vì khách hàng vi phạm là bà con sinh sống trên địa bàn nên thường nể nang. Nhiều trường hợp chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt theo đúng quy định nên tính răn đe chưa nghiêm.

Song song với việc kiểm tra, để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện và ngăn ngừa, hạn chế trộm cắp điện, thời gian qua, ĐLQB đã chủ động rà soát, kiểm tra các địa bàn sử dụng điện có tỷ lệ tổn thất điện năng cao, cải tạo các hệ thống lưới điện cũ mà đối tượng xấu có khả năng tác động vào để trộm cắp điện.

Cùng với đó, ĐLQB đã tiến hành biên soạn nội dung tuyên truyền ngăn ngừa các hành vi vi phạm sử dụng điện, cung cấp danh sách các hộ vi phạm sử dụng điện cho các ban, ngành, đoàn thể, UBND các địa phương; xây dựng kế hoạch kiểm tra, báo cáo cụ thể về các trường hợp trộm cắp điện theo định kỳ hằng tháng, quý đến UBND các xã, huyện và tổng hợp báo cáo các trường hợp vi phạm đã xử lý. Đồng thời, ngành điện lực cùng với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực phòng chống trộm cắp điện và nâng cáo ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

Mặt khác, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề trên, ĐLQB đã làm việc Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp cùng công ty triển khai kế hoạch tuyên truyền các hành vi bị cấm trong hoạt động sử dụng điện, cũng như các quy định  xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực.

Ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện sẽ góp phần giảm tổn thất điện năng thương mại, tăng cường kỷ cương trong kinh doanh và góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Hiệu quả công tác này không chỉ ở việc lập được nhiều biên bản xử phạt và thu hồi được khoản tiền do trộm cắp điện, mà quan trọng hơn là ở việc giáo dục, phòng ngừa và nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng. Ngăn chặn tình trạng này sẽ giảm thiểu thiệt hại cho ngành điện, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng của người dân trong sử dụng điện.

Hoàng Chương