.

Xử lý vi phạm hành chính: Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nguy cơ dẫn đến "nhờn luật"

Thứ Hai, 09/05/2016, 07:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh ta đã được chú trọng triển khai thực hiện. Kết quả xử lý VPHC đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, có tác dụng răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện xử lý VPHC tại một số cơ quan, đơn vị nhiều chế tài xử lý trong công tác này vẫn chưa đủ mạnh...

VPHC trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ rừng vẫn ở mức cao...

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường, trong năm 2015, đơn vị phát hiện 987 vụ VPHC và đã ban hành 952 quyết định xử phạt. Trong đó, đã thi hành 944 quyết định và 12 quyết định chưa thi hành. Trong số 987 vụ VPHC thì có 27 vụ vi phạm vượt quá thẩm quyền chuyển cơ quan cấp trên xử lý và 1 vụ vi phạm chuyển xử lý hình sự; tổng số tiền thu phạt trên 2 tỷ đồng.

Chi cục quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại.
Chi cục quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại.

So với năm 2014, số vụ VPHC năm 2015 bị phát hiện giảm 6 vụ; quyết định xử phạt VPHC đã ban hành giảm 30 quyết định; quyết định xử phạt VPHC chưa thi hành giảm 4 quyết định; số tiền phạt chưa thu được tăng hơn 80 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại chủ yếu là: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa vi phạm về nhãn và vi phạm về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, các điều kiện kinh doanh đối với các mặt hàng kinh doanh có điều kiện; không thực hiện việc niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm quá hạn sử dụng, vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vi phạm quy định về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, về khám sức khỏe...

Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng cũng là một trong những đơn vị có số vụ VPHC khá cao. Năm 2015, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đã phát hiện 205 vụ vi phạm, lập biên bản và ra quyết định xử lý 199 vụ (tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2014).

Trong đó, Hạt Kiểm lâm xử lý 104 vụ vi phạm, 6 vụ chuyển cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự và 89 vụ không có người nhận; chuyển Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện Bố Trạch xử lý theo thẩm quyền 6 vụ... Tổng thu ngân sách nhà nước từ xử phạt VPHC và bán lâm sản tịch thu gần 1 tỷ đồng (trong đó đã thu được 357.169.000 đồng, còn 634.000.000 đồng chưa thu được chủ yếu là do đối tượng vi phạm khó khăn về kinh tế, không có điều kiện thi hành)...

Đa số các vụ VPHC tại Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng chủ yếu tập trung vào các hành vi như: vận chuyển lâm sản trái pháp luật (gỗ và động vật hoang dã); vi phạm các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng; vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng; lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp; khai thác rừng trái phép...

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, nguy cơ dẫn đến “nhờn luật”…

Qua tìm hiểu được biết, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý VPHC tại các đơn vị trên địa bàn tỉnh ta, mà các cơ quan chức năng cần tháo gỡ. Đặc biệt là nhiều chế tài áp dụng trong xử lý VPHC chưa đủ mạnh, dẫn đến nguy cơ người dân có thể “nhờn luật”.

Theo ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, nguyên nhân xảy ra các vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng là chủ yếu do người dân các xã vùng đệm đời sống kinh tế còn khó khăn, tập quán sống dựa vào tài nguyên rừng từ ngàn đời nay để lại khó thay đổi một sớm một chiều; trình độ dân trí và nhận thức về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng của người dân còn hạn chế; diện tích rừng của Vườn quốc gia Phong Nha- Ke Bàng rộng, địa hình hiểm trở nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ...

Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng còn thiếu so với quy định, trong khi đó, các đối tượng lâm tặc lại luôn có những hành vi liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng; số vụ không xác định được đối tượng vi phạm còn cao chủ yếu là do đối tượng cố tình trốn tránh; các vụ vi phạm lâm luật thường xảy ra trong rừng sâu, lâm sản sau khi khai thác, săn bắt trái phép thường được cất giấu rất kỹ và tổ chức vận chuyển rất tinh vi, khó phát hiện, nhất là các loại lâm sản có giá trị kinh tế cao như: huê, trầm hương, tê tê, chồn, rùa, rắn....

Ông Tịnh cũng cho biết thêm, số quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa thi hành được còn tồn đọng nhiều chủ yếu là do đối tượng vi phạm hầu hết là người dân địa phương, người dân tộc thiểu số, người sống phụ thuộc có điều kiện kinh tế khó khăn, không có tài sản có giá trị để áp dụng biện pháp cưỡng chế. Mặt khác, một số chính quyền địa phương nơi có đối tượng vi phạm cũng chưa vào cuộc một cách quyết liệt để bảo đảm cho quyết định xử phạt được chấp hành nghiêm chỉnh nên có nguy cơ dẫn đến “nhờn luật”.

Số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng được phát hiện và xử lý có chiều hướng gia tăng.
Số vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng được phát hiện và xử lý có chiều hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, mức phạt của một số hành vi vi phạm được quy định trong Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe, giáo dục chung; việc xử lý hành vi xâm hại các loài động, thực vật thuộc diện nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ chưa có sự thống nhất từ trung ương đến cơ sở, còn có sự khác nhau giữa các địa phương nên làm cho pháp luật chưa được thực thi một cách nghiêm chỉnh, thống nhất...

Ngoài ra, quy định về giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm tại Điều 60 của Luật xử lý VPHC để xác định giá trị tang vật VPHC làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt chưa rõ ràng gây khó khăn trong thi hành nhiệm vụ...

Còn theo ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thì khó khăn lớn nhất trong công tác xử lý VPHC tại đơn vị chủ yếu do một số đối tượng kinh doanh chưa nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội trước những hành vi vi phạm do mình gây ra, do đó khi bị lực lượng Quản lý thị trường phát hiện hành vi vi phạm và xử lý hành chính thì tỏ thái độ không hợp tác, có cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa gây khó khăn trong quá trình thực thi công vụ.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở Tư pháp chủ trì đã đi kiểm tra công tác thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý VPHC tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, nhìn chung các đơn vị đều cơ bản tuân thủ theo trình tự, thủ tục; các quyết định xử lý VPHC được ban hành kịp thời, bảo đảm đúng tiến độ theo quy định. Đoàn kiểm tra cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về xử lý VPHC phù hợp với thực tiễn, áp dụng đồng bộ, có tính khả thi cao.

Đồng thời, các đơn vị cần phải tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và tuân thủ pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ xử lý VPHC; đẩy mạnh việc triển khai, tuyên truyền sâu rộng các nội dung cơ bản của Luật xử lý VPHC nhằm nâng cao ý thức chấp hành trong cán bộ, công chức góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật...

Ngọc Hải