.

Khi nhà không còn là chốn mong về

Thứ Hai, 11/07/2016, 05:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà là nơi ấm êm để ta trở về sau những giông bão của cuộc đời, bởi vậy, gia đình được mệnh danh là tổ ấm thiêng liêng, sẻ chia mọi ưu phiền, nhân đôi mọi hạnh phúc, tin yêu. Tuy nhiên, theo thống kê từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 191 vụ bạo lực gia đình, chủ yếu ở nông thôn (172 vụ) và nạn nhân là phụ nữ, bạo lực tinh thần là 92 vụ và bạo lực thể chất là 80 vụ. Thông tin từ Tòa án nhân dân tỉnh cho thấy số lượng các vụ án xuất phát từ trong chính gia đình cũng đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Điều đáng nói, trong đó không ít vụ án là giết người. Thực tế trên khẳng định tổ ấm nhiều khi không còn là nơi chốn để mong về nữa.

Đến giờ phút này, 3 đứa con thơ của bị can Phan Thanh Hùng (SN 1978, Quảng Phương, Quảng Trạch) vẫn chưa hết đau đớn bàng hoàng khi người cha của mình nhẫn tâm đổ thuốc độc giết chết mẹ mình. Đó là một nỗi đau ám ảnh sẽ theo các em đến suốt cuộc đời với những vết sẹo tinh thần dai dẳng, khôn nguôi. Khoảng cuối giờ chiều, ngày 4 tháng 2 năm 2016, Phan Thanh Hùng đi uống rượu về, tìm cơm ăn nhưng không có, nên bảo con gái đi mua mì tôm.

Lúc này, chị Phạm Thị Hoa-vợ Hùng đi chợ về. Hùng liền to tiếng mắng vợ sao đi chợ giờ mới về, không có gì để ăn. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, Hùng đi pha mì còn chị Hoa vào bếp nấu cơm. Nhưng vẫn chưa dừng ở đó, cả hai lại tiếp tục to tiếng, cãi vã, Hùng đổ cả tô mì vào lưng vợ và dùng tay tát 2 cái vào người vợ. Uất ức, chị Hoa lấy con dao thái thịt vứt xuống nền và nói Hùng đâm cho chết đi, lúc này con gái lấy dao đem cất đi. Hùng lại ngồi ở phòng khách chửi bới vợ, chị Hoa đi vào bếp lấy 2 gói thuốc trừ sâu và nói muốn uống thuốc tự tử chết, con gái lại sợ hãi lấy cất đi.

Phía sau người đàn ông phạm tội giết vợ Phạm Văn Thông (Lâm Hóa, Tuyên Hóa) là những đứa con vô tội bơ vơ.
Phía sau người đàn ông phạm tội giết vợ Phạm Văn Thông (Lâm Hóa, Tuyên Hóa) là những đứa con vô tội bơ vơ.

Tiếp sau đó, Hùng vào bếp lấy 1 chai thuốc trừ sâu và mở nắp, nói với vợ: “Thuốc đây, uống không tao mở cho mà uống”. Dứt lời, một tay cầm chai đổ thuốc vào miệng chị Hoa, một tay Hùng vòng ra sau bóp cổ, bóp gáy chị. Chị Hoa dùng tay đẩy Hùng và nhổ ra được một ít. Lúc này con gái anh chị hốt hoảng can ngăn, Hùng dừng tay và lên giường đi ngủ. Chị Hoa sau khi nghỉ ngơi thấy có dấu hiệu mệt, chóng mặt, được đưa đi cấp cứu, nhưng đã tử vong vào lúc 20h cùng ngày.

Giám định pháp y cho thấy, các cơ quan nội tạng của chị Hoa bị xung huyết, phù nề, xuất huyết và tử vong do suy hô hấp, suy tuần hoàn vì ngộ độc thuốc trừ sâu. Tòa sơ thẩm tuyên Phan Thanh Hùng 8 năm 6 tháng tù giam về tội “Giết người”.

Vụ án khép lại nhưng 3 đứa con thơ, đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa bé nhất mới 5 tuổi phải vĩnh viễn rời xa bàn tay chăm sóc yêu thương của mẹ và cả tạm thời không có được sự bao bọc, quan tâm của người cha trong thời gian dài. Giờ đây, trên bước đường tương lai của các em, bao vất vả, khó khăn đang chờ đón...

Một vụ án khác cũng gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, khi người chồng nhẫn tâm ném người vợ “đầu gối tay ấp” mình xuống cầu, để lại cho người vợ thương tật suốt cuộc đời. Lúc 19h ngày 16 tháng 9 năm 2014, Phạm Văn Thông (Lâm Hóa, Tuyên Hóa) và Hồ Thị Cúc (là em dâu của Thông) uống rượu tại nhà Thông, sau đó Thông đưa chị Cúc về nhà.

Đến 23h cùng ngày, chị Hồ Thị Tây-vợ Thông không thấy chồng về đi tìm, đến cầu Khe Cạn thì gặp Thông và chị Cúc đi từ hướng ngược lại. Do ghen tuông, chị Tây chửi bới cả hai người. Bức xúc, Thông liền dùng tay đánh gáy, dùng chân đá vào bụng làm chị Tây ngã sấp xuống mặt cầu.

Chị Tây vừa khóc vừa kêu cứu, thấy vậy, Thông liền rút dao ngang chém vào đầu làm chị Tây bất tỉnh, Ngay sau đó, Thông ôm chị Tây ném xuống dưới cầu Khe Cạn và đi về nhà. Thông còn dặn chị Cúc không được nói với ai việc vừa xảy ra. Khoảng 1h ngày 17 tháng 9 năm 2014, chị Tây được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Bản kết luận của Giám định pháp y thương tích cho thấy, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 87%. Hiện, chị Tây liệt hai chi dưới, nằm tại giường và loét vùng cùng cụt. Chỉ vì một lý do nhỏ nhặt, mà Phạm Văn Thông đã ra sức đánh đập vợ và khi tưởng vợ đã chết thì nhẫn tâm ném xuống cầu. Đây là một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, mặc dù sau đó Thông đã ăn năn, hối hận và đưa chị Tây đi bệnh viên chăm sóc, nuôi dưỡng. Tòa tuyên án Phạm Văn Thông phạm tội “Giết người” và xử phạt mức án 8 năm tù, Hồ Thị Cúc 24 tháng tù treo.

Điều đáng nói là gia đình người đàn ông giết vợ này hiện có tới 6 người con, lớn nhất 22 tuổi và nhỏ nhất là 9 tuổi. Nếu chỉ nhớ đến ánh mắt của những đứa con thơ khi gây án, có lẽ Phạm Văn Thông đã không phạm tội tày đình đến như thế.

Với mỗi phạm nhân sau khi chấp hành án và quay trở về gia đình, họ đều mong ngóng được chở che, yêu thương. Nhưng với những người làm cha, làm mẹ phạm tội trong các vụ án liên quan đến gia đình, trở về là để chuộc lỗi, để đối mặt với những tội lỗi mà họ gây ra cho con cái của mình. Vẫn chưa có một nghiên cứu  nào bàn về sự phát triển tâm sinh lý, thể chất của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bi kịch như thế trên địa bàn tỉnh ta, tuy vậy, chắc chắn một điều rằng chúng sẽ lớn lên với tâm hồn bị khuyết đi ít nhiều với những nỗi đau từ sâu thẳm bên trong. 

Mai Nhân