.

Tội phạm về ma túy - Kỳ 2: Cần một "lá chắn" hữu hiệu

Thứ Năm, 28/07/2016, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Hệ quả tất yếu của sự gia tăng tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy là sự phát sinh của các loại tội phạm hình sự, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Trong khi đó, việc quản lý, tuyên truyền, vận động để giải quyết vấn nạn trên còn hình thức và lỏng lẻo; công tác cai nghiện và quản lý người nghiện, người sau cai nghiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn...

>> Kỳ 1: Cuộc chiến chưa có hồi kết

Một đối tượng phạm tội buôn bán ma túy bị bắt giữ.
Một đối tượng phạm tội buôn bán ma túy bị bắt giữ.

Công tác quản lý còn hạn chế

Là một trong những địa phương xuất hiện tệ nạn ma túy khá sớm (từ năm 2004), tuy nhiên đến nay, xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) đã cơ bản kiềm chế và không phát sinh người nghiện mới.

Theo thống kê, năm 2014, xã này có 14 người nghiện và tính đến tháng 6-2016, giảm xuống còn 12 người (vì có 2 người nghiện đã chết). Để duy trì ổn định được con số 12 người nghiện nói trên, chính quyền địa phương nơi đây đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động.

Cụ thể, có 8/8 thôn ở đây duy trì tốt các Câu lạc bộ tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, Câu lạc bộ làng không có ma túy. Bên cạnh đó, nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đa dạng và sinh động như: qua các hội nghị, sân khấu hóa các tiểu phẩm, kịch... cũng đã góp phần không nhỏ trong việc hạn chế được tệ nạn này phát sinh trong cộng đồng.

Tuy nhiên, trong khi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thì việc quản lý người nghiện và người liên quan đến ma túy ở đây lại bộc lộ những sơ hở.

Theo anh Nguyễn Minh Đức, Trưởng Công an xã Đại Trạch thì, ngoài 12 người nghiện được duy trì từ năm 2014 đến nay, hiện địa phương không thể thống kê được số người liên quan đến ma túy. Ngay cả những người nghiện đã có hồ sơ, chính quyền địa phương không thể nắm bắt, theo dõi, quản lý và kiểm soát được.

Nguyên nhân là do, vốn dĩ những người nghiện này không ở một nơi cố định. Mặt khác, họ vốn chỉ quan hệ bó hẹp giữa những người nghiện với nhau nên chính quyền địa phương cũng khó mà tiếp xúc trực tiếp với họ. Biện pháp cuối cùng là, chính quyền địa phương giao cho gia đình quản lý và vận động đưa đi cai nghiện, nhưng chính gia đình họ cũng "bó tay" bất lực. "Giờ chỉ còn cách là vận động hoặc gom bắt buộc tất cả vào các trung tâm cai nghiện để cai nghiện và giáo dục mà thôi", anh Đức cho hay.

Anh Trần Đại Cương, Trưởng Công an TT.Nông Trường Lệ Ninh cũng trăn trở: "Thống kê cũng chỉ để theo dõi, chứ quản lý người nghiện là rất khó. Bởi, lực lượng công an xã rất mỏng, lại phải xử lý nhiều việc, nên không thể thường xuyên nắm bắt và bám sát địa bàn được. Nhiệm vụ nắm bắt, theo dõi người nghiện thường do đội ngũ công an viên ở thôn, xóm đảm trách, nhưng do không có kinh phí nên họ cũng không thể duy trì thường xuyên được".

Cùng với ý thức tự giác của người nghiện còn thấp, gia đình và chính quyền các địa phương gần như là bất lực, thậm chí là buông lỏng việc quản lý người nghiện như hiện nay, thì về lâu dài, khó có thể ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy đang diễn biến phức tạp như tình hình hiện nay. 

Thiếu sự vào cuộc đồng bộ

Trung tá Đoàn Quý Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm  (CSĐTTP) về ma túy (Công an huyện Bố Trạch) thừa nhận, sự gia tăng nhanh chóng số lượng người nghiện và người liên quan đến ma túy trong thời gian qua, một phần là do chính quyền các địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ.

Công tác phối hợp, tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương về hình thức là có. Song để có sự "chung tay" trong thực tế thì hầu như là không có, nên hiệu quả không cao. Còn cơ bản, nhiệm vụ theo dõi, giám sát, tuyên truyền, vận động cơ bản vẫn là việc lực lượng công an. Việc lập hồ sơ quản lý ở các địa phương cũng chỉ nhằm mục đích giáo dục, cảm hóa.

Quá lắm, khi phát hiện hành vi vi phạm thì gọi lên răn đe, kiểm điểm rồi cho về. Hiện, việc mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện chỉ ở quy mô nhỏ, lẻ, mà chế tài để xử lý người sử dụng hoặc tàng trữ ma túy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự còn chưa nghiêm, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính chất răn đe, giáo dục loại tội phạm này.

Buông lỏng trong công tác quản lý, hay thiếu sự vào cuộc đồng bộ, tổng lực của chính quyền các địa phương đã vô tình tạo ra những "kẽ hở" cho tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy tăng nhanh trong thời gian vừa qua.

Thực tế, để có ma túy sử dụng, nhiều con nghiện đã bất chấp pháp luật, không từ một hành vi, thủ đoạn phạm tội nào, kể cả trộm cắp, cướp giật, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người khác, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Trong khi tình hình tội phạm về ma túy, người nghiện và có liên quan đến ma túy tăng nhanh, cuộc chiến đấu với loại tội phạm này càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều. Đó cũng chính là nguyên nhân và là nguồn gốc phát sinh của các loại tội phạm hình sự khác. 

Có gần 20 năm kinh nghiệm công tác trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy, Thượng tá Ngô Xuân Hợp, Phó Trưởng phòng CSĐTTP về ma túy (Công an tỉnh) cho hay, nguyên tắc là có "cầu" ắt sẽ có "cung". Để giảm các hành vi buôn bán ma túy, thì cần phải giảm đối tượng nghiện.

Thế nhưng thực tế, công tác cai nghiện ma túy chưa thực sự mang lại hiệu quả; việc quản lý người nghiện còn lỏng lẻo. Nhiều đơn vị, địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy.

Gần đây, các đối tượng tội phạm về ma túy lại được trang bị vũ khí nên khi bị bắt quả tang chúng chống đối rất hung hãn, quyết liệt. Cùng với đó là chế tài luật pháp còn chưa đồng nhất như: công tác giám định mất rất nhiều thời gian, tiêu chuẩn hàm lượng hê-rô-in tinh khiết trong ma túy, đã gây ra không ít khó khăn, cản trở trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này.

Cuộc chiến chống lại tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy luôn là một cuộc chiến dài lâu và không của riêng ai. Để hạn chế tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của toàn xã hội. Bên cạnh việc hướng công tác, tuyên truyền đi vào thực chất, cần phải siết chặt công tác theo dõi, giám sát và quản lý những người nghiện, người liên quan đến ma túy.

Lấp đầy được những "kẽ hở" nói trên, mỗi người, mỗi cộng đồng trong chúng ta sẽ có thêm một "vé bảo hiểm", tạo nên "lá chắn" vững chắc trước sự xâm nhập của tệ nạn ma túy và tội phạm ma túy đang hoành hành ngày càng phức tạp như hiện nay.

Dương Công Hợp