.

Góp phần bảo vệ trẻ em và hạn chế người chưa thành niên phạm tội

Thứ Ba, 20/09/2016, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên là mô hình trợ giúp pháp lý mới, sáng tạo. Nhân dịp Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên đưa vào hoạt động chi nhánh tại Quảng Bình, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn bà Đặng Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên (thuộc Hội Luật gia Việt Nam) để hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Trung tâm.

- Phóng viên: Xin bà cho biết đôi điều về Trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL) cho người chưa thành niên, nhất là những nhiệm vụ cụ thể của trung tâm?

- Bà Đặng Thị Thanh: Để tạo điều kiện cho mọi trẻ em, người chưa thành niên, cả đối tượng phạm tội và là nạn nhân của tội phạm được tư vấn pháp luật, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp một cách đầy đủ, việc thành lập Trung tâm TVPL cho người chưa thành niên là việc làm cần thiết. Trung tâm TVPL cho người chưa thành niên (có địa chỉ tại số 23, ngõ 36, phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ , quận Đống Đa, Hà Nội), trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 169/QĐ/HLGVN ngày 10-10-2013 của Hội Luật gia Việt Nam và được Sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp giấy phép hoạt động ngày 8-1-2014.

Trung tâm có nhiệm vụ: TVPL và trợ giúp pháp lý miễn phí cho người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm; cử luật sư làm việc theo hợp đồng cho Trung tâm tham gia tố tụng để bào chữa, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên đối với vụ việc mà Trung tâm thực hiện TVPL; tham gia tổ chức thực hiện các đề án, dự án, hội thảo về quyền trẻ em, góp phần bảo vệ trẻ em và hạn chế tội phạm là người chưa thành niên; trợ giúp pháp lý miễn phí cho người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên phạm tội đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ và người chưa thành niên đang chấp hành án tại cộng đồng.

 Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam và các cán bộ của Trung tâm.
Lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam và các cán bộ của Trung tâm.

Mặt khác, Trung tâm TVPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật; TVPL có thu phí đối với các cá nhân, tổ chức khác và thực hiện các hoạt động khác theo phân công của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.

Các thành viên của Trung tâm TVPL cho người chưa thành niên và ở các chi nhánh đều là những cán bộ đã từng làm việc lâu năm trong các cơ quan pháp luật như: Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp...

- Phóng viên: Vừa qua, được sự đồng ý của Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm đã thành lập chi nhánh tại Quảng Bình. Bà có thể cho biết, phạm vi hoạt động của Chi nhánh Quảng Bình?

- Bà Đặng Thị Thanh: Chi nhánh Trung tâm TVPL cho người chưa thành niên tỉnh Quảng Bình trực thuộc Trung tâm TVPL cho người chưa thành niên thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 129/QĐ-HLGVN ngày 12-8-2016 của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; được cấp giấy phép hoạt động số 04/TP-ĐKHĐ-CN ngày 22-8-2016 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình. Chi nhánh sẽ đi vào hoạt động kể từ ngày 21-9-2016, có trụ sở giao dịch tại số 1 đường Ngô Gia Tự, phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới.

Chi nhánh sẽ hoạt động với chức năng nhiệm vụ như: thực hiện các chương trình xã hội hóa, phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật của Hội Luật gia tỉnh Quảng Bình; TVPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên là nạn nhân của tội phạm, là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình, hành vi đối xử ngược đãi dưới mọi hình thức về vật chất và tinh thần, người chưa thành niên phạm tội, người chưa thành niên bị phạt tù đang chấp hành án tại các cơ sở giam giữ, chấp hành án tại cộng đồng (như án treo, cải tạo không giam giữ...), TVPL, trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng có công với cách mạng, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo qui định của pháp luật; thực hiện cử luật sư, tư vấn viên, cộng tác viên pháp luật đang làm việc cho chi nhánh Trung tâm ... tham gia tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tham gia tố tụng tại các cơ quan tiến hành tố tụng, tại các phiên tòa ở Tòa án các cấp để bào chữa, làm người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên; thực hiện tư vấn, dịch vụ pháp lý theo yêu cầu cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam có liên quan đến các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, hôn nhân và gia đình, lao động, các vụ việc cụ thể khác mà chi nhánh... nhận tư vấn, dịch vụ pháp lý phù hợp phạm vi hoạt động của chi nhánh, qui định của Luật Luật sư.

- Phóng viên: Được biết, phương châm hoạt động của Trung tâm và các chi nhánh là “Tất cả vì sự bình đẳng và phát triển của trẻ em”, theo bà, Trung tâm phải làm gì để phương châm hoạt động này phát huy hiệu quả tốt?

- Bà Đặng Thị Thanh: Trong những năm gần đây, các vụ án do người chưa thành niên phạm tội thực hiện đã tăng lên về số lượng và có chiều hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Như đã nói, để tạo điều kiện cho mọi trẻ em, người chưa thành niên, cả đối tượng phạm tội và là nạn nhân của tội phạm được TVPL, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp một cách đầy đủ, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm và các chi nhánh tại các địa phương tiến hành phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức, tầng lớp nhân dân để thực hiện có hiệu quả các chương trình xã hội hóa, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; trợ giúp pháp lý miễn phí cho người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên phạm tội đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ và người chưa thành niên đang chấp hành án tại cộng đồng.

Đồng thời, Trung tâm và các chi nhánh TVPL, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định pháp luật, qua đó, góp phần bảo vệ trẻ em và hạn chế tội phạm là người chưa thành niên...

- Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Đình Phong (thực hiện)