.
Phòng, chống tham nhũng:

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 14/10/2016, 15:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh; cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động như: công khai các nội quy, quy chế; công khai quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; công khai tài chính; công khai về đấu thầu các công trình có nguồn vốn từ ngân sách; công khai công tác tiếp nhận, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và quản lý cán bộ... trên phương tiện thông tin đại chúng, Website của đơn vị, địa phương, niêm yết tại nơi làm việc; cung cấp số điện thoại đường dây nóng, tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân tham gia quản lý, giám sát.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, rà soát sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ, định mức tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước như: Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế định mức tiêu chuẩn trang thiết bị và phương tiện làm việc.

Việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, các quy tắc đạo đức nghề nghiệp từng bước được chú trọng. Đến nay đã có 21/21 cơ quan cấp tỉnh và 8/8 huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện và niêm yết công khai quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng Quy chế văn hóa công sở bảo đảm đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, toàn tỉnh đã tập trung thực hiện Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung quy định danh mục các vị trí công tác có thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Hầu hết, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm phổ biến, quán triệt mục đích, ý nghĩa và nội dung của Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể để định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.

Căn cứ Quy định số 01-QĐ/TU về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng quy định trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị thuộc diện cấp mình quản lý và tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt, ký cam kết trách nhiệm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Việc ban hành quy định và tổ chức ký cam kết nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu; đồng thời từng bước rà soát, điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát việc thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch giai đoạn III (2016-2020) với mục tiêu hoàn thiện thủ tục hành chính theo hướng công khai, đơn giản, thuận lợi; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính. Mục tiêu của tỉnh là đến cuối năm 2016 có 100% cơ quan Nhà nước ứng dụng, khai thác có hiệu quả các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh như: cổng thông tin điện tử, thư điện tử công vụ, quản lý văn bản và điều hành, báo cáo trực tuyến.

Công tác thanh tra, phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra cũng được đẩy mạnh. Vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng đúng mức. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng được khẳng định qua các hoạt động như giải quyết tốt nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo, điều tra, xử lý có hiệu quả một số vụ việc liên quan đến các tội danh trong nhóm tội tham nhũng. Các cơ quan như Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tập trung kiện toàn, củng cố bộ phận chuyên trách theo dõi, phụ trách về công tác PCTN.

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã bố trí cán bộ, công chức thanh tra, thanh tra viên kiêm nhiệm làm công tác theo dõi, tổng hợp, báo cáo về hoạt động PCTN; đồng thời, tăng cường thực hiện giải pháp nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, đẩy mạnh xử lý những vụ việc tham nhũng đã xảy ra, tập trung rà soát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng. Một số vụ việc được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm túc, thu hồi tài sản do hành vi vi phạm gây ra.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện sai phạm tham nhũng, lãng phí ở một số lĩnh vực mà dư luận quan tâm còn ít, chưa triệt để, do đó chưa có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa sai phạm. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, xã chưa có bộ phận chuyên trách theo dõi, tổng hợp công tác này, do đó hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp trong PCTN còn nhiều khó khăn...

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

Cùng với việc phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, đảng viên trong PCTN, cần tăng cường công tác biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình và có biện pháp bảo vệ người tố cáo để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham PCTN.

Qua đó, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.   

P.V