.

Nỗ lực trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên

Thứ Hai, 19/09/2016, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo thống kê của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp, năm 2015, toàn tỉnh đã có 69 vụ việc liên quan đến người chưa thành niên phạm tội được trợ giúp pháp lý, trong 6 tháng đầu năm 2016, con số này là 34. Điều này cho thấy trong bối cảnh người chưa thành niên phạm tội đang có xu hướng gia tăng trong giai đoạn hiện nay, công tác hỗ trợ pháp lý cho đối tượng đặc thù này lại càng được quan tâm, chú trọng trên nhiều mặt.

N.V.S (SN 1998, Quảng Lộc, TX. Ba Đồn) và N.A.D (SN 1999, Quảng Hòa, TX.Ba Đồn) đều phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ. Vào đầu tháng 1 năm 2016, S rủ rê D đi lấy trộm xe máy bán lấy tiền tiêu xài. Cả hai đi bộ đến phía sau chợ Ga thuộc phường Nam Lý, TP.Đồng Hới thì phát hiện chiếc xe mô tô của chị Y đang dựng gần hồ công viên không có người trông giữ. S liền đưa cho D dụng cụ phá khóa đã được chuẩn bị sẵn và bảo D phá khóa lấy trộm, còn mình thì cảnh giới.

Sau khi phá khóa xong, D giao xe cho S chở về nhà S ở Quảng Lộc để cất giữ. Hai ngày sau, S sử dụng xe mô tô trên làm phương tiện để đi học thì bị phát hiện và bắt giữ. Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP.Đồng Hới, S và D đều bị xử phạt mức án từ 6 tháng đến 12 tháng tù và cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 12 đến 18 tháng.

Tại thời điểm phạm tội, cả hai bị cáo đều là người chưa thành niên và được sự trợ giúp pháp lý tích cực từ đội ngũ trợ giúp pháp lý. Người bào chữa cho cả hai bị cáo cho rằng mức án Viện kiểm sát đề nghị là quá nghiêm khắc, nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 31 Bộ Luật hình sự xử phạt các bị cáo mức án từ 6 đến 9 tháng cải tạo không giam giữ.

Tòa xét thấy cả hai bị cáo khi phạm tội đều đang là học sinh, ở độ tuổi chưa thành niên, cho nên nhận thức còn hạn chế. Các bị cáo đều có quá trình nhân thân tốt, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội, đã thành khẩn khai báo và thực sự ăn năn hối cải.

Tòa chấp nhận một phần đề nghị của người bào chữa cho hai bị cáo, để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với hai bị cáo, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên lần đầu phạm tội và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tạo điều kiện cho hai bị cáo được tiếp tục đi học. Tòa tuyên án xử phạt N.V.S và N.A.D 18 tháng cải tạo không giam giữ.

Một vụ án trên địa bàn huyện Bố Trạch do người chưa thành niên phạm tội cũng nhận được sự trợ giúp pháp lý hiệu quả. Cuối tháng 9 năm 2014, P.H.N (SN 1990, Nông trường Việt Trung, Bố Trạch) đến nhà B.V.Đ (SN 1997, Nông trường Việt Trung, Bố Trạch) chơi và gợi ý tìm người quen nào mượn xe rồi cắm lấy tiền vào Gia Lai làm ăn.

Người chưa thành niên phạm tội luôn nhận được sự trợ giúp pháp lý tích cực.
Người chưa thành niên phạm tội luôn nhận được sự trợ giúp pháp lý tích cực.

Sáng hôm sau, cả hai đến một quán Internet trên địa bàn thị trấn Nông trường Việt Trung, Đ vào quán tìm người quen lừa mượn xe, còn N ở ngoài đợi. Sau đó, do đợi lâu và được Đ dặn, N nhờ H.M.N.V chở đến cầu Quyết Tiến đứng đợi. Đ quay lại quán và gặp anh D (SN 1995), liền mượn xe máy của anh này để đi mua bánh mì vì đói quá. Ngay khi lấy được chìa khóa xe từ anh D, Đ chạy xe đến cầu gặp N và V. Vì xe không có giấy tờ, N nhờ V liên hệ chỗ cắm xe. V gọi ngay cho anh C (TP.Đồng Hới) nhờ cắm xe, anh C đồng ý. Nhưng khi nhận xe từ Đ, do thiếu giấy tờ nên anh C không cho cầm cố. Khi V gọi điện nói xe của gia đình Đ, anh C mới đồng ý cầm với giá 2 triệu đồng. Có tiền, Đ và N cùng nhau đánh số đề, tiêu xài cá nhân, sau đó, N bỏ trốn.

Vài ngày sau, Đ trả tiền cầm cố, lấy lại xe giao nộp cho Công an thị trấn. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch truy tố P.H.N và B.V.Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo P.H.N từ 18 đến 24 tháng tù và bị cáo B.V.Đ từ 8 đến 10 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách gấp đôi.

Tòa xét thấy bị cáo P.H.N là người đã thành niên, đã 2 lần vi phạm pháp luật bị Công an huyện Bố Trạch xử phạt hành chính, có 1 tiền án về hành vi trộm cắp tài sản và từng bị Tòa án nhân dân huyện Bố Trạch xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng lại không lấy đó làm bài học để rèn luyện bản thân, mà còn tiếp tục đề xướng việc phạm tội, lôi kéo người chưa thành niên đi vào con đường xấu. B.V.Đ là người chưa thành niên, nghe theo lời rủ rê của P.H.N để rồi sa chân vào vòng lao lý.

Người bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo B.V.Đ đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo 7 tháng cải tạo không giam giữ, bởi trong vụ án, bị cáo đóng vai trò thứ yếu, sau khi phạm tội đã biết ăn năn, hối cải, khai báo thành khẩn, lại phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Phía bị cáo và gia đình đã tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả cho người bị hại. Hoàn cảnh gia đình bị cáo gặp nhiều khó khăn, ba mẹ ly hôn, thiếu người quan tâm, chăm sóc. Người bị hại và các cấp chính quyền địa phương cũng đã có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tòa quyết định tuyên bố các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tuyên P.H.N 15 tháng tù, B.V.Đ 7 tháng cải tạo không giam giữ.

Theo bà Phan Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh, bên cạnh tham gia trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên trong công tác tố tụng như hai vụ án trên, Trung tâm cũng đã kịp thời hỗ trợ tích cực, hiệu quả đối tượng này trong tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật... Các hình thức trợ giúp pháp lý được đổi mới và thường xuyên tổ chức, như: trợ giúp pháp lý lưu động, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, bồi dưỡng, tập huấn...

Đồng thời, các hoạt động thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý cho đối tượng người chưa thành niên và các đối tượng khác được triển khai phong phú, đa dạng, từ các buổi nói chuyện chuyên đề về pháp luật, cấp phát tờ rơi pháp luật về trợ giúp pháp lý, cho đến tiến hành lắp đặt bảng thông tin và hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp công dân của UBND huyện, xã, thị trấn, cơ quan thanh tra, các cơ quan tiến hành tố tụng, đồn biên phòng, cơ sở người khuyết tật và các nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng tại những xã miền núi rẻo cao...

Mai Nhân