.

Giải pháp nào để hạn chế tình trạng khiếu nại có nội dung sai

Thứ Ba, 26/04/2016, 22:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh về kết quả giải quyết khiếu nại (KN) những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ đơn KN sai và có đúng, có sai chiếm tỷ lệ trên 70%, thậm chí có thời điểm lên đến hơn 90%. Thực tế này, đặt ra vấn đề là cần có những giải pháp như thế nào để người KN nhận thức rõ việc KN sai của mình và tự nguyện rút đơn KN theo quy định của pháp luật. Qua đó, tránh được việc các cấp, ngành phải tập trung con người, điều kiện vật chất và thời gian, công sức cho việc giải quyết KN có nội dung sai.

Qua giải quyết 648/680 đơn KN theo thẩm quyền năm 2015 và quý I-2016 của các cơ quan hành chính nhà nước cho thấy, đơn KN sai chiếm đến 49,4%; KN có đúng, có sai chiếm 41,5% và đơn KN đúng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ với 9,1%. Kết quả này cho thấy, thực tế tổng số đơn KN sai và KN có đúng, có sai chiếm tỷ lệ phần lớn trong tổng số đơn KN đã giải quyết.

Để có kết quả phản ảnh chất lượng nội dung KN trên, các cơ quan hành chính nhà nước đã tập trung con người, điều kiện vật chất và thời gian, công sức cho việc giải quyết KN theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Khiếu nại năm 2011. Đáng nói, trong đó có nhiều vụ, việc KN có nội dung phức tạp kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, ngành dẫn đến việc tốn kém rất nhiều kinh phí, thời gian phục vụ cho công tác giải quyết đơn KN.

Qua đánh giá, phân tích tình hình KN trên địa bàn tỉnh, đã tìm ra được một số nguyên nhân từ phía người KN dẫn đến KN sai, hoặc sai một phần, đó là: do hiểu biết về pháp luật nói chung và các chế độ chính sách nói riêng còn hạn chế dẫn đến phát sinh KN; một số khác thì bị xúi dục, lôi kéo... của một số đối tượng bất mãn, bất đồng trong quản lý kinh tế, thực hiện dân chủ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị...

Thực tế có nhiều vụ, việc KN trong quá trình xử lý đơn, xác minh giải quyết, qua phân tích, giải thích có tình, có lý, có tính thuyết phục, người KN nhận thức được vấn đề đã tự nguyện rút đơn. Điển hình như vụ KN kỳ thi tuyển công chức tỉnh năm 2010, vụ KN về đất đai tại xã Lộc Ninh (Đồng Hới) năm 2012 và một số vụ điển hình khác.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để người KN tự nhận thấy được nội dung KN của mình là sai, hoặc sai một phần để tự nguyện rút đơn trong quá trình giải quyết. Theo ông Nguyễn Văn Ước, Trưởng phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại-tố cáo (Phòng nghiệp vụ 1 của Thanh tra tỉnh), để người KN tự nguyện rút đơn KN khi biết mình KN sai cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau:

Trước hết, cần phải nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn KN. Công tác tiếp dân và xử lý đơn KN của công dân kịp thời, chính xác và khoa học là một bước thẩm định nội dung KN của công dân. Bởi nếu xử lý tốt đơn KN tại nơi tiếp công dân, phát hiện KN có nội dung sai, không có cơ sở, căn cứ pháp luật để giải quyết, cần giải thích để cho công dân hiểu, nhận thức đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó tự nguyện rút đơn.

Thực tế, thời gian qua công tác tiếp nhận và xử lý đơn mới chỉ dừng lại ở khâu phân loại và chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật, mà chưa thực hiện tốt nhiệm vụ: “Hướng dẫn, giải thích cho công dân về chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung yêu cầu của công dân” (Điều 62, Luật Khiếu nại năm 2011). Chưa chủ động nghiên cứu phân tích nội dung đơn đúng, sai để có biện pháp hướng tới việc rút đơn khi KN là sai.

Để khắc phục vấn đề này, công tác tiếp nhận và xử lý đơn phải gắn với việc giải quyết KN. Đó là, khi tiếp nhận đơn KN cán bộ xử lý phải nghiên cứu kỹ nội dung đơn, căn cứ vào chính sách, pháp luật của nhà nước và kiến thức thực tế để phân tích nội dung KN đúng, sai, từ đó giải thích có tình, có lý, có tính thuyết phục nhằm giúp người KN nhận thức được vấn đề để tự nguyện rút đơn KN.

Đặc biệt, đối với KN lần 2, qua tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, xét thấy việc giải quyết lần đầu là chính xác, khách quan, đúng pháp luật, cán bộ tiếp công dân cần giải thích, phân tích cụ thể, có tính thuyết phục cao để người KN thấy được và chấp hành quyết định giải quyết lần đầu. Làm được như vậy, không những các cơ quan hành chính nhà nước giảm các chi phí vật chất, thời gian, thủ tục giải quyết KN lần 2, mà hiệu lực quyết định giải quyết KN lần 1 được tăng cường.

Thứ hai, cần tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác xác minh nội dung KN. Trong quy trình giải quyết, bắt buộc người thẩm tra, xác minh phải làm việc với người KN. Cần chọn thời điểm hợp lý, phân tích một cách khách quan, giải thích có tình, có lý cho người KN thấy được nội dung KN là không đúng, động viên, thuyết phục để người KN thực hiện quyền được rút đơn KN theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật của công dân.

Để việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt mục tiêu là hướng tới cơ sở, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Trước hết các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp phải thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về KN nói riêng trên địa bàn.

Đồng thời, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến; phải kết hợp nhiều kênh thông tin, lựa chọn hình thức, nội dung phải linh hoạt phù hợp với từng địa phương, từng nhóm đối tượng. Gắn công tác truyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động các chi hội cơ sở, sinh hoạt công đồng...

Để công dân nhận thức đúng, tự nguyện rút đơn KN trong quá trình KN và giải quyết KN, cần chú trọng triển khai áp dụng đồng bộ các nhóm giải pháp như đã nêu ở trên. Nhưng trong tất cả các giải pháp đó, yếu tố quan trọng nhất vẫn là công tác bố trí cán bộ. Nếu như cán bộ, công chức của chúng ta không tinh thông nghiệp vụ, chuyên môn, không nắm vững chính sách, pháp luật của Nhà nước và có kiến thức thực tiễn, phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong không tốt thì còn gây phiền hà cho dân; còn máy móc, rập khuôn thì còn gây lãng phí về thời gian, kinh phí của Nhà nước cho việc giải quyết các KN sai như đã nêu trên.

Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực cố gắng rèn luyện, tu dưỡng của mỗi một cán bộ, công chức, lãnh đạo các cấp, ngành cần phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ công chức thực hiện công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn, xác minh KN nói riêng bảo đảm vừa hồng, vừa chuyên, vừa có tâm vừa có tầm để quá trình xử lý đơn, giải quyết KN luôn hướng tới việc người KN tự nguyện rút đơn khi nhận thức được KN của mình là sai...

Bùi Thành