.
Ký sự pháp đình:

Đứa con hư…

Thứ Sáu, 08/07/2016, 07:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Mang nặng đẻ đau bất kỳ người bố người mẹ nào cũng mong ước con cái sau này trở thành người tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội. Từng ngày trôi qua, họ hạnh phúc xiết bao khi nhìn đứa con ngày càng khôn lớn. Vậy nhưng, ông Tý và bà Thắm dường như chưa một ngày được trọn vẹn với niềm hạnh phúc đó...

 

 

Ngày mất con bò trị giá 21 triệu đồng, ông Tý và bà Thắm-bố mẹ Thanh gần như ngã quỵ. Bởi đó là thứ tài sản có giá trị nhất, cũng là "cái cần câu cơm" suốt bao năm nay của cả gia đình. Ông bà lại càng đau xót hơn khi kẻ ra tay trộm cắp lại chính là đứa con trai do mình sinh ra và nuôi dưỡng.

Còn Thanh, đứng trước vành móng ngựa vẫn thản nhiên đưa ra lý do để biện minh cho hành vi của mình là do không có tiền để trả nợ nên mới bắt bò của bố mẹ đem bán.

Học đến lớp 9 thì Thanh bỏ học. Thiếu tu dưỡng, rèn luyện, cùng với việc thoát khỏi môi trường giáo dục sớm đẩy Thanh vào con đường ăn chơi, lêu lổng. Không có tiền ăn chơi, Thanh quay sang trộm cắp. Năm 2014 Thanh đã bị Tòa án xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội "Trộm cắp tài sản". Trong thời gian đang chấp hành hình phạt thì Thanh phạm tội mới. Và lần này, Thanh trộm ngay con bò-thứ tài sản có giá trị nhất của bố mẹ mình.

Khi có người gọi điện đòi nợ gấp, ý định bắt trộm bò của bố mẹ đi bán đã nảy sinh trong đầu Thanh. Thông qua một người bạn, Thanh xin được số điện thoại của Lam – người mua bò để liên hệ trước. Ý định của Thanh khiến người bạn mắt tròn mắt dẹt không tin: "Mi bán bò của ba mẹ thiệt à?". Thanh vẫn thản nhiên trả lời: "Em kẹt tiền nên bán bò để trả nợ". Mặc cho người bạn tốt ra sức khuyên can: "Xin tiền ba mẹ để trả chứ đừng trộm bò của ba mẹ mà tội", thế nhưng Thanh vẫn bỏ tất cả ngoài tai.

Trưa hôm đó, Thanh mượn chiếc xe máy của bạn mình chạy vào rẫy cao su của bố mẹ dắt một con bò đực lông màu vàng (khoảng 3 năm tuổi) đưa đến giấu ở lô cao su cách đó không xa, rồi chạy xe máy về trả lại cho người bạn. 14 giờ chiều cùng ngày, khi nghe Thanh gọi điện, Lam y hẹn thuê xe ô tô đến chở bò. Không chút đắn đo, Thanh dắt bò đưa lên xe bán cho Lam với giá 17 triệu đồng. Số tiền bán bò, Thanh đã dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân còn lại 2,5 triệu.

Vì sao bị cáo trộm bò của bố mẹ mình?, vị chủ tọa phiên tòa hỏi.
- Dạ để trả nợ, Thanh lí nhí trả lời.
- Bị cáo nghĩ gì khi người bạn của mình đã thật lòng can ngăn?
- Dạ, bị cáo biết làm như thế là sai nhưng vì người ta đòi nợ nên bị cáo không còn cách nào khác.
- Bị cáo là thanh niên khỏe mạnh, sao không tìm kiếm công ăn việc làm để tiêu dùng cá nhân mà lại ăn trộm? Bị cáo có biết được rằng, con bò chính là tài sản, là mồ hôi công sức của bố mẹ mình làm ra hay không? Chẳng nhẽ bị cáo không suy nghĩ đến công lao dưỡng dục của bố mẹ đã nuôi mình khôn lớn, trưởng thành như ngày hôm nay?

Quay sang phía bị hại-bố mẹ của bị cáo, Hội đồng xét xử hỏi: "Ông bà có yêu cầu gì nữa không?" Bà Thắm vội vàng đứng dậy trả lời, Nó là con tui. Vợ chồng tui chịu cực chịu khổ nuôi nó ăn học, khôn lớn nên người. Nhưng nó có lớn mà không có khôn. Ở trong nhà, là mẹ nó, tui đã hết lời nặng nhẹ khuyên bảo nhưng nó không nghe. Giờ, tui không dạy được thì phải nhờ xã hội, nhờ pháp luật dạy dỗ. Xin tòa cứ xử nó theo quy định của pháp luật.

Câu trả lời của người mẹ khiến những người tham dự phiên tòa hôm ấy ngạc nhiên. Thế nhưng, không ai hiểu được rằng, thẳm sâu trong ánh mắt của bà Thắm, chẳng những là nỗi buồn đau mà còn là sự bất lực trước đứa con "bất kham" kia. Kết thúc phiên tòa, Thanh bị tuyên phạt 15 tháng tù giam. Vụ án tiếp tục là hồi chuông cảnh tỉnh cho những thanh niên không chịu khó tu dưỡng, ăn chơi lêu lỏng để rồi đánh đổi tương lai của mình bằng những tháng ngày vô nghĩa sau song sắt nhà tù.

Dương Công Hợp

----------------------------------------------

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.