.

Vì sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao?

Thứ Ba, 27/09/2016, 08:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi mà thực tế giá trị của "tấc đất" giờ đây đã trở thành "tấc vàng", theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thì hễ cứ nói đến đất đai là có khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo (KN, TC). Tuy nhiên, đó không phải là điều kiện để phát sinh KN, TC, mà cơ bản là do những hạn chế trong công tác quản lý đất đai của chính quyền các địa phương.

Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, trong các nội dung KN, TC thì lĩnh vực đất đai luôn chiếm số lượng lớn. Cụ thể, năm 2014, khiếu nại về đất đai chiếm 56,7%; tố cáo vi phạm Luật Đất đai chiếm 42,7%. Năm 2015, khiếu nại về đất đai chiếm 22,5%; tố cáo chiếm 26,7%.

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, khiếu nại về đất đai là 22,5%; tố cáo vi phạm Luật Đất đai chiếm 26,7%. Các khiếu nại về đất đai và tố cáo vi phạm Luật Đất đai không phải thỉnh thoảng mới xuất hiện, mà diễn ra thường xuyên, năm này qua năm khác. Khách quan mà nói thì không hẳn các KN, TC này đều đúng.

Theo kết quả giải quyết, phân loại có khoảng trên dưới 10% là KN, TC đúng. (Năm 2014, khiếu nại đúng: 16,2%; tố cáo đúng: 12,6%. Năm 2015, khiếu nại đúng: 8,4%; tố cáo đúng: 16,5%. 6 tháng đầu năm 2016, khiếu nại đúng: 8,47% và tố cáo đúng chỉ chiếm 8,33%).

Tuy nhiên, không phải vì thế mà không có sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai. Năm 2014, thông qua việc thanh tra cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy CNQSDĐ), cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi 36 giấy CNQSDĐ cấp không đúng quy định, với diện tích 1.378.942m² đất; 2 giấy CNQSDĐ cấp sau ngày 1-7-2004 để thiết lập lại hồ sơ; 1 giấy CNQSDĐ để cấp lại theo đúng mục đích sử dụng; thu hồi 5.127m² đất, trả lại cho công dân 2.967m² đất. Năm 2015, qua công tác giải quyết KN, TC đã thu hồi trả lại cho công dân 2.534m²; thu hồi giao UBND xã quản lý 10,6ha đất; thu hồi lại cho ngân sách nhà nước gần 76 triệu đồng.

Đáng chú ý hơn là trong những năm trở lại đây, KN, TC về việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng đột biến. Nếu như năm 2014 chỉ chiếm 21,8%, thì năm 2015 con số này lên đến 61,5% và 6 tháng đầu năm 2016 là 63,5%. Phải chăng, công tác thu hồi đất, bồi thường đang có "vấn đề", khiến cho quyền lợi của người dân không được bảo đảm, hay do các đơn vị, địa phương thiếu công khai, minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục bồi thường?

Những hạn chế trong công tác quản lý đất đai của chính quyền các địa phương là nguyên nhân phát sinh KN, TC.
Những hạn chế trong công tác quản lý đất đai của chính quyền các địa phương là nguyên nhân phát sinh KN, TC.

Theo ông Trần Xuân Cầm, Phó Chánh Thanh tra tỉnh thì, một số khâu trong trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đã không được chính quyền cấp cơ sở thực hiện đầy đủ. Từ đó dẫn đến có chuyện thiếu công khai, minh bạch trong phương án bồi thường. Vẫn có tình trạng một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến những kiến nghị, đề xuất chính đáng của người dân, nên không tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vướng mắc.

Điển hình như việc thi công, mở rộng Quốc lộ 1 khiến cho nhà dân bị hư hỏng, đến nay nhiều trường hợp chưa được giải quyết... Thêm vào đó, việc áp giá bồi thường, hỗ trợ thiếu thống nhất cũng đã gây ra bức xúc trong người dân.

Một vấn đề đáng nói ở đây nữa là, phần lớn KN, TC trong lĩnh vực đất đai lại chủ yếu "rơi" vào cấp huyện và cấp cơ sở, là cấp đại diện cho Nhà nước trực tiếp quản lý đất đai ở địa phương. Đơn cử, năm 2015, thì toàn tỉnh có 674 trường hợp kiến nghị, KN, TC liên quan đến lĩnh vực đất đai, thì trong đó ở cấp huyện đã có 569 trường hợp (chiếm hơn 84%). Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 316 trường hợp kiến nghị, KN, TC liên quan đến đất đai, trong đó ở cấp huyện đã có 127 trường hợp (chiếm hơn 40%).

Lý giải về vấn đề này, ông Đỗ Tuấn Phong, Chánh Thanh tra huyện Lệ Thủy cho biết, nguyên nhân phát sinh nhiều vụ KN, TC liên quan đến lĩnh vực đất đai, đó là do các cấp, ngành đặc biệt là cấp xã còn thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý về đất đai trong một thời gian dài. Đặc biệt, một phần không nhỏ các vụ việc KN, TC phát sinh do năng lực hạn chế và sự thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Điều đó dẫn đến việc hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn đều có các vụ việc KN, TC, tranh chấp đất. Cùng với đó, sự thiếu hiểu biết của người dân về quản lý và sử dụng đất, những hạn chế về trình độ nhận thức, am hiểu luật pháp, cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều vụ việc KN, TC.

Ông Trần Xuân Cầm thẳng thắn chỉ rõ, năng lực và trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà nước về đất đai, không những ở cấp xã, phường, mà ở cấp huyện cũng còn nhiều hạn chế. Điều đó dẫn đến, chẳng những các quy định của pháp luật về quản lý đất đai chưa thực hiện đầy đủ, chặt chẽ và nghiêm túc, mà những người thực thi nhiệm vụ giải quyết KN, TC cũng không giải quyết đến nơi đến chốn.

Hơn thế, trong khi giải quyết các trường hợp này, cơ quan chức năng và các địa phương còn nặng về tính hành chính, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động, giải thích và thuyết phục để người dân nhận thức được vấn đề. 

Để hạn chế thực trạng nói trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực quản lý đất đai, cần xây dựng hệ thống dữ liệu và hồ sơ quản lý đất đai đầy đủ, đồng bộ làm cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề phát sinh. Và khi phát sinh KN, TC, cần tăng cường công tác đối thoại, hòa giải để giải quyết ngay từ lúc phát sinh ở cơ sở. Một yêu cầu nữa cần đặt ra ở đây là phải chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về luật đất đai và các văn bản luật một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân.

Theo ông Trần Xuân Cầm thì, vấn đề mấu chốt để giải quyết tình trạng nói trên chính là trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị địa phương, đặc biệt là cấp huyện, cấp cơ sở. Bởi, biết lắng nghe và giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc của người dân; công khai, minh bạch, thực hiện đúng các quy định của pháp luật; trung thực trong kiểm tra, thẩm tra, xác minh, giải quyết KN, TC, thì mới hạn chế được các KN, TC liên quan đến đất đai đang ngày càng phức tạp hiện nay.

Ngày 21-9-2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1560/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, sẽ tăng cường năng lực cho hệ thống tổ chức thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đất đai để đáp ứng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn đối với một số loại đối tượng chủ yếu đang có nhiều vi phạm, gây bức xúc, tác động tiêu cực đến quản lý nhà nước về đất đai.

Bên cạnh đó, thông qua thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai để tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đất đai trong các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; rà soát đánh giá hệ thống pháp luật đất đai, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật đất đai; đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật và biện pháp tổ chức thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Những hạn chế trong công tác quản lý đất đai của chính quyền các địa phương là nguyên nhân phát sinh KN, TC.

Dương Công Hợp