.
Ký sự pháp đình:

Nỗi đau của mẹ...

Thứ Bảy, 30/07/2016, 14:36 [GMT+7]
 

(QBĐT) - Những vết hằn nhăn nhúm đang chồng chéo trên khuôn mặt khắc khổ dường như vẫn chưa đủ để nói lên nỗi niềm chua xót của người mẹ đang ngồi lặng lẽ trong phòng xử án. Còn nỗi đau nào tê tái hơn khi đứa con do một tay bà chăm bẵm, nuôi nấng với tất cả tình yêu thương trong suốt mấy chục năm trời đằng đẵng, bằng cả tuổi thanh xuân của mình khi ông nhà đã sớm hy sinh vì đất nước, giờ đây lại đang co ro trước vành móng ngựa.

Nó là đứa con duy nhất của bà, là niềm tin, hy vọng để bà vượt qua mọi chông gai, trở ngại trên đường đời. Bà vất vả, một nắng hai sương, bươn bả nuôi nó cho đến khi có công ăn việc làm ổn định, đi bộ đội theo như nguyện vọng của cha nó, rồi có cả một mái ấm gia đình với 3 đứa con ngoan ngoãn, xinh xắn, một người vợ tảo tần, nắng mưa. Cứ tưởng bà đã mãn nguyện và khiến ông nhà nơi chín suối an lòng, vậy mà, chỉ vì một chút lòng tham bị đồng tiền dẫn lối đưa đường, để giờ đây, khi cha thì có công với nước, còn con thì phạm tội tham ô tài sản. Kêu trời có thấu chăng nỗi lòng này!

Nguyễn Văn An là công nhân vận chuyển của Bưu điện huyện và cuộc sống của An sẽ cứ bình lặng trôi đi nhẹ nhàng như thế, nếu như không có cái ngày hôm đó. Buổi sáng, An nhận các túi gói bưu kiện và số tiền ngân vụ 110 triệu đồng từ Bưu điện huyện để chuyển về 3 bưu cục cơ sở (bưu cục A là 10 triệu đồng, bưu cục B là 60 triệu đồng và bưu cục C là 40 triệu đồng).

Đến trưa, An đi xe máy đến bưu cục A giao tiền và gói bưu kiện đầy đủ. Nhưng ngay sau đó, khi đến bưu cục B, An chỉ giao bưu kiện, còn tiền thì nói đã làm mất, và đến bưu cục C thông báo hôm nay chưa có tiền ngân vụ. Đến chiều, An gặp kế toán trưởng đơn vị và nói làm rơi mất 100 triệu đồng tiền ngân vụ của bưu cục B và C. An tâm sự, vợ đã chuẩn bị được 50 triệu đồng, ngày mai sẽ vay mượn trả đủ và nhờ bà này giúp. Kế toán trưởng liền gọi cho hai cán bộ của bưu cục B và C dặn cứ nhập tiền vào hệ thống quản lý chuyển tiền ngân vụ trên mạng Internet là đã nhận đủ tiền quỹ. Cả hai cán bộ trên đều thực hiện hành vi nhập khống.

Ngày hôm sau, An lại đến Bưu điện huyện nhận túi gói bưu kiện và hơn 83,8 triệu đồng tiền ngân vụ giao cho bưu cục D, E và F. An đến bưu cục D và E giao đủ số tiền 70 triệu đồng, nhưng đến bưu cục F chỉ giao 8,8 triệu đồng, còn 5 triệu đồng giữ tiêu xài cá nhân. Chưa hết, ngày tiếp theo, khi nhận túi gói bưu kiện và 170 triệu đồng tiền ngân vụ để giao cho các bưu cục, An để lại các túi này tại cơ quan và ôm toàn bộ số tiền bỏ trốn khỏi địa phương. 5 tháng sau, nhờ sự động viên của gia đình, An đã quay trở về đầu thú.

Hành vi phạm tội của bị cáo vừa trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mà còn gây tác động xấu đến trật tự trị an xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Nhà nước và gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Đây là hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn và lại phạm tội nhiều lần.

Trước đó, năm 1993, An cũng đã từng bị xử phạt 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng không lấy đó làm bài học, rèn luyện, tu dưỡng bản thân, mà lại tiếp tục phạm tội. Đối với số tiền 100 triệu đồng của hai bưu cục B và C, An đã khai bị rơi trong quá trình vận chuyển, cơ quan cảnh sát điều tra kết luận không chứng minh được hành vi tham ô của An với số tiền này, mà đề nghị truy tố trách nhiệm hình sự đối với số tiền 175 triệu đồng. Tòa tuyên xử phạt Nguyễn Văn An 7 năm tù, và buộc phải bồi thường cho Bưu điện huyện số tiền 275 triệu đồng.

Phiên tòa kết thúc, gạt vội giọt nước mắt lăn dài trên má, bà tự tìm cho mình những lời an ủi phía sau sự thật nghiệt ngã. Dù sao con trai bà cũng đã biết nhận ra lỗi lầm của mình, biết ăn năn, hối hận và mong muốn làm lại từ đầu. Dẫu biết muộn màng nhưng vẫn còn hơn không, nhưng sao nỗi đau đớn, uất hận vẫn không thể nguôi ngoai trong lòng người mẹ đã dành hết tuổi thanh xuân cho người con trai độc nhất của mình. Mai này, khi về với ông nhà nơi suối vàng, bà biết nói sao đây...?!

Quảng Hạ

--------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi