.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Chủ Nhật, 28/08/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 3 năm triển khai thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện luật vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Lài, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp xung quanh vấn đề này...

- Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật nhất trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài:  Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của PBGDPL là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, thời gian qua, cùng với các hoạt động khác, công tác PBGDPL ở tỉnh ta tiếp tục được quan tâm.

Thông qua các chương trình, đề án, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền của cá nhân, của công dân trong việc học tập, tìm hiểu, tuyên truyền, PBGDPL được xác định rõ. Tổ chức, đội ngũ làm công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở tiếp tục được củng cố, hoạt động ngày càng nền nếp; cơ chế phối hợp trong PBGDPL từng bước được xác lập; vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên, của cơ quan tư pháp, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp được khẳng định và không ngừng phát huy hiệu quả; các cấp ủy, chính quyền các cấp ngày càng xác định đúng vai trò của công tác PBGDPL nên đã quan tâm hơn; kịp thời, nhạy bén trong nắm bắt những vấn đề được nhân dân quan tâm để tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.

Hình thức PBGDPL phong phú, đa dạng, không ngừng được đổi mới, vận dụng sáng tạo phù hợp với đặc điểm cụ thể về đối tượng, địa bàn, như: tuyên truyền qua trang thông tin điện tử, qua các phương tiện thông tin đại chúng; sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Ngày Pháp luật; qua các lễ hội; sân khấu hóa; xét xử lưu động; công bố công khai thủ tục hành chính; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoạt động thực thi công vụ và dịch vụ công của cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức hội nghị, các lớp tập huấn, phát hành bản tin, tập san, tạp chí, tờ gấp, sách bỏ túi; hòa giải ở cơ sở; công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; giáo dục pháp luật trong nhà trường; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; các câu lạc bộ, nhóm nòng cốt; tủ sách pháp luật...

Công tác PBGDPL đã từng bước đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, lựa chọn nội dung gắn với từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực, địa bàn. Nội dung tuyên truyền, phổ biến được định hướng rõ, bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của mỗi sở, ngành, địa phương, gắn với thực tiễn thi hành pháp luật... Vì vậy, đã  tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân...

Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ giáo viên dạy giáo dục pháp luật.
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ giáo viên dạy giáo dục pháp luật.

- Phóng viên: Theo đồng chí còn có những khó khăn, vướng mắc nào trong công tác PBGDPL?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Công tác PBGDPL trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Đó là, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện  nhiệm vụ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự tích cực, toàn diện; chưa xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đợt tuyên truyền, chưa kết hợp, lồng ghép với các chương trình, đề án và các hoạt động để tuyên truyền.

Ngoài ra, sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương cũng như các thành viên trong Hội đồng phối hợp, các Ban chỉ đạo có lúc chưa được thường xuyên, chặt chẽ; đội ngũ làm công tác PBGDPL chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác PBGDPL; khả năng cập nhật thông tin, văn bản pháp luật mới còn hạn chế; việc tuyên truyền, phổ biến chưa đều khắp, nhiều văn bản chưa được tổ chức tuyên truyền sâu rộng, còn chạy theo văn bản mới ban hành.

Bên cạnh đó, chưa gắn kết chặt chẽ công tác PBGDPL với tổ chức thực hiện pháp luật, chưa tạo được bước đột phá. Việc đầu tư cho công tác PBGDPL thời gian qua đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu. Các nguồn lực khác ngoài ngân sách chưa được tích cực huy động. Mặc dù Luật PBGDPL và Nghị định 28 hướng dẫn thi hành Luật đã quy định về cơ chế phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ PBGDPL, theo đó các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, thì ngân sách Trung ương sẽ điều tiết. Tuy nhiên 3 năm qua vẫn chưa được thực hiện.

Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND tỉnh đã quy định mức chi cho công tác hòa giải và người làm công tác hòa giải nhưng hầu như chưa được thực hiện. Hình thức PBGDPL đã có sự đổi mới nhưng hình thức nhưng chưa thật “hấp dẫn” chưa có điều kiện tổ chức rộng rãi, thường xuyên nên chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, nhân dân.

- Phóng viên: Để tạo sự chuyển biến hơn nữa công tác PBGDPL trong giai đoạn tới, theo đồng chí cần phải làm gì?

- Đồng chí Nguyễn Thị Lài: Trước hết, phải thực sự coi công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, là trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời gắn giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, giáo dục văn hóa truyền thống và bồi dưỡng, rèn luyện ý thức tự giác, tự nguyện tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân.

Gắn công tác PBGDPL với hoạt động thực thi công vụ và thực hiện dịch vụ công của công chức, viên chức. Không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm thực hiện và thi hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Đại hội XII của Đảng cũng đã xác định chuyển từ hoàn thiện pháp luật sang thực thi pháp luật.

Vì vậy, cần xem xét, đánh giá thực chất, khách quan về hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ, mức độ “thẩm thấu” vào đời sống xã hội của hệ thống pháp luật hiện hành. Khắc phục tình trạng pháp luật được ban hành nhiều nhưng ít đi vào đời sống. 

Cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đây là thước đo mức độ trách nhiệm và trí tuệ của nhân dân trước nhiệm vụ xây dựng và thực thi pháp luật.

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL. Trong đó chú trọng phổ biến các nội dung pháp luật phù hợp và xuất phát từ nhu cầu của đối tượng. Quan tâm về nguồn lực cho Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp Hộ tịch cấp xã, tổ hòa giải ở cơ sở, tổ chức pháp chế các sở, ngành, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch PBGDPL, sơ kết, tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong PBGDPL.

Mặt khác, kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, có cơ chế xử lý phù hợp những đơn vị, cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL...

Ngọc Hải (thực hiện)