.

Hiểm họa từ "cỏ Mỹ"

Thứ Sáu, 06/05/2016, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xuất hiện dạng thực vật khô được gọi là "cỏ Mỹ". Tại thời điểm đó, "cỏ Mỹ" chưa nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất ma túy. Điều này đã dẫn đến tình trạng "cỏ Mỹ" được bán công khai ở nhiều nơi. Đồng thời lợi dụng kẽ hở này, các đối tượng buôn bán đã tuyên truyền rằng đây là không phải ma túy nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Và có không ít người, trong đó chủ yếu là giới trẻ, đã "thử" hút "cỏ Mỹ" và dẫn đến những hệ lụy khó lường...

Thực trạng tình hình

Trao đổi với chúng tôi, thượng tá Ngô Xuân Hợp, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47), Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: “Cỏ Mỹ” là chất gây nghiện, khi sử dụng sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần, kích động, từ đó người sử dụng sẽ có những suy nghĩ, hành động cực đoan gây hại cho bản thân mình và những người xung quanh. Với mùi thơm đặc trưng và quyến rũ, sau những khoảnh khắc “thăng hoa” cùng “cỏ Mỹ”, nạn nhân sẽ bị lệ thuộc vào nó và khoảng 1 đến 2 tháng sử dụng, người thường vị lở loét do độc dược trong loại cỏ này tàn phá gan, thận...

Theo kết quả giám định của Viện Kỹ thuật Hình sự, Bộ Công an thì hoạt chất chính trong “cỏ Mỹ” là XLR-11 (còn gọi là 5 fluoro-Ur-144). Ảnh hưởng của chất XLR-11 và một số chất khác có trong “cỏ Mỹ” đối với người sử dụng giống như cần sa nhưng mạnh hơn nhiều lần. Điều đáng chú ý là “cỏ Mỹ” gây nghiện rất nhanh, làm tổn thương não bộ và rất khó cai nghiện.

 Cán bộ chiến sỹ Phòng PC47 tuyên truyền về tác hại của “cỏ Mỹ” tại Trường THPT Lê Quý Đôn
Cán bộ chiến sỹ Phòng PC47 tuyên truyền về tác hại của “cỏ Mỹ” tại Trường THPT Lê Quý Đôn.

Báo cáo của Phòng PC47, Công an tỉnh Quảng Bình cho thấy, trong năm 2015, tại các địa bàn như thành phố Đồng Hới, các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn đã xuất hiện một số đối tượng mua, bán và tổ chức sử dụng “cỏ Mỹ”. Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (PA71) và PC47 Công an tỉnh, thông qua hoạt động nghiệp vụ đã phát hiện một đường dây từ Hà Nội thường xuyên gửi “cỏ Mỹ” cho một số đối tượng tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch) qua đường bưu điện với số lượng lớn.

Tại thời điểm đó, “cỏ Mỹ” chưa nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền ma túy nên việc xử lý những hành vi mua, bán và sử dụng “cỏ Mỹ” gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, bên cạnh việc tăng cường nắm tình hình, PC47 đã có các văn bản gửi Công an tỉnh và Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy để báo cáo tình hình, đề nghị bổ sung “cỏ Mỹ” vào danh mục các chất ma túy và tiền ma túy, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo xử lý.

Bộ Công an cũng đã có các văn bản hướng dẫn Công an các tỉnh, thành phố khi phát hiện, bắt giữ các trường hợp mua, bán, sử dụng “cỏ Mỹ” có báo cáo cụ thể và gửi mẫu về Viện Khoa học Hình sự để giám định. Ngày 9-12-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2015/NĐ-CP bổ sung 17 chất, trong đó có XLR-11 vào danh mục các chất ma túy và tiền ma túy. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng thực hiện việc xử lý các đối tượng mua, bán, tàng trữ và sử dụng “cỏ Mỹ” trên địa bàn.

“Cỏ Mỹ” tấn công giới trẻ

Như đã nói ở trên, vào thời điểm “cỏ Mỹ” chưa được đưa vào danh sách các chất ma túy và tiền ma túy, cơ quan chức năng đang loay hoay trong việc xử lý các hành vi mua bán, tàng trữ và sử dụng “cỏ Mỹ”, các đối tượng buôn bán mặt hàng nguy hiểm này đã lợi dụng điều đó để tuyên truyền rằng “cỏ Mỹ” là vô hại đối với sức khỏe người sử dụng.    

Với luận điệu này, giới trẻ đã thử "hút cỏ" để "trải nghiệm" cảm giác mới lạ từ loại ma túy này. "Cỏ Mỹ" được bán dưới dạng túi tùy trọng lượng, khi sử dụng có thể trộn lẫn trong thuốc lá hoặc cuốn "nguyên chất" tùy nhu cầu của người sử dụng. Túi 2gram dao động trong khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Nhiều bạn trẻ đã bị dụ dỗ và ngây thơ bước vào con đường này mà không lường được tác hại khủng khiếp của “cỏ Mỹ”. Và không ít bậc phụ huynh, khi thấy con hút thuốc cũng chỉ giản đơn nghĩ rằng con mình đang hút thuốc lá bình thường chứ không thể ngờ rằng con em mình đang sử dụng ma túy.

Tại một số quán cà phê, khi Nghị định 126 chưa ra đời, người ta còn bày bán công khai và không khó để bắt gặp cảnh các bạn trẻ tụ tập “hút cỏ” rồi chìm đắm trong những ảo giác từ loại ma túy mới này. Và thậm chí “cỏ Mỹ” còn được bán rộng rãi qua facebook với những lời quảng cáo như “giao dịch toàn quốc”, “giá cả phải chăng”!!! 

Thời gian qua, công an một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phát hiện các đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng “cỏ Mỹ”. “Cỏ Mỹ” xâm nhập thị trường bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như đóng gói và dán nhãn “trà giảm cân”, “hoàn toàn tự nhiên”... để đánh lừa cơ quan chức năng cũng như người sử dụng. Và trong số những người sử dụng “cỏ Mỹ” có một số em là học sinh bậc THPT.

Với tâm lý của tuổi mới lớn là “thấy bạn bè hút thì thử” nếu không sẽ bị “chọc quê”, các em đã vô tình “dính bẫy”, trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ buôn bán “cỏ Mỹ”. Và bản thân các em, nếu không có sự can ngăn của gia đình và sự tỉnh ngộ kịp thời, nghiện ngập và đánh mất tương lai, đẩy chính mình và người thân vào ngõ cụt, là con đường tất yếu.

“Cỏ Mỹ” được rao bán trên mạng xã hội.
“Cỏ Mỹ” được rao bán trên mạng xã hội.

Chung tay vào cuộc

Ngày 4-4-2016, giờ chào cờ của các em học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn khác hơn thường lệ. Bên cạnh những nội dung quen thuộc của các buổi chào cờ trước đây, các em đã được cán bộ, chiến sĩ Phòng PC47 Công an Quảng Bình trao đổi, chuyện trò về tác hại của “cỏ Mỹ”. “Cỏ Mỹ” là gì, tác hại của nó như thế nào, làm gì để phòng chống “cỏ Mỹ” xâm nhập vào học đường... là những nội dung đã được tuyên truyền làm rõ trong chương trình chào cờ với sự tham gia của trên 1.500 học sinh và cán bộ, giáo viên.

Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: Trước thông tin về những tác hại của “cỏ Mỹ” đối với giới trẻ, trong đó có các em học sinh, trường đã chủ động liên hệ với Phòng PC47 để tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh hiểu rõ về “cỏ Mỹ” và tác hại khôn lường của nó. Không dừng lại ở đó, nhà trường đã và đang phối hợp chặt chẽ với Công an huyện Bố Trạch, Công an thị trấn Hoàn Lão và 13 địa phương có con em đang theo học tại trường cùng các bậc phụ huynh để theo dõi và nắm thông tin chặt chẽ về các em học sinh của trường.

“Là lứa tuổi mới lớn, với tâm lý muốn khám phá, tìm hiểu những điều mới mẻ, các em học sinh chính là những đối tượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nghị định 126 ra đời là điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng xử lý các đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng “cỏ Mỹ”, tuy nhiên bên cạnh việc xử lý bằng pháp luật, chúng tôi thấy rằng tuyên truyền là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh hiểu rõ hiểm họa từ “cỏ Mỹ” để phòng, chống hiệu quả!”, thầy Phạm Hồng Việt cho biết thêm.

Tiếp theo sau Trường THPT Lê Quý Đôn, các trường THPT trên địa bàn huyện Bố Trạch cũng đã tiến hành công tác tuyên truyền với sự phối hợp của Phòng PC47. Thượng tá Ngô Xuân Hợp khẳng định: Tại thời điểm nhiều người chưa có đầy đủ thông tin về tác hại của “cỏ Mỹ” dẫn đến việc các đối tượng buôn bán lợi dụng tuyên truyền rằng “cỏ Mỹ” vô hại để đánh lừa người sử dụng thì tuyên truyền là giải pháp hàng đầu. Không chỉ các em học sinh mới cần nắm rõ thông tin, mà các thầy cô giáo, đặc biệt là các bậc phụ huynh cũng phải quan tâm theo dõi, hiểu rõ về các chất ma túy nói chung, “cỏ Mỹ” nói riêng để góp phần ngăn chặn con em tiếp cận và sử dụng.

Bên cạnh giải pháp tuyên truyền, Công an Quảng Bình mà trực tiếp là Phòng PC47 đã và đang tăng cường công tác phối hợp với công an các phòng, các địa phương để thực hiện tốt công tác điều tra nắm tình hình và xử lý các đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi “cơn lốc cỏ Mỹ” đang tấn công vào giới trẻ, trong đó có các em học sinh.

Ngọc Mai