.

Uẩn khúc phía sau những tấm "thẻ đỏ"

Thứ Năm, 25/08/2016, 07:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm thực hiện Dự án “quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình” và “Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh” trên địa bàn xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), UBND tỉnh đã có chủ trương giải phóng mặt bằng (GPMB) với diện tích trên 1.900ha. “Đón đầu” dự án này, một số trường hợp đã làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng theo quy định dẫn đến sự bức xúc trong nhân dân.

Theo đó, năm 1996 có 3 hộ gia đình, cá nhân, trong đó có ông Dương Văn Doái (thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh) và Lê Thế Giới (tiểu khu 3, thị trấn Quán Hàu) được UBND huyện Quảng Ninh giao đất trống, đồi trọc để sản xuất lâm nghiệp tại xã Hải Ninh với diện tích 100.000m2/hộ gia đình, cá nhân. Đến tháng 4-2014, ông Doái lập hồ sơ đăng ký chuyển đổi mục đích 71.295,7m2 đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác để thực hiện mô hình trang trại vườn-ao-chuồng (VAC).

Theo phương án sản xuất, sẽ có 0,4ha đất trồng rừng vành đai, 3ha đất nuôi trồng thủy sản, 2ha làm chuồng trại chăn nuôi và 1ha trồng cây hàng năm khác, diện tích còn lại không xác định rõ mục đích.

Tiếp đó, ngày 28-4-2014, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Quảng Ninh đã thẩm tra, đăng ký chuyển đổi mục đích và ngày 8-5-2014, UBND huyện đã cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Doái với diện tích 71.295,7m2 đất nông nghiệp khác. Đến tháng 11-2015, ông Doái thực hiện thủ tục tách thửa và chuyển nhượng cho 3 hộ gia đình khác với tổng diện tích 51.304,5m2 đất nông nghiệp khác, diện tích đất còn lại của ông Doái là 19.991,2m2.

Tại thời điểm kiểm đếm, thỏa thuận bồi thường, ông Doái chỉ mới xây dựng nhà kho có diện tích 25m2, chuồng gà 84m2, diện tích còn lại giữ nguyên hiện trạng đất rừng sản xuất; 3 hộ cá nhân, gia đình nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khác vẫn giữ nguyên hiện trạng đất rừng sản xuất.

Tương tự trường hợp của ông Doái, ngày 23-4-2014, ông Lê Thế Giới lập hồ sơ đăng ký chuyển mục đích 67.701,4m2 đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác để thực hiện mô hình trang trại VAC. Ông Giới cũng đã lập phương án sản xuất với 0,5ha trồng rừng vành đai, 2ha nuôi trồng thủy sản, 2,2ha chuồng trại chăn nuôi, 2ha trồng cây hàng năm khác và 0,07ha không xác định rõ mục đích.

Ngày 13-5-2014, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Quảng Ninh thẩm tra, chuyển đổi mục đích, và đến ngày 14-5-2014, UBND huyện đã cấp đổi GCNQSDĐ cho ông Giới với diện tích 67.701,4ha đất nông nghiệp khác.

Vào tháng 11-2015, ông Giới làm thủ tục tách thửa và chuyển nhượng cho 3 hộ gia đình khác với diện tích 47.896,9m2 đất nông nghiệp khác, diện tích đất còn lại của ông Giới là 19.804,5m2. Tại thời điểm kiểm đếm, thỏa thuận bồi thường, ông Giới chưa thực hiện sử dụng đất theo phương án sản xuất, giữ nguyên hiện trạng đất rừng sản xuất; đồng thời 3 hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khác từ ông Giới vẫn giữ nguyên hiện trạng ban đầu.

Theo quy định của Nhà nước, cũng như căn cứ vào phương án sản xuất thì ông Doái chỉ được chuyển mục đích từ rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác là 2ha (chuồng trại chăn nuôi), của ông Giới là 2,2ha. Tuy nhiên, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Quảng Ninh mà trực tiếp là bà Lê Thị Xinh (con dâu ông Doái) vẫn cho đăng ký chuyển mục đích toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất của ông Doái là 7,12ha (vượt 5,12ha), ông Giới 6,77ha (vượt 4,57ha), đồng thời tham mưu cho UBND huyện để ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp ký cấp GCNQSDĐ.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sai quy định, dẫn đến hậu quả là đã chuyển nhượng lại cho 6 hộ khác với diện tích 99.201,4m2 đất nông nghiệp khác là không đúng loại đất theo quy định.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc chuyển nhượng chỉ là hình thức, bởi vì ngày 5-8-2015 đã có chủ trương thực hiện dự án FLC tại xã Hải Ninh. Toàn bộ diện tích đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp khác của ông Doái và ông Giới nằm trọn trong phạm vi dự án sẽ được bồi thường, hỗ trợ. Đặc biệt, sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Doái, thì cả 3 hộ đều làm hợp đồng ủy quyền cho ông Dương Văn Nam (con ông Doái, đồng thời là chồng bà Lê Thị Xinh), Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh thực hiện việc kiểm đếm và nhận tiền bồi thường hỗ trợ nhưng không có thù lao.

Tương tự như vậy, 3 hộ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Giới đều làm hợp đồng ủy quyền cho chính ông Giới để thực hiện việc kiểm đếm và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng không có thù lao (?!). Hành vi này thể hiện giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đã có sự thỏa thuận vì lợi ích, tạo ra sự bức xúc trong dư luận trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, sự việc chuyển đổi vượt diện tích từ đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác là không đúng với quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân nói trên đều đã ký vào hợp đồng thỏa thuận theo giá loại đất rừng sản xuất nên chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Trần Minh Văn