.

Gia tăng tình trạng phạm tội trong thanh, thiếu niên - Kỳ 2: Những "khoảng trống" cần được "lấp đầy"

Thứ Tư, 13/04/2016, 04:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với tính chất mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, thì xu hướng tội phạm ngày càng "trẻ hóa" đã và đang là nỗi nhức nhối của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Để hạn chế, tiến tới ngăn chặn thực tế nói trên một cách có hiệu quả, vẫn còn những "khoảng trống" cần được "lấp đầy", nhất là công tác quản lý, giám sát và giáo dục thanh thiếu niên của chính quyền cơ sở.

>> Kỳ 1: Tội phạm ngày càng "trẻ hóa"

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tội phạm ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Qua tìm hiểu, hầu hết chính quyền nhiều địa phương đều cho rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thì để quán lý, giáo dục thanh, thiếu niên cần có sự chung tay phối hợp giữa gia đình và xã hội. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương, những giải pháp này khó thực hiện.

Quảng Thọ là một trong những phường ở trung tâm thị xã Ba Đồn. Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo của chính quyền địa phương, sự vào cuộc một cách mạnh mẽ và quyết liệt của các đoàn thể chính trị xã hội, tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, năm 2015 trong số 7 vụ (11 đối tượng) phạm pháp hình sự có 5 đối tượng ở tuổi thanh niên, và trong 12 vụ (22 đối tượng) bị xử phạt hành chính trên địa bàn thì có 8 đối tượng là người chưa thành niên hoặc thanh niên. Đa số các đối tượng phạm tội hoặc bị xử phạt hành chính đều có trình độ nhận thức thấp và không có công ăn việc làm ổn định.

Ông Trần Xuân Xệ, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, thật khó có thể thống kê hết số lượng lao động tự do, lao động đi làm ăn xa. Chỉ tính riêng, số thanh niên địa phương đi xuất khẩu lao động hiện nay có khoảng 140 thanh niên. Dù mỗi năm, những lao động này chỉ về quê trong một thời gian ngắn vào dịp lễ, tết thế nhưng để quản lý và giám sát họ, chính quyền địa phương nơi đây gần như "bó tay", trong khi nguy cơ những đối tượng này vi phạm pháp luật là rất cao.

Thông qua hoạt động xét xử lưu động của Tòa án là một cách để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Thông qua hoạt động xét xử lưu động của Tòa án là một cách để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Không giống như phường Quảng Thọ, tình hình an ninh trật tự ở xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) lại phải đối mặt một khó khăn khác. Qua thống kê của Công an xã, hầu hết các vụ có dấu hiệu phạm pháp hình sự và xử phạt hành chính xảy ra trên địa bàn, thì có 50 đến 60% vụ việc và đối tượng là người từ các xã khác đến. Bởi, xã Quảng Hòa được xem là trung tâm của cụm xã phía nam TX.Ba Đồn, là nơi có các dịch vụ vui chơi, giải trí như karaoke, quán nhậu...

Ngoài ra, theo ông Ngô Đức Bình, Trưởng Công an xã Quảng Hòa cho hay, kể từ khi xuất hiện tội phạm có dấu hiệu sử dụng ma túy (năm 2013), tình hình an ninh trật tự trên địa bàn càng trở nên phức tạp hơn. Đây chủ yếu là những thanh niên đi làm ăn xa hoặc làm thuê từ Lào trở về. Nếu không quản lý chặt chẽ những đối tượng thanh niên này, thì khó có thể nói là không có chuyện xảy ra.

Trong khi tình trạng tội phạm trong thanh, thiếu niên chủ yếu rơi vào những trường hợp các thanh, thiếu niên lao động tự do, không có công ăn việc làm ổn định, thì công tác giám sát và quản lý những thanh, thiếu niên này vẫn chưa được chính quyền các địa phương quan tâm.

Từ vai trò là thủ lĩnh thanh niên ở cơ sở, anh Trần Văn Dục, Bí thư Đoàn phường Quảng Thọ cho rằng, "Không thể quản lý được số lượng thanh, thiếu niên này vì họ không phải là đoàn viên. Và họ cũng không sinh sống ổn định thường xuyên ở địa phương, nên Đoàn thanh niên cũng khó có thể vận động, tập hợp họ vào Đoàn được.

Hơn nữa, họ cũng không có nhu cầu vào Đoàn". Điều này đã tác động không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên.

Tại phường Quảng Thọ, chưa kể đến các thanh niên lao động tự do, đi xuất khẩu lao động hoặc làm ăn xa, ngay chính 125 đoàn viên hiện đang sinh sống và sinh hoạt Đoàn tại địa phương, thực tế cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và tìm hiểu pháp luật. Anh Trần Văn Dục cho biết, mỗi năm Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật phường tổ chức 5 đến 6 hội nghị tuyên truyền, nhưng chỉ có khoảng 10% thanh niên được tham gia.

Ngoài các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục qua loa truyền thanh và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hoặc hội nghị thôn xóm, tổ dân phố nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật cho thanh niên, thì gần như không còn cách nào khác.

Tương tự, tại xã Quảng Hòa (TX. Ba Đồn) cũng vậy. Mỗi năm Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật xã chỉ tổ chức được 2-3 đợt, nhưng mỗi đợt chỉ thu hút được 20-30% thanh niên nông thôn tham gia. Lý do là vì số lượng người tham gia bị hạn chế trong mỗi đợt tuyên truyền, tiếp nữa là do thanh niên còn phải đi làm kiếm tiền.

Mỗi năm, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hàng ngàn hội nghị, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật; in ấn hàng ngàn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên sinh sống trên địa bàn tỉnh. Riêng tổ chức Đoàn, trong năm 2015 cũng tổ chức 935 hội nghị phổ biến pháp luật cho 215 ngàn lượt người.

Tuy nhiên, khó mà khẳng định được rằng hầu hết các thanh, thiếu niên có thể tiếp cận được các hội nghị, lớp tập huấn này, đặc biệt là các đối tượng thanh, thiếu niên đang ở "ngoài tầm kiểm soát". Trong khi chính những đối tượng thanh, thiếu niên này cần được giáo dục cũng như nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật hơn cả.

Lý giải về vấn đề này, anh Trần Sơn Tùng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, Thực tế có một số lượng không nhỏ thanh, thiếu niên lao động tự do ở nông thôn không thể vận động và tập hợp vào Đoàn. Hiện nay, tỉnh ta có khoảng 196 ngàn người trong độ tuổi thanh niên, tuy nhiên chỉ tập hợp được khoảng 130 ngàn người vào Đoàn.

Nguyên nhân là do số thanh, thiếu niên này không có ý muốn vào Đoàn; hoạt động của một số cơ sở Đoàn chưa thực sự có chiều sâu nên chưa hấp dẫn và thu hút thanh niên; mặt khác, không có một cơ chế nào để ràng buộc các thanh niên nói trên vào sinh hoạt đoàn. Để khắc phục tình trạng này, Tỉnh đoàn đã có tích cực nâng cao và đổi mới cả hình thức lẫn chất lượng sinh hoạt Đoàn sang sinh hoạt theo tổ, đội, nhóm có cùng sở thích, như các câu lạc bộ thanh niên làm ăn, phát triển kinh tế; tổ thanh niên xung kích giữ gìn an ninh trật tự... qua đó, tạo việc làm, hỗ trợ vốn vay, nhằm thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt.

Theo ông Trần Xuân Xệ, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ thì: "Vấn đề cơ bản là cần phải giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho thanh niên. Có công ăn việc làm sẽ giảm bớt các tệ nạn xã hội và hạn chế được những hành vi phạm tội". Bên cạnh đó, công tác tập hợp thanh, thiếu niên của Đoàn thanh niên các cấp cũng cần phải đẩy mạnh theo hướng thiết thực hơn như: hỗ trợ việc làm, tạo nguồn vốn vay ưu đãi, giúp thanh niên có công ăn việc làm ổn định.

Và lẽ dĩ nhiên, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cũng phải được chú trọng về cả hình thức lẫn nội dung tuyên truyền, nhưng không phải theo kiểu "lên lớp" hoặc "hội nghị": nói-nghe, đọc-viết. Nếu thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, cùng sự chung tay phối hợp, vào cuộc một cách quyết liệt của nhiều đoàn thể chính trị-xã hội và các cấp chính quyền, thì chắc chắn sẽ hạn chế được sự "nóng lên" của tội phạm trong thanh, thiếu niên nói riêng và các loại tội phạm nói chung.

Nhóm P.V Bạn đọc